Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh nhà

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ CÔNG NGHIỆP LONG AN
TRONG ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA – HIỆN ĐẠI HÓA CỦA TỈNH NHÀ

Tiến sĩ LÊ ĐÌNH VIÊN,
Hiệu trưởng

I - ĐẶT VẤN ĐỀ

          Hiện nay chúng ta đang bước vào thập kỷ thứ 2 của thiên niên kỷ thứ 2 với biết bao cơ hội và thách thức: Quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức năng động và sâu sắc, biểu hiện rõ nét nhất là hàm lượng khoa học và công nghệ chứa đựng trong mỗi sản phẩm, và áp lực giữa các ngành, các nền kinh tế ngày càng gay gắt. Việc đánh giá năng lực cạnh tranh không chỉ thể hiện chủ yếu dựa trên nguồn lực sáng tạo và đổi mới sản phẩm mà còn phản ánh hàm lượng chất xám trong mỗi một sản phẩm. Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, trong nền kinh tế trí thức, đó là nền kinh tế mà sự phát triển được quyết định bởi nguồn lực chất xám. Nguồn lực này trở thành yếu tố quyết định đến quá trình biến đổi cách mạng, sâu sắc và toàn diện trong cạnh tranh.

          Trước đây để đáp ứng nhu cầu con người, người ta thường dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có nhưng việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên đó không phải là vô hạn và đến lúc nào đó sẽ cạn kiệt, trong khi đó, việc tăng hàm lượng chất xám trong mỗi một sản phẩm là không có giới hạn. Thực tiễn đã chứng minh rằng, một số nước công nghiệp phát triển nhưng có nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức nghèo nàn họ chỉ nhờ biết khai thác hàm lượng chất xám và họ đã biến đất nước thành những nước công nghiệp phát triển như Nhật, Singapore, Hồng Kong, Đài Loan…

          Đối với nước ta, mục tiêu phấn đấu mà Đảng và nhân dân ta đặt ra là đến 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp phát triển. Do vậy, trong các nguồn lực phục vụ quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế thì nguồn lực con người có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

          Chính vì lẽ đó, việc phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có ý nghĩa quan trọng đối với chính quá trình biến đổi cách mạng sâu sắc và toàn diện để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nền kinh tế tri thức tạo ra sự sáng tạo, làm gia tăng cao nhất giá trị các sản phẩm, với đặc trưng cốt lõi phát huy cái mới, cái đẹp cái đặc thù, ấn tượng, đột phá tạo hiệu quả tối ưu mọi nguồn lực, tiềm năng lợi thế nhằm đẩy mạnh phát triển mọi mặt xã hội. Trên ý nghĩa đó, các trường Đại học nhận lãnh trách nhiệm là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, sản sinh ra tầng lớp tri thức mới, góp phần tạo ra những bước nhảy vọt trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đưa nước ta từ nước có mức thu nhập trung bình – vốn dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, bức phá để nhanh chóng tham gia vào các nước công nghiệp phát triển dựa vào sự sáng tạo và đổi mới nhằm gia tăng giá trị sản phẩm trên cơ sở xác lập nền kinh tế xanh với các đặc trưng là những “Ngách” riêng đẹp và mang tính đặc thù.

II. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẠI HỌC KINH TẾ CÔNG NGHIỆP LONG AN VÀ VAI TRÒ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

          Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An được thành lập ngày 4/5/2007 tại quyết định số 542-QĐ/TTg của Thủ tướng chính phủ. Căn cứ quyết định của Thủ tướng chính phủ, Bộ giáo dục và đạo tạo cho phép trường mở 6 ngành học thuộc đại học cao đẳng hệ chính quy: Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Khoa học máy tính, Ngoại ngữ, Quản trị kinh doanh, Kế toán- Kiểm toán và Tài chính –Ngân hàng. Đây là 6 ngành học hết sức quan trọng và có ý nghĩa đáp ứng không chỉ yêu cầu của các tỉnh Đồng bằng sông cửu long mà còn cho cả nước. Trong năm học đầu tiên (2007-2008) trường đã tuyển và cho nhập học với số lượng gần 2000 sinh viên. Đến nay tổng số đã lên đến trên 10.000 sinh viên đang theo học tại trường và đã tốt nghiệp 2 khóa 1 và 2 với tổng số trên 3100 sinh viên các hệ đại học, cao đẳng, TCCN thuộc các ngành học nói trên. Số sinh viên ra trường phần lớn đang làm trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh nhà, được các nhà tuyển dụng đánh giá cao về chất lượng được đào tạo và là cơ sở quan trọng để tiếp tục học tập suốt đời trong quá trình cống hiến.

