Giải pháp để Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu thành phố thông minh
(Chinhphu.vn) - Đà Nẵng cần có chiến lược dài hạn và đồng bộ hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực y tế, môi trường, giao thông, giáo dục… để công nghệ thông tin (CNTT) mang lại chất lượng cuộc sống thiết thực, phát triển thành phố bền vững trong tương lai.
Ảnh: VGP/Minh Trang
Ngày 8/11, Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cùng UBND TP. Đà Nẵng tổ chức hội thảo Giải pháp tổng thể xây dựng đô thị thông minh.
Theo TS. Nguyễn Minh Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT, với tinh thần đi tắt đón đầu, bắt kịp xu hướng chung của thế giới, Bộ TT&TT thời gian qua đã chỉ đạo Viện phối hợp với các đối tác, với sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước và quốc tế, khẩn trương triển khai nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm xây dựng thành phố thông minh (TPTM) của quốc tế để áp dụng hợp nhất cho các địa phương của Việt Nam.
Trong đó, Đà Nẵng đã có những bước đi đầu tiên trong lộ trình xây dựng TPTM từ rất sớm. Từ năm 2012, Đà Nẵng đã phối hợp với Tập đoàn IBM khảo sát, xây dựng Đề án xây dựng TPTM hơn với những đề xuất thiết thực và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Thành phố.
Đà Nẵng đã triển khai thành công một số ứng dụng thông minh như: Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống giám sát ô tô lưu thông qua cầu, trung tâm giám sát tự động chất lượng tại nhà máy nước Cầu Đỏ.
Ngày 9/7, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viettel về xây dựng TPTM. Các lĩnh vực ưu tiên triển khai bao gồm: Y tế, giáo dục, giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, và đến tháng 6/2017 sẽ hoàn thành giai đoạn 1...
Tuy đạt được kết quả khả quan, quá trình xây dựng TPTM của Đà Nẵng cũng gặp phải một số thách thức như: Hệ thống thông tin của các cơ quan chưa đồng bộ và chưa tương thích với địa phương; số lượng các ứng dụng thông minh được triển khai còn quá ít.
Theo các chuyên gia chiến lược quốc tế, để hiện thực hoá mô hình này, Đà Nẵng cần có chiến lược dài hạn và đồng bộ hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực y tế, môi trường, giao thông, giáo dục… để CNTT mang lại chất lượng cuộc sống thiết thực, phát triển thành phố bền vững trong tương lai.
Theo Viện Chiến lược TT&TT, bộ giải pháp đồng bộ để xây dựng TPTM bao gồm 3 nhóm giải pháp là “bắt đầu, phát triển và tăng tốc”.
Trong giai đoạn “bắt đầu”, Thành phố cần nghiên cứu, khảo sát thực trạng địa phương và bài học kinh nghiệm trên thế giới, từ đó xây dựng mục tiêu và chiến lược cho việc phát triển TPTM; rà soát, hệ thống hoá toàn bộ hệ thống các cơ sở dữ liệu theo tiêu chuẩn.
Trong giai đoạn “phát triển”, xây dựng hạ tầng CNTT, hoàn thiện các trung tâm điều hành, quản lý với các nội dung, phần mềm và các thiết bị đi kèm; tiếp theo hoàn thiện các nội dung cần quản lý của từng chuyên ngành chuyên môn nhỏ, ứng dụng các tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật, CNTT... để xây dựng các hợp phần thông minh và kết nối trên toàn hệ thống chung.
Cuối cùng, trong giai đoạn “tăng tốc”: Xây dựng các hệ thống kiểm tra, đánh giá đạt chuẩn quốc tế và trong nước cho địa phương, trong đó phân ra từng chuyên ngành cụ thể; xây dựng các hệ thống đối tác hợp tác trong nước và quốc tế để triển khai chương trình; xây dựng và triển khai hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý phù hợp với các quy định quốc tế, trong nước để triển khai chương trình đạt hiệu quả cao.
Trong đó, triển khai mô hình đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề thông minh là một giải pháp quan trọng. Đà Nẵng nên xây dựng trung tâm kiểm tra đánh giá nguồn nhân lực và dạy nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến và trực tiếp tạo ra môi trường học tập suốt đời.
Bên cạnh đó là đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn CNTT sử dụng thành thạo các kỹ năng cần thiết ứng dụng của TPTM, vận hành tốt hệ thống và đào tạo các đối tượng khác sử dụng.
Ngoài ra là đào tạo tiếng Anh cho công chức, viên chức, lao động đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo quy định, đáp ứng được các tiêu chí về ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới.
Theo Minh Trang/Chinhphu.vn