Khoa học công nghệ Long An: Định hướng giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030
Một năm qua đi với nhiều sự kiện, thành tựu nổi bật sau 2 năm thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (sửa đổi 2013), ngành KH&CN Long An có những đóng góp tích cực trong thành tựu KH&CN chung của cả nước. Năm 2016, khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngành KH&CN đứng trước thời cơ và thách thức mới. Ngành ý thức được trách nhiệm của mình đối với Đảng bộ và nhân dân Long An thông qua việc chủ động tham mưu, đề xuất 9 nội dung về lĩnh vực KH&CN trong số 72 nội dung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh năm 2016. Có thể hệ thống thành 3 nhóm nhiệm vụ như sau:
1. Về công tác tham mưu: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chủ động sửa đổi, cụ thể hóa các văn bản quản lý hoạt động KH&CN ở địa phương một cách đồng bộ, kịp thời, phù hợp với Luật KH&CN (sửa đổi 2013) và các văn bản hướng dẫn thi hành để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị về nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020, ban hành quy định về trình tự xử lý và thẩm quyền quyết định việc quản lý, xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước và ban hành cơ chế trọng dụng, ưu đãi cán bộ KH&CN; tặng giải thưởng KH&CN trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, công chức, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ Long An
2. Về hoạt động nghiên cứu, triển khai: Với hơn 10 nhiệm vụ chuyển tiếp từ năm 2015, đầu năm 2016, có trên 20 nhiệm vụ khoa học đang tiến hành đặt hàng. Nét mới về hoạt động nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ KH&CN năm 2016 của tỉnh, ngoài việc thực hiện quy chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo quy định mới, là việc tăng tỷ lệ kinh phí nghiên cứu, triển khai trong tổng vốn sự nghiệp khoa học được phân bổ, trong đó, dành trên 30% cho hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu và nâng cao năng suất, chất lượng, đổi mới công nghệ.
Tập trung vào việc nghiên cứu các đề tài, dự án trọng tâm, tiếp thu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thành tựu KH&CN tiên tiến trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điển hình như 3 đề tài độc lập cấp Nhà nước (về tạo giống bò thịt chất lượng cao bằng công nghệ tế bào gốc; hoàn thiện công nghệ xử lý cây bèo tây (lục bình); phục tráng lúa Nàng Thơm Chợ Đào). Coi trọng doanh nghiệp trong hoạt động KH&CN, trong đó, doanh nghiệp vừa là đối tác thực hiện nhiệm vụ KH&CN vừa là đối tượng thụ hưởng kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Trên cơ sở các kết luận của Bộ KH&CN, Sở KH&CN Long An sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của bộ để khai thác sự hỗ trợ từ các chương trình quốc gia phát triển KH&CN như: Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ; chương trình Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao; chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,...
3. Về phát triển tiềm lực: Tập trung vào huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển cho KH&CN để tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, hình thành và phát triển tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KH&CN. Trọng tâm là triển khai các đề án, dự án như: Dự án Trung tâm công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười; Đề án phát triển doanh nghiệp KH&CN và thị trường KH&CN; Dự án đầu tư nâng cao tiềm lực đo lường, thực nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa phục vụ quản lý nhà nước tỉnh Long An giai đoạn 2013-2016; Đề án đào tạo chuyên gia KH&CN giai đoạn 2016-2020; Đề án thành lập Trung tâm thông tin và thống kê KH&CN. Chính thức đưa Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh đi vào hoạt động,…
Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp KH&CN, 4 tổ chức KH&CN, trong đó có 2 doanh nghiệp quy mô lớn. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 phải có ít nhất 15 tổ chức, doanh nghiệp KH&CN. Thực tế cho thấy, việc phát triển doanh nghiệp KH&CN không chỉ phụ thuộc vào chính sách ưu đãi, như khi Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19-5-2007 về doanh nghiệp KH&CN (gọi tắt là Nghị định 80/2007/NĐ-CP), mặc dù có nhiều ưu đãi, hỗ trợ được quy định rõ ràng bằng các văn bản pháp lý nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp KH&CN chưa thật sự được hưởng những quyền lợi chính đáng này.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp quan tâm phát triển doanh nghiệp KH&CN ngày càng tăng kể từ năm 2014, khi Luật KH&CN (sửa đổi năm 2013) có hiệu lực. Thứ nhất là do nhận thức của doanh nghiệp về phát triển KH&CN đã có sự chuyển biến thật sự, nhiều doanh nghiệp xem phát triển KH&CN là định hướng để tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập quốc tế. Thứ hai, Luật KH&CN làm thay đổi nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về doanh nghiệp KH&CN và thị trường KH&CN với tư cách là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, có vai trò then chốt trong việc tạo môi trường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực KH&CN phục vụ phát triển KT-XH.
