Kinh nghiệm hỗ trợ hoạt động nghiên cứu cho DN nhỏ
(Chinhphu.vn) - Vai trò của khoa học và công nghệ rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thanh Thủy
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Viện Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tổ chức ngày 7/10 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, nếu đầu tư cho nghiên cứu KH&CN, doanh nghiệp (DN) sẽ tạo ra những bước đột phá về công nghệ, về sản phẩm. Từ đó, không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho các dịch vụ, sản phẩm của mình mà còn cải thiện vị trí cạnh tranh và phát triển bền vững.
Điều này càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết đối với sự phát triển sản xuất, kinh doanh của hệ thống các DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có những chiến lược lâu dài cho hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, việc đổi mới các cơ chế chính sách đang tạo ra “cú hích” rất lớn để hoạt động nghiên cứu KH&CN phát triển. Một minh chứng cụ thể là với việc triển khai dự án FIST, dự án ODA lớn nhất lĩnh vực KH&CN của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ giúp xây dựng Viện Nghiên cứu khoa học Việt Nam-Hàn Quốc (V-KIST) trong thời gian tới.
Đặc biệt, cuối tháng 8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cơ chế đặc biệt dành cho V-KIST. Theo đó, V-KIST sẽ được tự chủ về tài chính đặc thù bao gồm tự chủ về chi tiêu, quản lý tài sản. Đây là một trong những tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và điều này chắc chắn sẽ là đòn bẩy để các hoạt động nghiên cứu KH&CN phát triển.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ KH&CN) Phạm Ngọc Minh cho biết, bên cạnh một số DN đã có ý thức đầu tư cho hoạt động KH&CN thì đại đa số các DN Việt Nam, nhất là những DN vừa và nhỏ chưa thực sự coi đây là đòn bẩy để phát triển bền vững.
Cụ thể, các DN vừa và nhỏ của chúng ta chưa đầu tư hoặc đầu tư chưa xứng đáng cho hoạt động này. Nhiều DN còn chưa có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một vấn đề nan giải trong quá trình phát triển hoạt động nghiên cứu của DN.
Đặc biệt, do chưa nhận thức đầy đủ vai trò của KH&CN nên đa số các DN vừa và nhỏ còn sử dụng các công nghệ sản xuất lạc hậu. Điều này không chỉ hưởng đến năng suất lao động mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, bên cạnh các chính sách vĩ mô của Chính phủ đang tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu KH&CN trong thời gian qua thì việc học hỏi các kinh nghiệm trong lĩnh vực này từ nước phát triển sẽ góp phần thúc đẩy KH&CN Việt Nam phát triển hơn nữa.
Kinh nghiệm từ những nước phát triển
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các hoạt động nghiên cứu KH&CN, ông Park Jun Ho, Trưởng Văn phòng đại diện Viện Công nghệ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, cách đây 40 năm, Hàn Quốc cũng đã “vật lộn” để tìm cho mình hướng đi trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Do có sự đầu tư đúng hướng của Chính phủ, ý thức của các DN nên hiện nay Hàn Quốc được đánh giá là một trong những nước hàng đầu của thế giới về hoạt động R&D.
Ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức. Nếu như năm 2012, Hàn Quốc chi 14 tỉ USD cho hoạt động R&D thì con số này năm 2014 đã lên tới 18 tỉ USD và năm 2015 dự kiến lên gần 20 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã chuyển hướng mục tiêu nghiên cứu từ khoa học cơ bản của những năm trước đây sang nghiên cứu ứng dụng trong những năm gần đây để phục vụ sự phát triển của nền kinh tế.
Cụ thể, các viện nghiên cứu ở Hàn Quốc chỉ tập trung hỗ trợ cho những DN vừa và nhỏ và khi thành lập các viện, thường đi sâu vào một chuyên môn. Ví dụ, Viện nghiên cứu Kỹ thuật sản xuất Hàn quốc chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề trong sản xuất cho các DN. Hiện tại, Viện xây dựng 13 chương trình và xem đó là chiến lược xuyên suốt để hoạt động và phục vụ theo đơn đặt hàng của 3.700 DN vừa và nhỏ Hàn Quốc trong 27 năm qua.
Ông Park Jun Ho khẳng định, về lâu dài, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Chính phủ thì sẽ tạo sự ỷ lại và khó tạo động lực cho DN phát triển hoạt động R&D. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, bản thân các DN phải coi R&D là một trong những mục tiêu phát triển của chính mình.
Giáo sư Anthony John Peacock, Giám đốc điều hành Hiệp hội các trung tâm nghiên cứu Australia cho biết, ngay từ những năm 1990, chính phủ đã thành lập Chương trình trung tâm nghiên cứu hợp tác (CRC) với mục đích kết nối ngành công nghiệp và các nhà nghiên cứu với nhau để cùng hợp tác, giải quyết những thách thức trong nghiên cứu KH&CN.
Theo đó, hoạt động của CRC được quản lý bởi một Ban giám đốc và chính phủ sẽ theo dõi tiến độ thông qua các báo cáo hằng năm.
Chính phủ Australia quan tâm đến việc hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ và có những chính sách ưu tiên để ươm tạo các DN công nghệ nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN sâu rộng hơn nữa trong cả nước.
Tại Khu công nghệ Đổi mới Australia ở Sydney, bên cạnh việc nhận nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các DN, còn có đầy đủ cơ sở hạ tầng để cho DN thuê nhằm sản xuất thử. Khu công nghệ này thực sự là một vườn ươm công nghệ mà ở đó, các công ty với quy mô nhỏ sẽ được hỗ trợ ươm tạo từ 5-8 năm đối với lĩnh vực khoa học sự sống, và từ 3-6 năm đối với lĩnh vực phần mềm.
Theo Thanh Thủy/Chinhphu.vn