Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An: Những trọng tâm và mục tiêu tầm nhìn đến 2020

PGS.TSKH LÊ ĐÌNH TUẤN
Phó Hiệu trưởng Thường trực

1. Yêu cầu phát triển khách quan

Cuộc cách mạng công nghiệp thời kỳ thứ 4 (Industry Revolution 4.0 – IR4.0) đang như “cơn bão công nghệ” tác động và làm thay đổi căn bản lớn lao, phá vỡ tư duy truyền thống cũ, cấu trúc thiết lập cung cách quản lý, quản trị mới trong bộ máy Nhà nước, xí nghiệp, trường học, phong cách sống, làm việc, học tập… Tất cả được lập trình thông minh ứng dụng tối đa sự tích hợp giữa công nghệ Vật lý – Kỹ thuật số –Sinh học.

IR4.0 đòi hỏi và đặt ngành Giáo dục nói chung và hệ đại học, cao học một trọng trách phải đào tạo nguồn nhân lực thích ứng để nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức vững bước tiến vào IR4.0, làm chủ công nghệ thông tin, nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, lưu trữ năng lượng… Suy cho cùng, để làm chủ công nghệ, nhân tố quyết định chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng hành có trách nhiệm trước yêu cầu và trọng trách nêu trên về năm học 2017 này trở đi với những trọng tâm và mục tiêu nhìn đến năm 2020, Trường DLA sẽ chuyển mạnh từ đào tạo hàn lâm truyền thống sang đào tạo ứng dụng hình thành trung tâm ứng dụng, trung tâm khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon, Technopolis... Đây là yêu cầu phát triển khách quan của mọi trường đại học trong thời gian sắp tới.

2. Mục tiêu và tầm nhìn chiến lược xây dựng “Trường đại học thông minh”

Từ nay đến 2020 quỹ thời gian còn rất ít và rất quý báu. Để không bị chậm chân, Trường DLA nhanh chóng đổi mới, đầu tư xây dựng hạ tầng “Trường đại học thông minh”, từng bước ứng dụng công nghệ 4.0. Đây vừa là mục tiêu cấp bách trước mắt và là chiến lược phát triển mạnh sau 2020.

Sinh viên trong giờ học thực hành

Đề án “Trường đại học thông minh” được phân kỳ đầu tư trước hết là “Ngân hàng tài liệu cho dạy – học” được số hóa, từ đây bó buộc phải dạy – học theo phương pháp tương tác hai chiều giữa giảng viên – sinh viên, thoát khỏi lối dạy – học hàn lâm xưa. Thầy trò cùng truy tìm kiến thức, trao đổi, tranh biện, phản biện, khám phá hệ quả mới...

Thực ra từ lâu các nước tiên tiến có trình độ công nghệ thông tin cao đã ứng dụng trường học thông minh ngay từ bậc học phổ thông. “Thư viện thông minh”, “Giảng đường thông minh”, “lớp thông minh” tạo “môi trường dạy – học thông minh” buộc người thầy và người học cũng “phải cùng thông minh” trong dạy và học. Phương pháp dạy và học này là phương pháp dạy – học tương tác tích cực, học vừa để tri vừa khám phá sáng tạo từ nguồn tri thức căn bản được học.

Máy tính bảng, điện thoại thông minh, bảng tương tác thông minh, phần mềm quản lý lớp học, trung tâm ngân hàng dữ liệu, trình độ sinh ngữ Anh... là những công cụ đắc lực để thầy và sinh viên tranh biện, củng cố kiến thức, sách, giáo trình được giảm tải và không còn là vấn đề trọng tâm để “cải cách giáo dục”. Năng lực học tập của người học được kiểm tra, đánh giá nhanh chóng, chính xác theo đó người thầy kịp thời hỗ trợ người học vượt cầu học.

Rõ ràng có xây dựng hoàn thiện dần mô hình: “Trường đại học thông minh” thì mới đổi mới thực sự căn bản toàn diện giáo dục, bởi nội dung được tiếp cận cập nhật trên mạng Internet, trong giáo trình điện tử linh hoạt của người thầy. Phương pháp dạy – học hàn lâm truyền thống nặng truyền thụ một chiều đã không còn, tính tương tác trong dạy – học buộc phải dạy tích cực, học tích cực, cùng thông minh để phát triển tư duy sáng tạo của người thầy và người học. Đây chính là mấu chốt mở ra kỳ vọng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo mà lâu nay ngành giáo dục nước nhà đang loay hoay chưa tìm ra phương sách hiệu quả nhất.

