Tham vọng về một Uber của ngành y tế
(Chinhphu.vn) - “Cơn sốt” vaccine Pentaxim thời gian qua với hình ảnh hàng trăm người chầu chực để xếp hàng đăng ký tiêm đã thôi thúc một nhóm các bạn trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội nảy ra ý định về sổ tiêm chủng và sổ khám bệnh điện tử qua một ứng dụng mang tên Meboo.
4 sinh viên Đại học Quốc gia HN - tác giả của công nghệ Meboo. Ảnh: VGP/Hiền Minh
Đây là sản phẩm của 4 sinh viên Khoa CNTT (ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) gồm: Nguyễn Thế Huy, Phùng Nguyên Ngọc, Nguyễn Đức Thịnh và Nguyễn Nam Phong.
Với Meboo, người sử dụng có thể nhanh chóng tạo sổ tiêm chủng cũng như theo dõi tình trạng sức khỏe cho những người thân trong gia đình.
Meboo sẽ cập nhật cho khách hàng những thông số như số lượng, tình hình cung cấp vaccine; những phòng khám nào đang có những loại vaccine gì; trung tâm tiêm chủng, phòng dịch nào còn nhiều thuốc; chỗ nào đang đông, điểm nào vắng hơn…
Công nghệ Meboo
Dưới góc nhìn kỹ thuật, ứng dụng Meboo là sự tổng hợp của các công nghệ xử lý phía người dùng trên hai nền tảng Android và iOS, kết hợp với công nghệ lưu trữ và xử lý dữ liệu trên máy chủ (server backend). Với sự kết hợp này, Meboo bảo đảm dữ liệu của người dùng luôn thông suốt và liền mạch trên các nền tảng thiết bị di động khác nhau, cho phép người dùng sở hữu nhiều thiết bị cùng một lúc hoặc nhiều người trong cùng một gia đình có thể dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe của mình.
Về mặt ứng dụng, Meboo là một ứng dụng y tế trên điện thoại di động. Một điểm khác biệt nữa mà Meboo mang lại là xác định vị trí người dùng, phòng khám, đưa ra những địa điểm y tế gần nhất, giải quyết nhanh bài toán tìm kiếm của người dùng.
Meboo sẽ dựa vào dữ liệu từ máy điện thoại của bạn, GPS, nhanh chóng tính toán ra các nhà thuốc, phòng khám, các bác sĩ, chuyên khoa của họ… gần nơi bạn sinh sống một cách tự động, cũng như chỉ đường đến với vị trí đó. Điều này giúp ích rất nhiều đối với các trường hợp khẩn cấp, cần tìm nơi đáp ứng nhu cầu nhanh của người sử dụng.
Meboo còn có thể cung cấp cho người dùng thông tin cập nhật về tình trạng phòng khám (lịch khám trong ngày, trong tuần, thời gian, số lượng bệnh nhân đã đăng ký, phòng khám nào đang vắng..., để người sử dụng đưa ra lựa chọn phù hợp. Trong tương lai, khi Meboo kết nối được với các phòng khám, khách hàng còn có thể đặt lịch khám bệnh qua ứng dụng và phòng khám/bác sĩ sẽ đưa ra lịch hẹn với bệnh nhân.
Sử dụng Meboo tương đối đơn giản, chỉ cần qua vài thao tác trên màn hình, người sử dụng có thể nhanh chóng làm quen với ứng dụng. Điều này rất quan trọng, vì không phải ai cũng thành thạo sử dụng và thao tác các phần mềm trên điện thoại di động.
Sổ khám bệnh điện tử Meboo đồng thời chính là hồ sơ bệnh án online của người sử dụng. Lịch sử bệnh tật, các bác sĩ đã khám, các loại thuốc đã kê đơn, tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân đều được lưu lại. Meboo còn nhắc lịch uống thuốc và lịch khám bệnh cho người sử dụng.
Uber của ngành y tế
Các thành viên của nhóm có tham vọng biến Meboo thành một Uber của ngành y Việt Nam, kết nối người dân với ngành y tế trực tuyến qua điện thoại đi động. Người cần tìm dịch vụ y tế (mua thuốc, khám chữa bệnh, thông tin về vaccine, thuốc, phòng khám…) có thể tìm thấy trên Meboo và ngược lại, các bác sĩ, phòng khám có thể tìm thấy bệnh nhân, thông tin trực tiếp tới bệnh nhân qua ứng dụng.
Tiết kiệm thời gian, công sức và giúp người bệnh tiếp cận dịch vụ nhanh nhất, đó chính là mục tiêu xã hội của Meboo.
Tuy nhiên, so với ứng dụng trao đổi tài liệu, Meboo gặp nhiều khó khăn, thử thách hơn hẳn. Những dữ liệu của các phòng khám, người bệnh, các thông tin về vaccine là thách thức lớn nhất khiến cho Meboo tới nay vẫn chưa thể đưa ra ứng dụng rộng rãi, dù cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng.
Các cơ sở dữ liệu này thuộc phạm vi quản lý của các phòng khám, bệnh viện. Meboo là ứng dụng của sinh viên, do đó các bạn chưa có cơ hội để tiếp cận. Bên cạnh đó, Meboo cũng cần có các thông tin phản hồi từ chính người dùng để các tác giả hoàn thiện sản phẩm một cách phù hợp, tiện ích nhất với người dùng.
Theo Hiền Minh/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