          Những thành tựu mà nhà trường đã đạt được từ ngày thành lập đến nay là một thực tế hết sức sống động chứng minh một hướng đi hết sức đúng đắn trong việc góp phần vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh nhà.
Để đảm bảo cho các mục tiêu trên, nhà trường luôn xây dựng các nội dung đào tạo trong đó yếu tố sáng tạo và đổi mới lá át chủ bài cho sự phát triển bền vững nhằm đáp ứng cho môi trường vạn biến trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tư duy đổi mới và sáng tạo phải gắn liền với việc học tập, nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn. Trường mạnh dạng thay đổi cách truyền đạt theo hướng hàn lâm và chuyển cho sinh viên phương pháp học tập theo tư duy đổi mới dựa trên thực tế thị trường luôn thay đổi, biến động nhanh chóng.

          Trường đào tạo theo hướng tôn trọng mọi ý tưởng của từng cá nhân, để làm sao từ đó phát hiện và tìm kiếm năng lực tự khai thác nó. Đào tạo sẽ trở thành việc tạo ra năng lực để học tập suốt đời chứ không chỉ là việc tiếp nhận số kiến thức được truyền đạt.

          Trên cơ sở các ý tưởng trên, trường xây dựng các nội dung đào tạo sau:

          a. Về chương trình đào tạo.

          Hiện nay trên thế giới tồn tại 3 xu hướng về đào tạo đại học: Hàn lâm, thực hành và kết hợp hàn lâm với thực hành. Việc đào tạo theo hướng nào là tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng và đòi hỏi của chính nền kinh tế cụ thể đó. Đối với chúng ta, xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu có trình độ phát triển kinh tế ở mức thấp thì việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế địa phương cần theo hướng đào tạo nghề nghiệp áp dụng vào thực tế. Hướng đi này không phải trong ngắn hạn mà thậm chí là trong dài hạn. Ngoài hướng đào tạo như đã nói trên, chúng tôi theo đuổi mục tiêu tạo ra được những “sản phẩm mang tính đặc thù” của Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An. Tính đặc thù đó được hiểu là sinh viên khi ra trường, không chỉ làm chủ được kiến thức thuộc chuyên ngành đào tạo mà phải tạo cho sinh viên có điều kiện học tập suốt đời, biến quá trình đào tạo của nhà trường với quá trình tự đào tạo của chính mình, bằng các hình thức đào tạo thích hợp, có khả năng gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tế.

          Để tạo điều kiện cho sinh viên có thể học tập suốt đời, ngay từ đầu, nhà trường xây dựng chương trình đào tạo theo hướng nâng cao năng lực ngoại ngữ và tin học để khi ra trường, sinh viên có thể đọc tài liệu sách báo nước ngoài bằng văn bản gốc và tìm tòi nghiên cứu trên mạng đó là con đường ngắn nhất để giúp sinh viên cập nhật được kiến thức mới, với những thành tựu khoa học trong một thế giới hiện đại luôn thay đổi nhanh chóng và biến động.

          b. Về đầu tư và trang bị cơ sở vật chất:

          Trường tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để hoàn chình cơ sở 1 tại phường Khánh Hậu. Trường trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại như 80 máy chiếu, 500 máy vi tính các loại, wireless, phòng thực tập, phòng thí nghiệm, thư viện điện tử với hơn 20.000 sách các loại, sân tập và sinh hoạt thể thao, văn nghệ v.v.v… Trường đã trực tiếp chuyển nhượng được gần 4 hecta đất đai phường Tân Khánh (đã có cơ sở được hơn 1,5 năm) và đang làm đề án xây dựng ký túc xá và nhà công vụ…hy vọng đến giữa năm 2013 có thể khởi công các công trình trên.

