Triển khai 32 giải pháp KHCN phục vụ phát triển Tây Nguyên
- Details
- Đăng ngày 17/01/2019 Lượt xem: 9605
(Chinhphu.vn) - Sau 2 năm thực hiện Chương trình “Khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” (Chương trình Tây Nguyên 2016-2020), đã có 32 nhiệm vụ khoa học được triển khai.
Ứng dụng công nghệ đèn led cho nông nghiệp công nghệ cao
Trong đó, 13 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên - phòng tránh thiên tai, 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực KHCN và 8 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và an ninh chính trị, với hơn 900 cán bộ khoa học thuộc 14 bộ, ngành tham gia.
GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, các kết quả sau 2 năm thực hiện rất đáng khích lệ.
Về lĩnh vực khoa học xã hội, Chương trình đề ra các nhiệm vụ về kinh tế, xã hội, an ninh chính trị, mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên liên vùng xuyên biên giới, mô hình quản lý tổng hợp hệ sinh thái núi Nam Trường Sơn và mô hình tổ chức lãnh thổ liên vùng Tây Nguyên - Nam Trung Bộ theo lưu vực sông.
Qua xác định lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp thích ứng cho Tây Nguyên, như: Cần thay đổi tư duy tiếp cận của vùng Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển mới; nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch theo hướng phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp theo lợi thế đặc thù với nguyên tắc khai thác hiệu quả và mang tính bền vững các lợi thế đó, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu;
Quy hoạch và xây dựng các ngành công nghiệp chủ lực, nhất là các doanh nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản có lợi thế trong vùng; có kế hoạch thu hút đầu tư vào các nhà máy chế biến, hình thành các trung tâm công nghiệp chế biến; chính quyền các cấp cần sớm nhận thức và khắc phục tư tưởng địa phương trong việc đề xuất, ban hành và thực hiện chính sách phát triển vùng...
Ðối với lĩnh vực khoa học tự nhiên, các nhiệm vụ khoa học hướng đến giải pháp bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước và an ninh môi trường Tây Nguyên. Các nghiên cứu về giải quyết tình trạng khô hạn ở Tây Nguyên đưa ra các giải pháp tổng hợp về nước mặt và nước ngầm; cải tạo môi trường sinh thái đất ở những khu vực khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước mặt và nước ngầm.
Bên cạnh đó, tính toán, dự báo tài nguyên nước mặt và tổng nhu cầu dùng nước cho các ngành có sử dụng tài nguyên nước mặt cho các giai đoạn hiện tại, đến năm 2030 và năm 2050.
Những phát hiện mới của các nhà khoa học về hang động núi lửa Tây Nguyên lần đầu được công bố ở trong nước và ngoài nước. Theo đó, tại hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Ðắk Nông đã phát hiện di cốt người tiền sử có giá trị hiếm gặp trong hang động núi lửa ở Ðông Nam Á và thế giới. Các giá trị địa chất địa mạo, hệ sinh thái của hang động đã được nghiên cứu xác lập giá trị di sản hỗn hợp. Các kết quả được chuyển giao cho địa phương phục vụ lập hồ sơ di sản Công viên địa chất toàn cầu Krông Nô Ðắk Nông.
Về lĩnh vực KHCN, Chương trình đã lựa chọn, nhân rộng các mô hình công nghệ thành công từ Chương trình Tây Nguyên 3 (2011-2015) phục vụ phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; ứng dụng công nghệ đèn led cho nông nghiệp công nghệ cao. Kết quả ban đầu cho thấy, các công nghệ góp phần tăng năng suất, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và là giải pháp liên kết các nhà khoa học, công nghệ và nông dân với thị trường.
Các kết quả nghiên cứu phát triển chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt từ Chương trình Tây Nguyên 3 cũng đã được tích hợp trong nhiệm vụ hoàn thiện quy trình tuyển chọn nhân giống, xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trong Chương trình này. Vấn đề thức ăn cho chăn nuôi đại gia súc trâu, bò, voi trên Tây Nguyên đã được triển khai nghiên cứu mang tính chất liên ngành.
Các giá trị dược liệu và tinh dầu trong hệ sinh thái Tây Nguyên đã được phát hiện trong Chương trình Tây Nguyên 3 tiếp tục được phát triển qua nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất thuốc đông dược chuyển giao cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nghiên cứu hoàn thiện, chuyển giao mô hình khai thác sử dụng hợp lý nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở Tây Nguyên; nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện từ bùn thải khu công nghiệp lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ phát triển nông nghiệp sạch…
Đáng chú ý, Chương trình đã triển khai nhiệm vụ KHCN “Hoàn thiện và chuyển giao mô hình tích hợp thư viện điện tử và Atlas điện tử Tây Nguyên phục vụ quản trị và truyền thông cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ”, nhằm góp phần phát huy nguồn nội lực KHCN tại Tây Nguyên. Nhiệm vụ này số hóa toàn bộ các kết quả nghiên cứu của Chương trình Tây Nguyên 3 và Chương trình Tây Nguyên 2016-2020, truyền tải trên Atlas điện tử Tây Nguyên và các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Các tri thức của Tây Nguyên sẽ hòa chung vào Ðề án “Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian tới, Viện Hàn lâm KH và CN sẽ đánh giá để sớm chuyển giao cho các đơn vị liên quan, phục vụ định hướng quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên. Các kết quả bước đầu là những tiền đề quan trọng để hoàn thành tốt các mục tiêu của Chương trình.
Theo Chinhphu.vn