Việt Nam, Đan Mạch hợp tác phát triển điện gió
(Chinhphu.vn) – Trong những năm tới Việt Nam và Đan Mạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển của Danida.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chứng kiến thành lập Vestas Việt Nam -
Ảnh VGP/Toàn Thắng
Chia sẻ những giải pháp kỹ thuật, chính sách và tài chính được đúc rút từ những kinh nghiệm thực tiễn của Đan Mạch và Việt Nam trong lĩnh vực điện gió là nội dung cơ bản của hội thảo về năng lượng gió vừa được Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đan Mạch đồng tổ chức tại Hà Nội, ngày 29/11.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, dự báo tốc độ tăng trưởng điện sản xuất bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020 là 10,7% và giai đoạn 2021-2025 là 8,6%.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam đánh giá việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính chiến lược.
Theo Quy hoạch điện quốc gia VII, mục tiêu phát triển tổng công suất nguồn điện gió đạt 800 MW vào năm 2020, đạt 2.000 MW năm 2025 và đạt khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020, khoảng 1% vào năm 2025 và khoảng 2,1% vào năm 2030.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới chỉ có 3 dự án điện gió nối lưới vào vận hành với tổng công suất đạt 153,2 MW. Nguyên nhân là do suất đầu tư dự án điện gió cao so với các nguồn điện truyền thống, giá mua điện gió chưa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, nguồn cung cấp linh kiện, thiết bị và dịch vụ trong nước còn hạn chế, nguồn nhân lực kỹ thuật, thị trường vốn chưa đáp ứng yêu cầu...
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/ QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó quy định biểu giá điện hỗ trợ cho điện gió và quy định bên mua điện phải bao tiêu toàn bộ sản lượng điện gió phát lên hệ thống
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các tổ chức WB, GIZ, KfW đang tiến hành chương trình đo gió tại 30 điểm trên toàn quốc nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tiềm năng gió đầy đủ và cập nhật bản đồ gió Việt Nam.
Việt Nam là nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo khá lớn gồm các nguồn thủy điện nhỏ, gió, sinh khối, mặt trời... Với hơn 3.200 km bờ biển, diện tích tiềm năng điện gió tốt và khá tốt tại Việt Nam khoảng 2.700 km2, tương đương 10.000 MW điện gió trong đất liền.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết trong nhiều năm qua Việt Nam và Đan Mạch đã và đang hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển của Danida.
Đại sứ khẳng định, mặc dù Đan Mạch đang dừng triển khai nhiều chương trình của Danida tại Việt Nam nhưng vẫn có thể hỗ trợ các dự án năng lượng gió trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ vốn kinh doanh của Danida thông qua các khoản vay ưu đãi.
Tại hội thảo, nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới Vestas của Đan Mạch đã thành lập Vestas Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội. Sự kiện này là một minh chứng cho lòng tin và cam kết dài hạn của Vestas đối với thị trường điện gió của Việt Nam .
Theo Toàn Thắng/Giaoduc.net.vn