          Tóm lại dù riêng cơ sở 1 đến năm 2015 trường đủ điều kiện cơ sở vật chất cho trên 30.000 sinh viên theo học theo tiêu chuẩn của một trường Đại học hiện đại trong khu vực.

          Song song đó, trường cũng đang hình thành cơ sở 2 (40 ha tại km 44 quốc lộ 62 thuộc huyện Tân Thạnh), trường đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu cam kết ban đầu khi thành lập như vốn đầu tư xây dựng, trường, phòng học, máy tính, máy chiếu,…

          Cơ sở 1và cơ sở 2 ngoài việc đào tạo 6 ngành với 20 chuyên ngành bao gồm Đại học, cao đẳng, Trung cấp đã được bộ cho phép. Trường đang xin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở thêm các ngành khác như kiến trúc, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hóa nhựa, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, điều dưỡng v.v…

          Như vậy, theo lộ trình đến năm 2020 Trường trở thành Trường Đại học đào tạo đa ngành nghề, đa hệ với quy mô đào tạo gần 50.000 sinh viên và sẽ trở thành trường Đại học đạt chuẩn hàng đầu trong khu vực cả về số lượng và chất lượng đào tạo.

          Cùng với việc hình thành các khu vực dành cho các mục đích nói trên, Trường sẽ kết nối chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, bao gồm nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng như sẽ thành lập các Viện hoặc trung tâm như: Viện nghiên cứu nông nghiệp, sinh học và thổ nhưỡng, viện nghiên cứu nguyên tử, viện nghiên cứu tài nguyên và môi trường, viện nghiên cứu vật liệu mới, viện nghiên cứu xây dựng thủy lợi, tin học, và đặc biệt là xây dựng vườn ươm doanh nghiệp nhỏ với kế hoạch xây dựng từ nay đến 2020 là 200 doanh nghiệp nhỏ.

          c. Về liên kết quốc tế trong đào tạo

          Trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện vào nền kinh tế thế giới, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước phải vươn tới trình độ quốc tế và khu vực để vừa thích nghi với những điều kiện vận hành ở trong nước và xa hơn là đào tạo nguồn nhân lực cho nhu cầu xuất khẩu lao động. Để có thể làm được điều đó, việc liên kết quốc tế trong đào tạo có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

          Theo hướng vừa đề cập ở trên, trường đã, đang và sẽ mở rộng việc liên kết với các Trường Đại học ở nước có nền kinh tế phát triển thuộc nhiều châu lục khác nhau.

          Hiện tại trường đã ký hợp đồng liên kết với trường NCU (Mỹ), Trường ĐH Rice (Mỹ), Đại học Caluniversity (Mỹ), trường College Green River (Mỹ) và một số trường Đại học ở Singapore, Úc, Canada, v.v…

          Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình này phải chờ khi được Bộ giáo dục và đào tạo phê duyệt, kể cả các chương trình du học tại chỗ v.v…

          Việc chủ trương mở rộng liên kết đào tạo là một nội dung lớn của Trường, tuy nhiên việc thực hiện tới đâu là vấn đề còn tùy thuộc vào thị trường giáo dục khu vực đặc biệt là yêu cầu đào tạo cho con em tỉnh Long An và sự chấp thuận của Bộ giáo dục và đào tạo.

          d. Về chất lượng giáo trình và chất lượng giảng dạy

          Chất lượng giáo trình và chất lượng giảng dạy là 2 yếu tố cực kỳ quan trọng trong công tác giáo dục, do vậy ngay từ đầu, bằng nhiều phương thức khác nhau, nhà trường đã hình thành đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa cơ hữu vừa kiêm nhiệm đủ mạnh, trong đó phần lớn có học hàm và học vị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ. Vì chất lượng đào tạo là thương hiệu của nhà trường, chúng tôi không chấp thuận cán bộ giảng dạy là cử nhân, kỹ sư để dạy bậc Đại học và với giảng viên thỉnh giảng. Chúng tôi kiên quyết không mời những giảng viên không đạt chuẩn, đặc biệt yếu ngoại ngữ. Trong quá trình theo dõi giảng dạy, nhà trường thực hiện việc giám sát và thẩm định chất lượng giảng dạy, đảm bảo giảng viên dạy đủ số tiết cho từng môn học, thông qua việc lấy phiếu thăm dò của sinh viên về phương pháp giảng dạy, tạo thêm một kênh thông tin quan trọng nhằm đánh giá chất lượng giảng dạy đối với từng giáo viên.

