Cần phát triển giống "nền" bên cạnh giống biến đổi gen
(Chinhphu.vn) - Việt Nam là một trong 28 quốc gia trên thế giới thương mại hóa cây trồng áp dụng công nghệ sinh học hay còn gọi là cây trồng biến đổi gen.
Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) tổ chức hội nghị "20 năm thương mại hóa cây trồng biến đổi gen trên thế giới và kết quả nổi bật năm 2015" vào chiều 15/4 tại Hà Nội
Công nghệ sinh học là một trong những lĩnh vực ưu tiên của khoa học công nghệ tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là công nghệ chuyển gen. Cây trồng áp dụng công nghệ sinh học hay còn gọi là cây trồng biến đổi gen đầu tiên được thương mại hóa vào năm 1996.
Diện tích cây trồng công nghệ sinh học gia tăng nhanh từ 1 triệu 700 ha vào năm 1996, đến nay đã tăng lên 179 triệu ha.
Hiện đã có 28 quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó 20 quốc gia là các nước đang phát triển.
Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2014 Việt Nam đã chính thức chấp nhận và cho phép thương mại hóa cây trồng biến đổi gen thông qua các bước thẩm định và kiểm tra chặt chẽ để cấp Giấy chứng nhận An toàn sinh học.
Bên cạnh đó, Cục Trồng trọt đã xây dựng kế hoạch phát triển giống ngô biến đổi gen. Vì hiện nay so sánh năng suất trung bình ngô của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn rất thấp, khoảng 4,8 tấn/ha. Lưu ý với các công ty trong quá trình kinh doanh, song song với việc đưa giống biến đổi gen vào ngoài việc chuyển giao công nghệ cũng phải tổ chức kinh doanh các “giống nền” tức là giống không phải biến đổi gen để nông dân có thêm sự lựa chọn. Nếu như giống ngô biến đổi gen mang lại hiệu quả cao về năng suất khi trồng ở những nơi nhiều sâu bệnh và cỏ dại, và ngược lại ở những vùng không có áp lực về sâu bệnh và cỏ dại nông dân có thể lựa chọn giống không phải biến đổi gen.
Theo Đỗ Hương/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