Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa tại vùng lúa chất lượng cao

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa tại vùng lúa chất lượng cao ở 4 huyện Đồng Tháp Mười Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh - tỉnh Long An 16/07/2014

Chủ nhiệm dự án Lê Quốc Dũng, PGĐ Sở KHCN bên cạnh thiết bị san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser

Dự án: “ Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong sản xuất lúa tại vùng lúa chất lượng cao ở 4 huyện Đồng Tháp Mười Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh - tỉnh Long An ” là đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai thực hiện từ tháng 4/2011 đến tháng 4/2014, Kỹ Sư Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc Sở KH&CN là chủ nhiệm đề tài, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An chủ trì thực hiện, thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ Long An tổ chức hội nghị nghiệm thu.

Mục tiêu tạo ra được một phương thức sản xuất lúa hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trên thị trường làm cơ sở cho việc phát triển mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng phục vụ cho tiêu dùng cũng như xuất khẩu; nâng cao năng suất và chất lượng một số giống lúa trong vùng đạt các tiêu chuẩn gạo xuất khẩu của Hiệp hội lương thực Việt Nam VFA; chuyển giao một số công nghệ mới giúp người dân nâng cao kỹ năng canh tác lúa hàng hóa; nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị đất canh tác.

Vấn đề cải tạo mặt bằng đồng ruộng là khâu quan trọng để có thể ứng dụng một cách đầy đủ và hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật: cơ giới hóa trong làm đất, dùng giống lúa xác nhận, áp dụng IPM, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý nước, cơ giới hóa trong thu hoạch…

Kết quả dự án đã phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã ở các địa phương để chọn 4 điểm xây dựng mô hình điểm với diện tích 200 ha, mỗi xã 50 ha tại ấp Hoàng Mai, xã Hậu Thạnh Đông - huyện Tân Thạnh, ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng - huyện Vĩnh Hưng, ấp Hưng Thuận, xã Hưng Thạnh - huyện Tân Hưng, ấp Bàu Chứa, xã Thạnh Hưng – thị xã Kiến Tường vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An và đã chọn 84 nông dân để tiếp nhận và triển khai áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tổng hợp trong quy trình kỹ thuật của dự án.

Áp dụng công nghệ san phẳng đồng ruộng ứng dụng kỹ thuật laser tạo ra thửa ruộng bằng phẳng đạt độ chênh lệch trung bình khoảng 3cm (thời gian san phẳng mặt ruộng ứng dụng Công nghệ Laser cho một ha trung bình khoảng 10 giờ), thuận lợi cho việc ứng dụng đồng bộ, có hiệu quả các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, việc sạ thưa, sạ hàng, đều tiết nước đồng đều và dùng nước khống chế cỏ dại rất dễ dàng; đồng thời giảm công lao động, tiết kiệm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều, giúp cho cây lúa khỏe mạnh. Chi phí sản xuất giảm rõ rệt như giảm chi phí nhân công, dịch vụ làm đất, gieo sạ, công nhổ cỏ tỉa dặm, thu hoạch;hiệu quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thời gian bơm nước, tỉ lệ đổ ngã rất thấp, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý dịch hại tổng hợp và cơ giới hóa, giảm lượng và số lần phun thuốc, nước tưới, giảm lượng giống, lượng phân bón và tăng hiệu quả sử dụng, giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân so với cách làm như trước đây; giúp nông dân tiết kiệm chi phí được từ 2 đến 2,5 triệu đồng/ha/vụ, năng suất mỗi hécta tăng lên trung bình 300 đến 500 kg/ha/vụ, đặc biệt có nhiều hécta năng suất tăng thêm trên 1 tấn/ha/vụ

Ruộng bằng phẳng, đồng đều và chủ động về mức nước làm cho lúa cứng cây, ít đổ ngã, mô hình sau khi được san phẳng cây lúa không bị đổ ngã phần lợi nhuận tăng thêm (hao hụt lúa bị đổ ngã là 5%). Ở trong mô hình năng suất thu hoạch trung bình 7 tấn/ha, tăng thêm được trung bình 300 đến 500 kg /ha gia tăng phần lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác tương đương từ 1.500.000 đến 2.500.000 đồng/ha. Hiệu quả từ mô hình tăng thêm thu nhập cho người dân sản xuất lúa từ 4.262.500 đến 5.262.000 đồng/ha.

Mô hình thúc đẩy cơ giới hóa từng bước hình thành vùng lúa chất lượng cao, các cánh đồng lớn trong tỉnh, cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong sản xuất lúa gắng kết với lợi ích cộng đồng liên kết thị trường tiêu thụ, là tiền đề để xây dựng vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh lúa, quy hoạch kiến thiết lại đồng ruộng diện tích rộng thích hợp để ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững, từng bước thay đổi nhận thức trong việc bỏ tập quán canh tác củ lạc hậu thay vào đó là việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn, tiết kiệm chi phí tăng lợi nhuận, cho hiệu quả cao hơn nhiều so với áp dụng đơn lẻ.

Qua dự án này, nhận thức về trình độ kỹ thuật của người dân nông thôn cũng như đội ngũ cán bộ kỹ thuật địa phương trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được nâng lên; cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân nông thôn và hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; góp phần cải thiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trong địa bàn tỉnh.

Hạn chế là ứng dụng Công nghệ Laser san phẳng mặt ruộng là quá trình san đất khô, mả vùng đồng bằng Sông Cửu Long chỉ triển khai thực hiện được trong khoảng từ tháng 2 (âm lịch) đến tháng 4 (âm lịch) hàng năm, những năm gần đây lũ thường rút chậm và luôn xuất hiện các đợt mưa trái mùa càng làm cho thời gian cho phép san phẳng rất hạn chế, đây là khó khăn rất lớn.

San phẳng mặt ruộng ứng dụng công nghệ laser là công nghệ còn mới ở nước ta, cho nên nhà nước cần hỗ trợ ban đầu đề người dân mạnh dạn ứng dụng vào thực tiễn; Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ chuyển giao nhân rộng mô hình, đặt hàng cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHCN triển khai nhân rộng các mô hình san phẳng mặt ruộng ứng dụng công nghệ laser trên địa bàn tỉnh.

Theo Thông tin KHCN - Cổng thông tin điện tử Long An

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​