          Với phương châm coi sinh viên là chủ thể của quá trình đào tạo, nhà trường hướng giáo viên giảng dạy theo phương pháp “ tích cực” nhằm kích thích tư duy độc lập, sáng tạo trong học tập và nghiên cứu khoa học trong sinh viên, khuyến khích thầy giáo, cô giáo đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua việc thảo luận và tôn trọng ý kiến cá nhân.

          Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nhà trường luôn quan tâm đến chất lượng giáo trình của các môn học: Tất cả các môn học phải có học liệu cho sinh viên (giáo trình môn học, tài liệu tham khảo, đề cương bài giảng…). Đối với những môn học có nhiều thầy, cô tham giảng dạy, buộc phải theo một giáo trình chung, thống nhất. Và cũng để nâng cao chất lượng học tập của sinh viên, nhà trường hỗ trợ cho giáo viên trong việc cung cấp các học liệu nói trên v.v…

III. NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC VÀ QUYẾT TÂM CỦA NHÀ TRƯỜNG TRONG VIỆC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

          Hoạt động trong mạng lưới giáo dục và đào tạo, chúng tôi nhân thức được rằng, khác với các trường Đại học công lập, các trường Đại học ngoài công lập nổi lên những thách thức chủ yếu liên quan đến chất lượng đào tạo, đó là:

          1. Việc tuyển sinh ở các trường Đại học ngoài công lập hết sức khó khăn.

          Theo thống kê có được, việc tuyển sinh ở các trường Đại học ngoài công lập trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần về số lượng. Từ đó nhiều chuyên ngành phải thu hẹp, hoặc buộc phải giải thể vì không có người học.
Năm học 2012-2013, phần lớn các trường Đại học ngoài công lập chỉ tuyển chưa đến 1/2 chỉ tiêu được duyệt.

          Thực trạng vừa nói trên đã tác động mạnh mẽ đến quy mô đào tạo của các trường đại học ngoài công lập. Lý do chủ quan là một số trường chưa đáp ứng yêu cầu cho việc dạy và học nhưng khách quan là học phí cao hơn trường công lập do được nhà nước trợ cấp 3 xã hội chưa có cái nhìn đúng đắn về trường ngoài công lập, tình hình khó khăn về kinh tế hiện đã làm phu huynh ngán ngại cho con em học trường tư thục v.v…

          2. Chất lượng sinh viên ở đầu vào thấp

          Chất lượng đào tạo là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng đầu vào. Với một chất lượng đầu vào thấp sẽ tạo ra những hệ quả xấu tác động đến chất lượng đầu ra biểu hiện trước hết ở khả năng tư duy độc lập, khả năng tiếp thu kiến thức giảng dạy trên giảng đường và khả năng nghiên cứu, từ đó tạo ra tâm lý ngại học, lười biếng học tập. Tuy nhiên đây là đặc thù của các trường ngoài công lập “đầu vào kém nhưng đầu ra phải đạt chuẩn”.

          Trên đây chỉ là những nét tiêu biểu phản ảnh thực trạng giáo dục ở các trường Đại học ngoài công lập đã tác động đến uy tín và năng lực đào tạo ở các trường Đại học thuộc loại hình này.

