4G được trông đợi nhiều
Khi thương mại hóa, các mạng 4G cần “lột xác” mới có thể thu hút người dùng
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Viettel, VNPT VinaPhone, MobiFone và GTel. Cả 4 nhà mạng đều được cấp phép sử dụng cùng tần số 1.800 MHz. Tuy nhiên, so với 3G, tâm lý người dùng thận trọng hơn, muốn mạng 4G mới phải bảo đảm về tốc độ, giá cả cũng như dịch vụ đi kèm. Điều này đòi hỏi nhà mạng phải cung cấp chất lượng dịch vụ cạnh tranh để thu hút người dùng.
Cần các gói cước linh hoạt
Anh Nguyễn Minh Bảo (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết: “Điều tôi quan tâm là sự ổn định của tốc độ 4G. Trước đây, 3G tốc độ chập chờn, truy cập rất khó khăn, nhất là khi đi ra các khu vực ngoại ô. Nếu 4G vẫn như vậy thì cũng chẳng có gì hấp dẫn. Các dịch vụ đi kèm của 3G như xem truyền hình, video call… chẳng mấy ai sử dụng vì tốc độ chập chờn, rất khó xem. 4G cần cải thiện các vấn đề này”.
Người dùng mong chờ mạng 4G tốc độ cao và độ ổn định
Theo một chuyên gia viễn thông tại TP HCM, từ bài học 3G, dịch vụ 4G phải “lột xác” hoàn toàn thì mới thu hút người dùng. Kinh nghiệm cho thấy người dùng khi sử dụng 3G, 4G đều có nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ liên quan đến dữ liệu (truy cập web, video call, xem video online…). Vì vậy, các nhà mạng cần có các gói cước đa dạng, linh hoạt với mức giá hợp lý cho tất cả đối tượng. 4G đồng nghĩa với tốc độ cao, sử dụng nhiều dữ liệu hơn nên nếu xảy ra tình trạng các gói cước dữ liệu 4G giống với 3G cũ (giá cao nhưng dung lượng ít) thì sẽ rất khó thu hút.
Qualcomm Việt Nam cho biết theo kinh nghiệm trên thế giới, không doanh nghiệp đơn lẻ nào có thể bảo đảm triển khai 4G thành công. Việt Nam cũng không ngoại lệ nên cần sự tham gia của cả một hệ sinh thái khi triển khai 4G. 4G có nhiều thách thức mà các nhà mạng cần phải giải quyết như: vùng phủ sóng, bảo mật thông tin, năng lực mạng lưới, bảo đảm chất lượng dịch vụ và giá cả thiết bị phải phù hợp túi tiền người dùng. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách quản lý và cam kết mạnh mẽ từ phía nhà mạng.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, nói: “Nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý cần quan tâm tới việc 4G sẽ đi vào đời sống, mang lại những lợi ích gì cho người dùng chứ không chỉ vấn đề hạ tầng mạng và thời điểm triển khai”.
Chạy đua thu hút khách hàng
Các nhà mạng đang ráo riết cạnh tranh để đưa dịch vụ đến với người tiêu dùng. Hiện VNPT VinaPhone đã triển khai cung cấp thử nghiệm 4G cho các dịch vụ: video chất lượng cao Mobile TV, truyền video live stream, truyền hình hội nghị và dịch vụ sử dụng máy tính ảo (Daas). 4G sẽ triển khai rộng vùng phủ sóng 4G công nghệ LTE-A mới nhất trong năm 2016 cho 63 tỉnh, thành ngay tại pha đầu tiên; tập trung tại các thành phố lớn, đô thị, khu du lịch, các điểm công cộng, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, các tuyến đường trục quốc lộ... Bên cạnh đó, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng 4G cũng được VNPT VinaPhone cung cấp tập trung vào nhóm dịch vụ như OTT, app, live stream, phim/clip/MV ca nhạc với các nội dung trong nước và quốc tế đa dạng và luôn cập nhật. Theo VNPT Vinaphone, giá cước, giá của dịch vụ dữ liệu 4G sẽ không tăng so với 3G ở cùng một mức dung lượng sử dụng.
Đại diện MobiFone cho biết đã hoàn thành nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, mạng lưới hạ tầng. Kết quả thử nghiệm của nhà mạng này vượt qua cột mốc tốc độ đề ra (200 Mbps) cho giai đoạn ban đầu, bảo đảm các bước triển khai về chất lượng, nội dung sản phẩm, dịch vụ trên nền công nghệ mới. MobiFone đã hoàn thành các kịch bản kinh doanh với nhiều dịch vụ: dữ liệu tốc độ cao và các dịch vụ truyền hình Broadcast trên nền tảng eMBMS, Unicast, dịch vụ Video 4K, MobiTV...; đồng thời, xây dựng các gói cước riêng có mức ưu đãi dành cho 4G, theo xu thế “data - centric” (chỉ dùng data, miễn phí thoại và SMS) của các Telco trên thế giới. Các gói cước mà MobiFone xây dựng về cơ bản giống gói cước 3G với giá không đổi.
Trong giai đoạn thử nghiệm, người dùng mạng Viettel đã được miễn phí đổi sim để trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trên nền 4G như xem phim HD, nghe nhạc trên nền 4G, xem tin tức với tốc độ cao và trải nghiệm truyền hình Multiscreen (xem phim và các kênh trên nhiều màn hình điện thoại, máy tính bảng). Tốc độ 4G tại Bà Rịa - Vũng Tàu của mạng Viettel đạt trung bình từ 40-80 Mb/giây, cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G. Tại một số điểm, tốc độ có thể đạt đến 230 Mb/giây, gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết. Trong tháng 6 qua, các khách hàng sử dụng dịch vụ Roaming của Viettel cũng đã bắt đầu được sử dụng công nghệ Roaming LTE (4G) mới nhất với tốc độ nhanh gấp 10 lần so công nghệ cũ khi ra nước ngoài.
Tân binh GTel
Việc GTel được cấp giấy phép 4G sau 3 nhà mạng lớn Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone là một bất ngờ. Trước đó, GTel không có động tĩnh về dự định sẽ tham gia cuộc chơi 4G khi các hoạt động thử nghiệm 4G đều “im ắng”. Các chuyên gia nhận định giấy phép 4G sẽ tạo cơ hội mới cho GTel thay đổi công nghệ, chuyển thẳng 2G lên 4G, bứt phá trên thị trường viễn thông để rút ngắn khoảng cách và cạnh tranh với 3 nhà mạng lớn còn lại.
Theo Bài và ảnh: CHÁNH TRUNG/Nld.com.vn