TPHCM cần hệ thống giao thông thông minh
Hầu hết cột đèn, bảng chỉ dẫn, trạm thu phí... trên địa bàn TPHCM đang hoạt động độc lập. Tại Hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam năm 2015 với chủ đề: Internet of things (IoT) - Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh, diễn ra tại TPHCM sáng 24-9, các chuyên gia khẳng định, ứng dụng công nghệ kết nối Internet vạn vật là xu thế tất yếu.
Nhiều giải pháp công nghệ thông minh được giới thiệu cho giao thông TPHCM
Theo các chuyên gia, sau nhiều năm đầu tư mở rộng làn đường, xây nhiều cầu vượt, làm một số tuyến đường mới..., tình hình kẹt xe tại TPHCM vẫn chưa được khắc phục. Nguyên nhân trước tiên do tỷ lệ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân. Mỗi năm lượng xe tại TPHCM tăng 10% trong khi đường giao thông chỉ tăng 2%. Cùng với đó hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông hiện thiếu đồng bộ, thiếu kết nối.
Ông Hà Hoàng Huy, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn dẫn chứng TPHCM hiện có khoảng 877 chốt đèn, nhưng chỉ có gần 4% chốt đèn có kết nối về trung tâm điều khiển. Số còn lại hoạt động độc lập. Hệ thống camera giám sát giao thông hiện đang có khoảng 383 bộ được gắn dọc các trục đường chính của thành phố. Các camera này hoạt động độc lập và phục vụ riêng cho nhu cầu của đơn vị quản lý (VOV giao thông, Trung tâm Quản lý đường hầm SSG và các khu quản lý giao thông đô thị). Mật độ camera quan sát còn thấp, chưa phủ rộng trên tất cả các chốt giao thông và các tuyến đường trọng điểm. Các camera này cũng chưa được tích hợp các ứng dụng và chức năng thông minh.
Theo ông Hồ Hữu Thắng, Công ty Cisco Việt Nam, 30% lưu lượng giao thông hàng ngày của TPHCM là do người dân đi tìm bãi đậu xe. Nếu ứng dụng công nghệ để giúp họ biết được gần đó có bao nhiêu bãi đậu xe, bãi đậu xe nào gần nhất và còn trống chỗ hay không, thì vô hình trung ta đã giảm được 30% lưu lượng giao thông như đã nói kể trên. Tất nhiên, còn rất nhiều công nghệ thông minh khác mà TPHCM có thể ứng dụng vào quản lý và phân luồng giao thông, qua đó giúp giảm áp lực lên các vấn đề khác của đô thị lớn.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM đánh giá, việc ứng dụng CNTT, đơn cử là IoT trong giao thông, là nhu cầu tất yếu của các đô thị trên thế giới nhằm thiết lập một hệ thống quản lý giao thông thông minh và hiệu quả. Ứng dụng CNTT vào quản lý giao thông rất đa dạng. Dễ thấy nhất là ứng dụng các cảm biến trên phương tiện và hạ tầng giao thông. Thông tin được thu thập tự động qua các hệ thống cảm biến (hình ảnh, khí tượng, mật độ, cân...). Sau khi được phân tích, xử lý các thông tin này sẽ được cung cấp cho người dân. Các cảm biến sẽ được lắp đặt trên mặt đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết... Các thông tin này được hệ thống máy tính phân tích và xử lý, sau đó cung cấp trở lại cho các tài xế về tình hình giao thông trên đường để tài xế lựa chọn giải pháp tối ưu nhất, giúp hạn chế tối đa tai nạn và kẹt xe.
Tuy nhiên, ông Thorsten Punke, chuyên gia tư vấn Công ty AMP Netconnect cảnh báo đã có nhiều nước triển khai giao thông thông minh nhưng không thành công. Bước sai lầm của họ nằm ở khâu lên kế hoạch. Hầu hết các quốc gia gặp phải tình trạng có tầm nhìn ngắn hạn từ 4-5 năm. Trong khi giải pháp thành phố thông minh cần có định hướng đầu tư đường dài, hàng chục năm. Theo chuyên gia này, có rất nhiều giải pháp công nghệ để ứng dụng phát triển đô thị thông minh, nhưng chính bản thân TPHCM phải xác định được mình cần gì, muốn gì trong tương lai.
Theo TƯỜNG HÂN/SGGP Online