Học tập suốt đời - Văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số

Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2016 với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” là sự kiện quan trọng được tổ chức vào đầu tháng 10 hàng năm. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp long An đã xây dựng kế hoạch hành động và triển khai đến toàn thể CB, GV, NV và HSSV trong trường.

Trong những ngày đầu tháng 10-2016, nhiều hoạt động hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời đã diễn ra tại trường như: Giáo viên chủ nhiệm họp bàn phương án giúp sinh viên hiểu ý nghĩa việc học tập suốt đời như thế nào. Đoàn Trường vận động đoàn viên thanh niên tích cực đến thư viện để đọc sách, học nhóm. Công đoàn nhà trường vận động công đoàn viên tiếp tục tham gia học tập, đọc sách báo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho con em, người thân trong gia đình tham gia học tập với nhiều hình thức…

Phóng viên Ban Thông tin đã phỏng vấn một giáo viên chủ nhiệm trẻ và một chuyên viên của trường-Đây là một trong những chuyên viên được nhà trường tạo điều kiện để tham gia học tập Cao học.

Thầy Nguyễn Hồ Bảo Thịnh - GVCN – UV BTV Đoàn Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An

Học tập suốt đời là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với Đoàn viên thanh niên, là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của Đoàn viên sinh viên về học tập suốt đời và xây dựng môi trường học tập. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời đã được các GVCN tổ chức đồng bộ, rộng khắp trong các lớp với nhiều hoạt động cụ thể diễn ra trước và trong suốt Tuần lễ như: Khuyến khích SV tham gia các lớp học giáo dục kỹ năng sống: Câu lạc bộ Kỹ năng, Câu lạc bộ Năng khiếu do Đoàn trường phát động; lồng ghép nội dung trong các buổi sinh hoạt với các mẫu chuyện về học tập suốt đời do sinh viên tự sưu tầm và xây dựng thành các tiểu phẩm; các buổi học phụ đạo ngoài giờ với các cố vấn học tập; các buổi tập huấn chuyển giao công nghệ cho sinh viên như triển khai phần mềm cập nhật điểm học tập và khảo sát ý kiến HSSV online; vận động sinh viên chủ động đăng ký các lớp Anh văn, Tin học để nâng cao trình đô ngoài ngữ - vi tính…. Hướng đến thế hệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An với nền tảng kiến thức vững chắc, luôn tự tin và thể hiện cá tính của mình.”

 

Xây dựng nên một xã hội học tập mà ở đó mọi người đều được học, phải học và tự giác học tập thường xuyên, học suốt đời. Trong xã hội học tập, các hình thức học tập rất đa dạng và phong phú như học theo trường lớp, học ở cộng đồng, học online, học từ đồng nghiệp, học từ người thân… thì trong đó, vẫn phải kể đến đọc sách là hoạt động mang lại hiệu quả và khá phổ biến. Thông qua đọc sách, người đọc nâng cao thêm hiểu biết của mình, tăng cường khả năng giao tiếp, phát triển các kỹ năng tư duy và quan trọng nhất là mang lại cho chúng ta nhiều ý tưởng sáng tạo.

 

Cô Đoàn Thị Thanh Giác công tác tại Khoa Kiến trúc - Xây dựng chia sẻ: “Tôi bắt đầu về công tác tại Trường vào những năm đầu khi Trường mới thành lập với tấm bằng cao đẳng, tôi vừa làm việc vừa đi học buổi tối để có được bằng đại học và hiện tại bản thân sắp hoàn thành chương trình học tập cao học. Đối với tôi việc học giống như viên ngọc cần phải được rèn giũa thường xuyên và mở rộng phạm vi học tập hơn nữa, không chỉ học tri thức kết hợp với thực hành mà còn phải trau dồi đạo đức, nhân cách sống. Việc học không chỉ giúp chúng ta tìm cho mình một nghề, ổn định với nghề đó mà còn giúp chúng ta nhận biết thế giới, phân tích và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, vượt qua nhiều gian khó, thử thách và dùng chiếc khóa học tập để mở ra cho mình nhiều cánh cửa, nhiều cơ hội đi tới thành công.

 

Văn hóa đọc là thành tựu của một quá trình tự giác của người đọc. Người đọc phải hướng đến sách như một nhu cầu tự thân để làm phong phú trí tuệ và tâm hồn mình, biết tôn trọng sách, tôn trọng những người sáng tạo nên sách để từ đó biết khai thác một cách đúng đắn những giá trị mà sách mang lại. Phát triển Văn hóa đọc luôn là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững và thành công.

Việc đọc sách có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy con người. Chúng ta có thể đọc sách in hay sách điện tử, tuy nhiên cho dù là đọc sách in hay sách điện tử đều phải biết chọn lọc để tiếp thu, cần phải góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Sách in luôn là nét đẹp truyền thống trong văn hóa đọc từ ngàn xưa cho đến nay. Trong thời đại hiện nay, thời đại của tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ đã làm cho sách in dần dần mất chỗ đứng trên thị trường. Nhưng đây là quy luật tất yếu, và sách điện tử là nhu cầu tất yếu cho sự phát triển của xã hội.

Học tập thường xuyên, học tập suốt đời hướng đến xây dựng một xã hội học tập là niềm mong mỏi và cố gắng chung của toàn xã hội mà trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của thế hệ trẻ. Phát triển văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số cho lực lượng thanh thiếu niên, đoàn viên thanh niên hiện nay cần được quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa hướng đến xây dựng nền tảng nhân cách và đạo đức cho thế hệ trẻ – nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

Theo Hoàng Hiệp/Trường DLA

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​