Sẵn sàng cho 4G
Các nhà mạng đang ráo riết đầu tư công nghệ mới để sớm đưa ra phục vụ người dùng
Những động thái của các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ gần đây cho thấy việc triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam đang vào giai đoạn hoàn thiện và sẵn sàng “lên sóng”. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng để triển khai 4G hiệu quả, ổn định, nhà cung cấp cần chuẩn bị kỹ để tránh lặp lại câu chuyện như 3G trước đây.
Đồng loạt thử nghiệm
Theo nhà mạng Viettel, dự kiến đến hết năm nay hoặc đầu năm sau, Viettel sẽ lắp xong 12.000 trạm BTS 4G phủ sóng tất cả tỉnh, thành. Ngoài ra, Viettel sẽ không có cước riêng cho dịch vụ 4G mà áp dụng mức giá duy nhất cho dịch vụ internet di động (chung 2G, 3G, 4G và cả 5G). Trước đó, Viettel đã trình diễn thử nghiệm 5 dịch vụ đặc trưng và phổ biến nhất của mạng 4G dựa trên nền tảng tốc độ tải download/upload cao là Video Streaming, LiveTV, HD Video Call, Video Conference, VOD - TVoD. Với điều kiện lý tưởng, trong giai đoạn thử nghiệm với băng tần cấp phát là 10 MHz, tốc độ truyền dữ liệu tối đa đạt được lên tới 75 Mbps (download) và 25 Mbps (upload). Các chuyên gia cho biết các nhà mạng nên hoàn thiện mạng 3G sẵn có, từ đó nâng cấp tốc độ truyền tải cũng như cung cấp các dịch vụ dữ liệu để lên 4G. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn phải duy trì 3G để phục vụ các dịch vụ đàm thoại, tin nhắn, dữ liệu cơ bản.
4G sẽ giúp người dùng sử dụng các dịch vụ tốc độ cao, ổn định
VinaPhone cũng đang gấp rút triển khai thử nghiệm mạng 4G tại một số thành phố lớn. Dự kiến, tháng 10-2015, VinaPhone sẽ lắp thêm 10.000 trạm 3G, mở rộng vùng phủ sóng lên gấp 3 lần, chiếm 90% diện tích Việt Nam. Cước 4G của VinaPhone sẽ tương đương, thậm chí có thể thấp hơn cước 3G hiện nay. MobiFone cũng đã thử nghiệm thành công 4G trên diện rộng ở một số thành phố lớn. Từ cuối năm 2014, việc đầu tư của 3 nhà mạng lớn đã hướng đến 4G và tích hợp công nghệ 4G trên hệ thống mạng lưới hiện có.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, cho rằng: “Đây là thời điểm thích hợp để cấp phép triển khai 4G tại Việt Nam. Số lượng người dùng 3G tại Việt Nam ngày càng tăng, dự báo năm 2016-2017, số lượng thiết bị đầu cuối tích hợp 4G trên thế giới tăng, kéo giá thành sản phẩm giảm, dễ dàng tiếp cận người dùng phổ thông. Nhờ quy hoạch băng tần hợp lý, Việt Nam rất thuận lợi để triển khai công nghệ 4G LTE. Đây cũng là thời điểm tốt để Việt Nam nâng cấp hạ tầng công nghệ viễn thông lên một tầm mới”.
Nhiều lợi ích
Các chuyên gia cho biết mạng 4G mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Trong khi mạng 3G đạt tốc độ download thực tế trung bình khoảng 3 Mb/giây, tốc độ thực tế của 4G lên đến 14 Mb/giây. Vì vậy, nếu download một nội dung video dung lượng 500 MB trên YouTube, người dùng sẽ phải mất 22 phút để tải trên mạng 3G, trong khi 4G chỉ mất 5 phút. Các chuyên gia cho biết thế giới vẫn đang áp dụng cách tính cước 4G tương đương 3G nhưng dung lượng mỗi gói 4G lại cao hơn. Do vậy, với 4G tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần, dung lượng gói tải lại cao hơn nên nếu quy ra theo dung lượng sử dụng 4G (trên từng Megabyte dữ liệu) sẽ rẻ hơn 3G. Liên minh nhà mạng Clearwire/Sprint ở Mỹ đang áp dụng các gói cước 4G không hạn chế dung lượng với giá chỉ 10-20 USD/tháng trong khi một gói cước 3G tại Mỹ, người dùng phải trả khoảng 60 USD nhưng bị giới hạn dung lượng không quá 5 GB.
Về lợi ích khi triển khai mạng 4G tại Việt Nam, ông Ngô Nguyên Kha, Tổng Giám đốc Mobiistar, cho biết: “Với công nghệ 4G, hệ sinh thái các dịch vụ trên mobile sẽ phong phú hơn, cho phép người dùng tải nhanh. Người dùng sẽ dần hưởng lợi về cả nội dung dịch vụ và giá cả khi triển khai 4G mở rộng. Việc khai thác thương mại trên nền tảng này cũng dễ dàng hơn, giá cả sẽ tốt hơn do cạnh tranh”.
Các chuyên gia cũng lưu ý những khó khăn khi triển khai 4G tại Việt Nam hiện nay là mức độ tiêu thụ dữ liệu của người dùng sẽ tăng rất nhanh nhưng họ không muốn trả phí nhiều hơn. Các hãng công nghệ, nhà mạng phải bỏ nhiều chi phí để cải thiện hạ tầng, hỗ trợ dung lượng lớn, tính năng bảo mật mạnh hơn… Đây cũng sẽ là thách thức với các nhà mạng. Tuy nhiên, nếu đầu tư hợp lý, chi phí 4G sẽ rẻ hơn 3G bởi khi dùng công nghệ 4G WTTx (Wireless Wiber to The X), nhà cung cấp có thể đầu tư từng khu vực nhỏ và hoàn vốn nhanh, đại diện VNPT cho biết.
Vài năm trước, khi dịch vụ 3G được các nhà mạng tung ra gặp không ít lời than phiền của người dùng vì các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm quá ít ỏi cộng với hạ tầng mạng chưa được đầu tư đúng mức. Vì vậy, theo các chuyên gia, các dịch vụ nội dung trên nền tảng 4G phải đa dạng, phong phú thì mới có thể thu hút được người dùng.
Thử nghiệm một năm Nhằm tránh những “khiếm khuyết” như với dịch vụ 3G, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết cục này đã có công văn gửi các doanh nghiệp (DN) viễn thông nhằm hướng dẫn xây dựng đề án xin phép thử nghiệm mạng và dịch vụ 4G một cách chi tiết. Theo đó hiện tại, các DN được lựa chọn thử nghiệm 4G tối đa là 3 tỉnh/thành phố. DN chủ động phân bố hạ tầng mạng truy cập vô tuyến nhưng số trạm thử nghiệm không vượt quá 100 (eNodeB) trên một khu vực thử nghiệm. Cơ quan quản lý khuyến khích DN thử nghiệm ứng dụng dịch vụ dữ liệu tốc độ cao cho các hoạt động khám chữa bệnh từ xa, hệ thống giám sát giao thông, an ninh công cộng và các trường hợp khẩn cấp. Thời gian thử nghiệm thiết lập mạng và dịch vụ viễn thông là một năm trước khi triển khai chính thức. |
Theo CHÁNH TRUNG/Nld.com.vn