Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về virus Zika?
(Chinhphu.vn) - Cho đến khi có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa virus Zika và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, phụ nữ đang mang thai, hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt.
Nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ có thể nhiễm virus Zika, hãy đi khám để được các bác sĩ tư vấn theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai của bạn. Ngày 5/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, đến ngày 28/1 có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận virus Zika.
Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Zika. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của nhiều người chính là việc liệu có phải loại virus này gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị nhiễm trong quá trình mang thai hay không?
Theo Bộ Y tế, hiện nay các nhà khoa học đang điều tra về việc này, vì thế, cho đến khi chúng ta có được câu trả lời chính thức, thì phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt.
Nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ có thể nhiễm virus Zika, hãy đi khám để được các bác sĩ tư vấn theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai của bạn.
Theo khuyến cáo của WHO và của Bộ Y tế, cho đến nay, chưa có vaccine phòng ngừa loại virus này, vì thế việc bảo vệ tốt nhất đối với virus Zika là tránh bị muỗi đốt.
Ngăn ngừa muỗi đốt sẽ bảo vệ con người khỏi virus Zika cũng như các bệnh khác do muỗi truyền qua như sốt xuất huyết, chikungunya và sốt vàng.
Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản vật chất như lưới chống muỗi, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ màn.
Ngoài ra, cần đổ hết nước, làm sạch hoặc đậy kín các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ, để loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản.
Những biến chứng tiềm ẩn của virus Zika
Theo WHO, từ trước năm 2007 không có vụ dịch do virus Zika lớn nào được ghi nhận, nên hiểu biết về các biến chứng của bệnh này là rất hạn chế.
Năm 2015, cơ quan y tế địa phương ở Brazil cũng quan sát thấy có sự gia tăng trẻ sơ sinh với dị tật đầu nhỏ cùng thời điểm bùng phát dịch bệnh do virus Zika. Cơ quan y tế và các cơ quan khác đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa tật đầu nhỏ và virus Zika bên cạnh những nguyên nhân có thể khác.
Dị tật đầu nhỏ là một tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Điều này là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh.
Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi chúng lớn lên.
Tật đầu nhỏ có thể do ảnh hưởng của một loạt các yếu tố môi trường và di truyền như hội chứng Down; sử dụng hay tiếp xúc với ma túy, rượu hoặc các chất độc khác trong tử cung; và nhiễm rubella trong khi mang thai.
Theo Đào Chi/Chinhphu.vn