Ông Nguyễn Vũ Hiệp - TP.Quản lý Kh&CN cơ sở trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho Cty TNHH Sinh học Phương Nam
Để phát triển doanh nghiệp KH&CN, ngoài việc tiếp tục vận dụng và kiến nghị thực hiện các quy định, hướng dẫn liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp KH&CN, ngành tập trung thực hiện các việc sau:
- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền.
- Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp việc soạn thảo và đăng ký các hợp đồng chuyển giao công nghệ; xây dựng đề án đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất ưu tiên của tỉnh; tư vấn các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp: Sáng chế kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
- Tạo sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành liên quan về doanh nghiệp KH&CN, nhất là trong việc xử lý các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN,…
- Để tạo nguồn phát triển doanh nghiệp KH&CN, ngành có kế hoạch hỗ trợ phát huy doanh nghiệp tiềm năng, đặc biệt là những doanh nghiệp có ý tưởng đổi mới sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong và ngoài nước để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh, thúc đẩy nhu cầu đổi mới công nghệ mang tính tự thân của doanh nghiệp.
- Về nguồn nhân lực: Sở KH&CN xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên gia tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp tiềm năng phát triển KH&CN, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Năng suất, chất lượng, công nghệ.
- Về vốn: Phát huy Quỹ phát triển KH&CN tỉnh đồng thời với hướng dẫn doanh nghiệp KH&CN thành lập, phát huy Quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp.
Quy hoạch tổng thể phát triển KH&CN tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 dựa trên nền tảng Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với nhiệm vụ:
- Định hướng các lĩnh vực nghiên cứu KH&CN chủ yếu của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
- Nghiên cứu các vùng kinh tế của tỉnh để phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, liên kết giữa KH&CN với giáo dục và đào tạo, sản xuất, kinh doanh, hình thành và phát triển các sản phẩm chủ lực của mỗi vùng. Xây dựng quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH vùng và tỉnh.
- Định hướng phát triển thị trường KH&CN. Nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng; thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; phát triển hạ tầng thông tin và thống kê KH&CN; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, chuyên gia công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết nối cung - cầu sản phẩm KH&CN mới; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ lạc hậu; thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại, chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.
- Xây dựng các nhóm tiêu chí xây dựng mô hình KH&CN tiên tiến của tỉnh: Phát triển trung tâm nghiên cứu đa ngành gắn với các phòng thí nghiệm, các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các trung tâm dịch vụ kỹ thuật, doanh nghiệp có liên kết với các tổ chức KH&CN tiên tiến nước ngoài; hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng; thúc đẩy ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.
- Xây dựng các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao, thu hút các chuyên gia hàng đầu về KH&CN, cán bộ khoa học trẻ,…
- Định hướng thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia, chương trình cấp Nhà nước về KH&CN: Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020; Chương trình quốc gia Phát triển Công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Dự kiến quy hoạch này sẽ được phê duyệt vào tháng 11-2016 để bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2017./.
Ths. Mai Văn Nhiều
(Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Long An)/Báo Long An Online