Thẳng thắn và khách quan mà nói, những năm qua Trường DLA trong tình thế khó khăn chung của các trường tư thục luôn bị áp lực đầu vào có chất lượng không cao, nguồn lực của các trường tùy thuộc vào nguồn thu học phí nên rất hạn chế trong tái đầu tư, trong khi yêu cầu chất lượng đầu ra của thị trường xã hội ngày càng cao. Nhưng trước khó khăn thách thức này, trường vẫn giữ vững mục tiêu đào tạo, từng bước xây dựng mô thức “Trường đại học thông minh” tiếp cận với phương thức dạy – học của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Sinh viên tham quan thực tế tại doanh nghiệp

3. Tập trung những chuyên ngành mũi nhọn

Với thực lực hiện có và trước yêu cầu thị trường xã hội đặt ra từ nay đến 2020 Trường DLA tập trung vào 2 nhóm chuyên ngành mũi nhọn đó là:

- Kinh tế: Quản trị Kinh doanh và Tài chính Ngân hàng

- Kỹ thuật, Công nghệ thông tin (CNTT), Kiến trúc, Xây dựng

Đây là nhóm chuyên ngành quan trọng làm nền tảng để đi vào nền công nghiệp 4.0.

Tất cả nhóm chuyên ngành này được lồng ghép tích hợp rèn luyện kỹ năng mềm để sinh viên khi ra trường đủ năng lực kiến thức chuyên môn, có bản lĩnh vượt áp lực công việc, luôn đề cao trách nhiệm cá nhân, xã hội, lương tâm nghề nghiệp.

Nhóm ngành kỹ thuật, bao gồm chuyên ngành CNTT giải quyết ứng dụng mạng IoT (Internet of Things), IoS (Internet of System) và Cyber physical (CP). Có nguồn nhân lực sử dụng tốt những công việc này sẽ đột phá mạnh mẽ trong quản lý, điều hành thông minh mọi vấn đề. Chuyên ngành Kiến trúc – Xây dựng thông minh giải quyết tối ưu hóa về thiết kế, chi phí, thời gian xây dựng.

Nhóm ngành kinh tế bao gồm chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng chuyển từ tư duy cũ sang cách quản trị, quản lý ứng dụng mạng công nghệ số hóa, tự động hóa...

4. Liên kết mạnh mẽ đào tạo đa ngành và liên thông cao học

Thực tiễn chứng minh nhiều năm qua chính nhờ sự liên kết với các trường đại học các nước tiên tiến (Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc...) và các trường đại học các tỉnh và thành phố (Hồ Chí Minh, Vinh, Đà Lạt, Cần Thơ...) đã tăng thêm nguồn lực về giảng viên, tiếp cận đổi mới nội dung, phương pháp dạy – học tiên tiến góp phần không nhỏ trong đào tạo nguồn nhân lực đa ngành nghề được các cơ quan trong hệ thống chính trị và doanh nghiệp, khu công nghiệp đặt hàng đào tạo. Đây là hướng đi tất yếu cho các trường đại học tương lai trong thời kỳ IR 4.0.

Song song với sự liên kết trường – trường, trường – thị trường xã hội như nêu trên mục tiêu gần đến 2020 Trường DLA sẽ thực hiện tốt hơn việc nâng chất bậc đại học – liên thông cao học. Đây là xu hướng mở tất yếu như các nước tiên tiến đã thực hiện lâu nay vì cho rằng: “Trình độ học vấn, học vị đại học hiện nay chưa đáp ứng trình độ của IR4.0 nhất là lối dạy – học truyền thống hàn lâm, học để có bằng cấp, học vị”. Do vậy sự liên thông từ đại học – cao học là yêu cầu khách quan cần thiết để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ bản lĩnh khởi nghiệp, đủ tri thức ứng dụng, sáng tạo.

5. Kết luận

Những trọng tâm và mục tiêu cụ thể tầm nhìn đến năm 2020 sẽ được cụ thể hóa trong chương trình kế hoạch thực hiện từng năm học, để từ năm học 2020 trở đi Trường DLA bắt đầu vận hành mô thức “Trường đại học thông minh”. Tất nhiên để đạt được mục tiêu này đòi hỏi sức mạnh tổng hợp, tổng lực từ sự lãnh chỉ đạo, của lãnh đạo trong hệ thống chính trị sở tại, sự hỗ trợ của toàn xã hội và quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường đổi mới tư duy, bắt tay hành động theo chức trách được phân công phân nhiệm.

Đồng hành cùng toàn xã hội, với trách nhiệm chính trị - xã hội Trường DLA sẽ không ngừng đổi mới, kiên định triết lý giáo dục “Tri – Hành – Đạt nhân”, đào tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng cao hơn, đủ tầm, có tâm, thực tài vững bước tiến vào thời đại IR4.0, đủ sức cạnh tranh, hội nhập.

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​