EVN thay thế công tơ điện tử theo lộ trình
(Chinhphu.vn) - Tiến tới thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử và áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình ghi chỉ số điện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có quyền kiểm tra giám sát quá trình này là mục tiêu mà EVN đã và đang tập trung thực hiện.
Công nhân ngành điện kiểm tra, sửa chữa hệ thống lưới điện phân phối.
Áp dụng công nghệ đo xa trong việc đo đếm điện
Theo Giáo sư, Viện sỹ Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam), trên bình diện rộng, ngành điện muốn hiện đại hóa hạ tầng đo đếm điện thì trước hết cần phải thay toàn bộ công tơ cơ học hiện nay bằng công tơ điện tử. Vì vậy, cần thiết phải ứng dụng linh hoạt, mạnh mẽ công nghệ thông tin vào lĩnh vực này.
“Khi đó việc thu thập, xử lý dữ liệu, lập hóa đơn, xuất hóa đơn tiền điện cho khách hàng sẽ được nhanh chóng, kịp thời và chính xác”, Giáo sư Trần Đình Long nhấn mạnh.
Được biết, việc đầu tư thay thế công tơ điện tử đã được EVN giao cho các Tổng Công ty Điện lực lập dự án đầu tư theo lộ trình để tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất lao động trên nguyên tắc: Đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật và chất lượng của công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; đảm bảo an ninh bảo mật, tránh can thiệp trái phép vào công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Số liệu của Ban kinh doanh thuộc EVN cũng cho biết tính đến ngày 31/12/2014, EVN đã kinh doanh và bán điện cho 22,411 triệu khách hàng, trong đó có 2,72 triệu khách hàng đã được lắp đặt công tơ điện tử.
“Hiệu quả mang lại của việc sử dụng công tơ điện tử vào công tác kinh doanh bán điện cho khách hàng là tự động hóa hệ thống đo đếm điện năng, thay cho phương pháp theo dõi và quản lý vận hành thủ công truyền thống có năng suất lao động thấp, giúp các công ty điện lực nâng cao năng suất lao động, tăng cường chất lượng quản lý giám sát, vận hành hệ thống đo đếm, nâng cao hiệu quả điều hành sản xuất, kinh doanh điện năng và chất lượng dịch vụ khách hàng", ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết.
Các đơn vị tiến hành thay thế công tơ điện tử với số lượng lớn là Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tổng Công ty Điện lực miền Nam.
Hiện nay, EVN đang giao cho các Tổng Công ty Điện lực lập dự án triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và phù hợp với nhu cầu, lộ trình của các đơn vị, báo cáo dự án về Tập đoàn trước ngày 31/10/2015.
Cần có lộ trình
Hiện nay để nâng cao tính minh bạch trong việc ghi chỉ số công tơ điện, EVNHANOI đang triển khai hình thức ghi chỉ số bằng máy tính bảng phối hợp với bộ thiết bị ghi chỉ số cho 29/30 Công ty Điện lực với 1.129 thiết bị áp dụng cho trên 500.000 khách hàng.
EVNHANOI cho biết trong kỳ hóa đơn tháng 7 này, dự kiến số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp ghi chỉ số công tơ này là trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỉ lệ trên 40%. Các hình ảnh chụp từ công tơ được sử dụng trong công tác dịch vụ khách hàng như: Kiểm tra việc thực hiện ghi chỉ số công tơ, bằng chứng để giải đáp thắc mắc của khách hàng.
Thời gian tới EVNHANOI đang tiếp tục triển khai đầu tư, trang bị thiết bị này cho tất cả các Công ty Điện lực nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và minh bạch trong công tác ghi chỉ số công tơ.
Cùng với đó, qua hệ thống tin nhắn, nhiều khách hàng của EVNHANOI đã nhận được thông báo mời tham gia giám sát quá trình ghi chỉ số công tơ của nhân viên ngành điện.
Tuy nhiên, việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử và áp dụng phương thức mới trong việc ghi chỉ số điện bằng máy tính bảng kết hợp với bộ ghi chỉ số mới chỉ được triển khai trên phạm vi hẹp và cần phải có lộ trình.
Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, trong quá trình triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, khó khăn lớn nhất là sự đồng thuận của khách hàng và xã hội chưa cao. Do công tơ điện tử có độ nhạy cao hơn công tơ cơ nên nhiều người nghi ngờ công tơ điện tử chạy nhanh hơn công tơ cơ.
“Khó khăn vướng mắc thứ 2 là nguồn vốn để triển khai, mặc dù việc triển khai áp dụng công tơ điện tử đem lại nhiều hiệu quả nhưng cần đảm bảo nguyên tắc không làm tăng chi phí lắp đặt công tơ phục vụ bán điện cho khách hàng theo định mức đã duyệt. Do đó cần tính toán một lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo nguyên tắc này”, ông Dũng cho biết thêm.
Phân tích về vấn đề này, Giáo sư Trần Đình Long cho rằng nếu ngành điện đầu tư số tiền lớn để nâng cấp hệ thống hiện đại sẽ có tác động tích cực đến tiến độ khai thác, vận hành và phân phối điện. Khi ngành điện đã điện tử hóa được hệ thống thì chỉ trong thời gian không dài sẽ có thể thu hồi được nguồn kinh phí đầu tư.
“Hiện đại hóa là việc ngành điện trước sau vẫn phải làm vì xu thế hiện nay là xây dựng lưới điện thông minh, trong đó xác định một trong những tiêu chí quan trọng nhất là khâu đo đếm điện”, Giáo sư Long nhận định.
Theo Toàn Thắng/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