          Với sinh viên có năng lực học tập yếu thường thường kéo theo những hệ lụy như không chịu học tập, rủ nhau lên mạng xã hội đưa tin giả, nhảm nhí, độc hại lôi kéo một số sinh viên không chịu học, thậm chí bỏ học…

          Một số sinh viên chẳng những không chịu học mà còn rũ nhau thông tin không đúng về trường, dựa dẫm phụ huynh để gây áp lực cho trường. Từ việc không chịu học, dẫn đến kết quả đầu ra kém và tất nhiên là không được tốt nghiệp. Lẽ ra các sinh viên này phải khắc phục sự yếu kém này nhưng lại nhờ phụ huynh để phụ huynh gây áp lực với nhà trường, gây dư luận xấu đối với xã hội, mỗi khi chưa nhận bằng tốt nghiệp do còn thiếu điều kiện đầu ra hoặc còn nợ một số môn học v.v… Dù rằng đây chỉ là một số ít học sinh cá biệt nhưng nhà trường mong xã hội và phụ huynh ủng hộ và hỗ trợ cho trường để đào tạo cho các em tốt hơn.

          3. Tư tưởng học tập thụ động đối phó còn hết sức phổ biến

          Một số không ít sinh viên có tư tưởng học để lấy điểm chứ không phải hướng theo việc học để nắm kiến thức vẫn còn phổ biến, dẫn đến việc “học tủ”, “học vẹc”. Trong học tập, họ đã tự biến mình như một “thùng rỗng” về kiến thức, chờ cho thầy cô “rót” đầy vào cái “thùng rỗng” đó, mà thiếu vắng sự nghi ngờ cần thiết và cần có trong khoa học, để từ đó, lật đi lật lại, đối chiếu, so sánh nghiền ngẫm trong thực tiễn để biến những kiến thức sách vở và kiến thức của người thầy trở thành “tài sản” trí tuệ của riêng mình, nhằm sở hữu một kiến thức vững chắc khi ra trường v.v…

          Như vậy rõ ràng việc đào tạo các sinh viên yếu kém, thậm chí cá biệt khó gấp nhiều lần so với việc đào tạo sinh viên trung bình trở lên và điều này là đặc thù mà các trường ngoài công lập đã đảm nhận với xã hội.

          Việc tồn tại và yếu kém nói trên là cơ sở nhận thức quan trọng để các Trường ngoài công lập tìm các biện pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, làm sao những sinh viên đó khi đã tốt nghiệp phải đạt được chuẩn xã hội yêu cầu.

          Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, chúng tôi coi đây là những trở ngại chủ yếu trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo.

          Thấy được những tồn tại đó và chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại đó, cũng có nghĩa là không vì vậy mà chúng tôi tự hạ thấp yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo – vốn là “tôn chỉ” ngay từ khi thành lập trường đến nay, mà cốt là để cho xã hội, nhất là các bậc phụ huynh thấy được thực trạng của quá trình đào tạo để cùng chúng tôi từng bước, từng phần sớm khắc phục có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo – vốn là một yêu cầu nghiêm ngặt của bất kỳ cơ sở đào tạo nào muốn tồn tại và phát triển. Và làm được như vậy, chúng tôi sẽ không phụ lòng mong mỏi của xã hội, của phụ huynh có con em đang và sẽ theo học tại trường. Chúng tôi quyết tâm thực hiện điều cam kết đó, bởi lẽ bên cạnh sự thật nói trên vẫn còn một sự thật khác quan trọng hơn đó là quyết tâm của HĐQT, Ban giám hiệu, toàn thể thầy giáo, cô giáo trong toàn trường hướng theo mục tiêu mà mình đã đặt ra.

          Để khắc phục, những yếu kém nói trên, chúng tôi phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc, căn cứ vào điều kiện cụ thể như chúng tôi đã và đang tiến hành bồi dưỡng và nâng cao kiến thức thuộc chuẩn đầu vào, để trên cơ sở đó góp phần quan trọng để có chất lượng tốt ở đầu ra.

          Biện pháp quan trọng đầu tiên là chú trọng tiến hành phân loại trình độ đầu vào và chia ra thành 3 nhóm A, B và C. Với nhóm A thuộc sinh viên đã đạt chuẩn đầu vào thuộc trình độ khá, không cần phải bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cơ bản thuộc đầu vào cụ thể với cách phân loại trình độ đầu vào, ngay năm học 2010-2011 được chia làm 3 nhóm: Nhóm A (nhóm đạt chuẩn đầu vào trên 20%, nhóm B 50% và nhóm C 30%. Với nhóm B và C là thuộc nhóm còn kém ở chất lượng đầu vào, chúng tôi tiến hành kèm cập, bồi dưỡng và phụ đạo, cụ thể như sau:

          Nhóm B, tiến hành kèm cập bồi dưỡng trong thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng. Nhóm C thì thời gian có thể tăng lên gấp đôi.

