Phẫu thuật thành công cho 4 trẻ bị phù bạch mạch hiếm gặp
(Chinhphu.vn) - Phù bạch mạch là căn bệnh hiếm gặp, phức tạp, không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phẫu thuật thành công cho bệnh nhân mắc bệnh này.
GS. Corinne Becker cùng các bác sĩ Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội phẫu thuật cho bệnh nhân bị bệnh phù bạch mạch. Ảnh: soyte.hanoi.gov.vn
Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện đa khoa Saint Paul) vừa phối hợp với GS. Corinne Becker đến từ Pháp - chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thành công cho 4 trẻ mắc bệnh phù bạch mạch.
Phù bạch mạch là do sự bất thường của hạch bạch huyết hoặc hệ thống mạch bạch huyết, dẫn đến ứ trệ dịch tăng dần ở một phần chân hoặc tay. Đây là căn bệnh hiếm gặp, phức tạp, không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới. Đối với trẻ em, bệnh có thể do bẩm sinh. Còn ở người lớn là do bị giun chỉ, biến chứng trong điều trị ung thư, hoặc do chấn thương.
Bệnh phù bạch mạch không chỉ gây mất thẩm mỹ cho người mắc, mà còn làm hạn chế vận động, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Không những thế, chi thể ứ dịch là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, dẫn đến nhiễm trùng mô mềm và loét da. Ngoài ra có thể tiến triển thành ung thư, dù tỷ lệ này không cao.
Tại Việt Nam, đến nay chưa có cơ sở nào điều trị được bệnh phù bạch mạch.
Cũng theo Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, cả 4 cháu bé (độ tuổi từ 1-3) nhập viện trong tình trạng chân phù to, tăng dần từ ngay sau khi sinh ra. Trong 4 cháu, có một cháu phù tăng rất nhanh, trước đó đã phải phẫu thuật 2 lần để cắt bớt phần mô ở mu chân.
GS. Corinne Becker trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhi với sự hỗ trợ của ê kíp phụ mổ là các bác sĩ của Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội, đã sử dụng phương pháp ghép hạch tự thân vùng bẹn - một phương pháp mới với hiệu quả rất cao. Nếu bệnh nhi được phát hiện, điều trị sớm bằng phương pháp này, tỉ lệ thành công lên tới 98%. Chân các cháu sẽ cân đối và chất lượng cuộc sống gần như bình thường, đặc biệt là bé gái.
Cái khó của ca mổ này là việc bóc tách tổ chức mỡ ngang núm vú tìm mạch ngực ngoài, tìm tách động mạch và tĩnh mạch ngực ngoài, bóc tách vạt mỡ-hạch bạch huyết với cuống mạch ngực ngoài, sau đó chuyển xuống vùng bẹn nối vào động mạch và tĩnh mạch thượng vị nông. Sau khi vạt hạch ghép thành công sẽ tiết ra VGEF3, một hormon tăng trưởng tự nhiên giúp kích thích quá trình tạo ra các đường bạch mạch mới.
GS. Corinne Becker (người tiên phong trong việc nghiên cứu và tìm ra phương pháp điều trị phù bạch huyết, đã thực hiện trên 4.000 ca bệnh trong vòng 20 năm qua và đi đến nhiều nước trên thế giới để phẫu thuật và đào tạo cho các phẫu thuật viên khác) cho biết, bà sẽ chuyển giao kỹ thuật này cho Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội và các đơn vị khác trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ tạo hình tại Việt Nam. Việc này sẽ giúp các bác sĩ làm chủ kỹ thuật, người bệnh sẽ có thêm nhiều cơ hội điều trị căn bệnh này ngay tại Việt Nam với chi phí phù hợp, mà không phải đi ra nước ngoài với chi phí lên tới hàng trăm nghìn USD.
GS.TS. Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện đa khoa Saint Paul) cho biết, phù bạch mạch tiến triển qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sớm, phù ấn lõm, vận động các chi gần như bình thường. Giai đoạn 2 phù tăng lên, ấn không lõm, sự phì đại của chi sang giai đoạn không hồi phục, vùng chi bị tổn thương bắt đầu xơ hóa. Giai đoạn 3 vùng tổn thương trở lên rất to, cứng và xơ hóa không hồi phục (còn gọi là phù chân voi).
Theo CM