Lọc nước ô nhiễm bằng… sách
Một nhà nghiên cứu người Mỹ vừa thử nghiệm thành công loại “sách lọc nước” với các trang giấy chứa hạt nano bạc và đồng có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn trong nước.
Trong các cuộc thử nghiệm tại 25 nguồn nước ô nhiễm ở Nam Phi, Ghana và Bangladesh, loại giấy này loại được hơn 99% vi khuẩn trong nước. Một lượng nhỏ bạc và đồng cũng nhiễm vào nước được lọc nhưng dưới mức an toàn cho phép. Kết quả trên đã được trình bày tại hội nghị Hiệp hội Hóa học Mỹ mới diễn ra ở TP Boston - Mỹ.
Cuốn sách lọc nước có thể loại bỏ được 99% vi khuẩn Ảnh: BBC
Nữ tiến sĩ Teri Dankovich, người phát triển và thử nghiệm cuốn sách đặc biệt nói trên trong vài năm qua, hy vọng phát minh này sẽ giúp ích cho khoảng 663 triệu người không được tiếp cận nguồn nước sạch khắp thế giới. “Tất cả những gì cần làm là xé một trang giấy, đặt nó vào một cái phễu, sau đó đổ nước từ các con sông, suối, giếng… qua. Cuối cùng, chúng ta sẽ thu được nước sạch không có vi khuẩn” - nhà nghiên cứu làm việc tại Trường ĐH Carnegie Mellon ở TP Pittsburgh - Mỹ này nói với đài BBC. Trong các cuộc kiểm tra, một trang sách (trên đó in cách thức và lý do lọc nước) có thể làm sạch đến 100 lít nước và một cuốn sách có thể xử lý đủ lượng nước cho một người sử dụng trong 4 năm.
Tiến sĩ Dankovich và các sinh viên của mình vẫn đang tự làm loại sách trên bằng tay nhưng hy vọng sẽ sớm đẩy mạnh việc sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, bà dự kiến tiến hành những cuộc thử nghiệm, trong đó người dân địa phương đích thân sử dụng sách để lọc nước.
Nỗ lực làm sạch nước cũng thu hút sự quan tâm của tỉ phú Mỹ Bill Gates. Đầu năm nay, ông giới thiệu chiếc máy “Omni Processor” có khả năng biến chất thải con người thành nước sạch, hứa hẹn giúp thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân. Đây là sản phẩm của Công ty Janicki, trụ sở ở TP Seattle - Mỹ và được Quỹ Từ thiện Bill & Melinda Gates đầu tư. Trong tháng này, tỉ phú Gates cho biết chiếc máy trên đang tham gia các cuộc thử nghiệm đầu tiên tại thủ đô Dakar - Senegal với mục tiêu giảm bệnh tật và cứu người. Dakar hiện có 3,4 triệu dân, trong đó khoảng 1/3 không được tiếp cận hệ thống thoát chất thải của thành phố. Thay vào đó, họ buộc chôn lấp chất thải trong những hố đào lớn hoặc trong hầm cầu. Nhiều người không có tiền thuê xe đến mang chất thải đi xử lý nên phải tự làm, khiến cả bản thân lẫn nguồn nước ngầm bị ô nhiễm.
Với Omni Processor, nước qua xử lý có thể dùng để uống, tưới tiêu và tro được tạo ra dùng làm gạch. Ngoài ra, máy còn tạo ra điện trong quá trình xử lý chất thải. Sau Dakar, Công ty Janicki và tỉ phú Gates dự định lắp đặt máy ở nhiều thành phố khác trong bối cảnh hơn 2 tỉ người khắp thế giới vẫn đang sử dụng nhà vệ sinh không được kết nối với hệ thống thoát nước thải.
Theo Xuân Mai/Nld.com.vn