          Nội dung của các môn kèm cập và bồi dưỡng chất lượng gồm 3 môn quan trọng thuộc đầu vào đó là Toán, Sinh ngữ, Tin học.

          Toàn bộ chi phí kèm cập, bồi dưỡng cho sinh viên chưa đạt chuẩn hoàn toàn do nhà trường bỏ ra mà không thu bất cứ khoản nào đối với sinh viên để trang trãi các chi phí nói trên. Đặc biệt đối với 1 số ít đối tượng cá biệt nhà trường tổ chức theo phương thức một kèm một rất tốn chi phí cho nhà trường …

          Tóm lại với tất cả cố gắng nói trên, năm học 2010-2011 qua kiểm tra, đều có tiến bộ hết sức rõ rệt, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp tục theo học cùng với các sinh viên đạt chuẩn ngay từ ngày nhập học.

          Với trình độ đã được phân loại như trên, nhà trường đã tiến hành bồi dưỡng, kèm cặp và kết quả đã chứng minh được cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường. Trên cơ sở này đã giúp các em có trình độ B và C trước đây có khả năng đuổi kịp với các em đã đạt chuẩn (loại A) và như vậy, cùng với sự quan tâm đến các yếu tố khác, chất lượng đầu ra sẽ có điều kiện để khẳng định góp phần thương hiệu “ Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An”.
Ngoài những việc làm nói trên, chúng tôi còn hết sức coi trọng công tác nghiên cứu khoa học trong sinh vien với phương châm “ không nghiên cứu khoa học tất sẽ không có chất lượng đào tạo tốt”

          Như chúng ta đã biết, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm và áp lực cạnh tranh giữa các ngành, các nền kinh tế ngày càng gay gắt.

          Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã và đang xảy ra đặt ra cho các nhà khoa học, các nhà quản trị điều hành, các cơ sở đào tạo đại học, nhất là các cơ sở có đào tạo về kinh tế nhiều vấn đề trăn trở.

          Trước tình huống ấy, một trong những vấn đề cần được quan tâm đặc biệt là phải gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học.

          Thực tế vừa qua, hướng theo mục tiêu nói trên, trường đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, các hội nghị khoa học trong sinh viên và đến nay, chúng tôi có được những sản phẩm khoa học có giá trị, vừa lý thuyết, vừa thực tiễn được xã hội đánh giá cao. Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu khoa học trong sinh viên, nhà trường còn tổ chức nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý, coi đó như là tiêu chí quan trọng trong xem xét thi đua cấp trường. (đã có trên 40 đề tài tự nghiệm thu trong đó có xây dựng phần mềm quản lý trường, máy xoa nền, quy trình chống thấm v.v…) các phần mềm và máy xoa nền, chống thấm đã được áp dụng trên thực tế tại trường và công ty xây dựng Miền Nam.

          Nhìn chung, mặc dù bước đầu, những công tác nghiên cứu khoa học trong nhà trường đã có những khởi sắc, đáng chú ý và đã áp dụng thành công trên thực tế.

IV. KẾT LUẬN

          Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa, trong nền kinh tế tri thức và nền kinh tế sáng tạo là mục tiêu quan trọng của bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào, trong đó trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An không phải là ngoại lệ.

          Thấy được sứ mệnh của mình, thầy trò trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An quyết phấn đấu thực hiện liên tục, sử dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm thực hiện mục tiêu có ý nghĩa to lớn đối với chính quá trình biến đổi cách mạng và sâu sắc do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo. Và từ đó, chúng tôi sẽ không làm phụ lòng tin của nhiều người thuộc nhiều thế hệ.

          Chúng tôi tin rằng bằng quyết tâm của tập thể sư phạm nhà trường với sự cộng tác của các em HSSV, quý phụ huynh và đặc biệt sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp Trung ương và địa phương, trường ĐH KTCN Long An sẽ thực hiện tốt triết lý đào tạo của trường “ Tri hành đạt nhân”.

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​