Tiết kiệm điện bằng chip Việt
Điện năng cho chiếu sáng công cộng tiêu thụ khoảng 25% tổng điện năng thương phẩm. Trong điều kiện tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ trên cả nước, đòi hỏi các địa phương phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, kể cả tắt xen kẽ đèn chiếu sáng để giảm thiểu điện năng tiêu thụ. Từ thực tế đó, kỹ sư Huỳnh Minh Hải - Công ty Công nghệ Kỹ thuật điện Toàn Cầu (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nghiên cứu chế tạo được thiết bị PowerEco giúp tiết kiệm điện 30% - 60%, với “trái tim” chính là chip SG8V1 do TPHCM nghiên cứu, phát triển.
Nhiều ưu điểm
PowerEco là thiết bị tự động điều khiển công suất để giảm công suất chiếu sáng về đêm khi mật độ giao thông giảm. Thiết bị được kỹ sư Hải nghiên cứu chế tạo từ năm 2005 và được Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cấp giấy đăng ký độc quyền.
Theo ông Hải, một bộ đèn cao áp một cấp công suất thông thường bao gồm bóng đèn, chấn lưu, tụ và bộ kích điện, tiêu thụ 275 - 285W/giờ với điện áp 220V. Nhưng từ sau 22 giờ, điện thế tăng cao, lên đến 240V thì các đèn cao áp này có mức tiêu thụ điện lên đến 310W/giờ. Yếu tố này khiến bóng đèn sáng hơn bình thường, gây lãng phí điện, giảm tuổi thọ đèn, phát xạ nhiều khí CO2.
Giải pháp được các đô thị đưa ra là cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng công cộng (theo công thức 1 bóng sáng, 1 bóng tắt, hoặc 2 bóng sáng, 2 bóng tắt). Hiệu quả mang lại là tiết kiệm 50% lượng điện sử dụng hàng đêm. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ tạo ra hiện tượng ánh sáng bậc thang, chỗ sáng, chỗ tối cách nhau lên đến hàng trăm mét. Mật độ sáng không đồng đều dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông, làm mất vẻ đẹp thành phố. Chưa kể, các bóng đèn tắt lâu ngày sẽ nhanh hư hỏng. Đối với các bóng đèn 2 cấp, về đêm, lượng sáng bị giảm đột ngột, người đi đường buộc phải “điều chỉnh mắt nhìn”. Khi cần thay đổi độ sáng của đèn tại thời điểm nào đó, công nhân phải ra tận trụ đèn mới thực hiện được.
Trong khi đó, PowerEco được thiết kế lên đến 16 cấp công suất với thời gian điều chỉnh từ từ. Nhờ đó, các đô thị không cần áp dụng biện pháp cắt giảm 50% lượng đèn chiếu sáng như thời gian qua vẫn có thể tiết kiệm trung bình hàng đêm từ 30% - 60% điện năng tiêu thụ. Bộ điều khiển đa cấp công suất có chức năng ổn định nguồn giúp hệ thống đèn đường không bị ảnh hưởng bởi điện áp mạng và sự sụt áp cuối đường dây. Đồng thời nhờ vào đặc tính này, ở các tuyến điện áp mạng cao (>220V), đèn không bị quá áp và tăng tỷ lệ tiết kiệm trung bình/đêm.
PowerEco giúp tiết kiệm điện 30% - 60%, với “trái tim” chính là chip SG8V1
Đặc biệt, quá trình triển khai lắp đặt thực tế cho thấy khi nâng cấp từ tuyến hiện hữu, các đô thị có thể thi công đơn giản hơn do các linh kiện trong đèn được giữ nguyên. Chỉ cần hơn 5 phút đã đấu nối PowerEco với bộ đèn một cách dễ dàng. Ở điều kiện gió mạnh, muối biển, axít ăn mòn cao… như ở Bà Rịa - Vũng Tàu, các chóa đèn bị mục nát thì thiết bị vẫn hoạt động tốt.
Ưu tiên chip Việt
Sau khi nghiên cứu và thử nghiệm hiệu quả, từ năm 2009, kỹ sư Hải đã thành lập công ty để thương mại hóa thiết bị PowerEco. Ông cùng các cộng sự lắp đặt hơn 12.000 bộ tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, với 900 bộ, tỉnh Tiền Giang đã tiết giảm lên đến 37% điện năng tiêu thụ và thời gian hoàn vốn chỉ sau 17 tháng. Nhiều nhất là Bà Rịa - Vũng Tàu, với gần 10.000 bộ đã giúp tiết kiệm trên 7 tỷ đồng ngân sách cho điện chiếu sáng mỗi năm.
Tại TPHCM, kỹ sư Huỳnh Minh Hải đã lắp đặt thử nghiệm 169 bộ đèn Sodium có gắn PowerEco tại Khu công nghiệp Tân Bình và Tân Tạo, mỗi năm giúp 2 khu công nghiệp này tiết kiệm trên 100 triệu đồng. Năm 2013, Công ty Toàn Cầu tiếp tục phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố tiến hành lắp đặt thử nghiệm 41 bộ PowerEco trên các trụ đèn chiếu sáng tại đường Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận). Kết quả đánh giá tiết kiệm được Sở KH-CN TPHCM công bố lên đến 41,17%.
Đặc biệt, theo ông Hải, bắt đầu từ đầu năm 2015 đến nay, các thiết bị PowerEco đã được chuyển đổi sử dụng chip SG8V1 do TPHCM sản xuất, thay thế cho chip MSP430 nhập khẩu từ Mỹ. Đến nay, 400 bộ PowerEco sử dụng loại chip Việt này đã được chuyển giao cho các đối tác. Quá trình đánh giá cho thấy chip SG8V1 có độ bền và ổn định tương đương các sản phẩm ngoại nhập. “Chip SG8V1 có giá đắt hơn chip trước đó công ty sử dụng thực chất là do SG8V1 được thiết kế với nhiều tính năng mà bản thân PowerEco chưa sử dụng hết. Hiện tôi đang làm việc với ICDREC để thiết kế các model SG8V1 dành riêng cho PowerEco, lúc đó giá thành của chip Việt sẽ rẻ hơn rất nhiều”, kỹ sư Hải kỳ vọng.
Về triển vọng của thiết bị, kỹ sư Hải cho biết, hiện tại ở TPHCM, việc tiết kiệm điện chủ yếu áp dụng biện pháp cắt xen kẽ lượng đèn chiếu sáng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần áp dụng các thiết bị tiết kiệm điện hiệu quả hơn. Nếu sử dụng PowerEco, mỗi bộ ước tính tiết kiệm đến gần 1 triệu đồng/năm và thời gian hoàn vốn cao nhất là 18 tháng, nếu sử dụng với số lượng lớn thì khả năng hoàn vốn càng rút ngắn hơn nữa.
TPHCM hiện có khoảng 136.000 bộ đèn chiếu sáng công cộng và 1.200 bộ đèn Led. Trong đó có 9.000 bộ đã được lắp đèn bộ điều khiển công suất theo công nghệ của Pháp và kết nối về trung tâm điều khiển. Tuy nhiên, hiện loại công nghệ này chưa phát huy được hiệu quả tiết kiệm điện tối đa, nhanh hư hỏng do không phù hợp với điều kiện thời tiết của Việt Nam, đặc biệt khi hư hỏng không có thiết bị thay thế. |
Theo TƯỜNG HÂN/SGGP Online