Điểm tin môi trường trong tuần


          Ra mắt Câu lạc bộ người làm báo tài nguyên và môi trường; Báo cáo môi trường gửi Quốc hội; Làm sạch không khí có thể cứu sống 2 triệu người mỗi năm; … là trong số những thông tin sự kiện môi trường nổi bật trong tuần.
VIỆT NAM

          Ra mắt Câu lạc bộ người làm báo tài nguyên và môi trường

          Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015) chiều 18/6 tại trụ sở Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã chính thức ra mắt Câu lạc bộ người làm báo tài nguyên & môi trường theo Quyết định số 215/QĐ-HNBVN về việc thành lập Câu lạc bộ người làm báo tài nguyên và môi trường của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 18/6/2015.

          Theo Quyết định này, Câu lạc bộ người làm báo tài nguyên và môi trường được tổ chức hoạt động theo Quy chế đã được Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phê duyệt và chịu sự quản lý của Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam. Tổng biên tập Báo Tài nguyên & Môi trường - ông Hoàng Văn Thành và Chi hội Nhà báo Báo Tài nguyên & Môi trường là đơn vị trực tiếp tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ với khoảng hơn 100 hội viên, trong đó, Ban Chủ nhiệm lâm thời được Hội Nhà báo Việt Nam phê chuẩn gồm 6 thành viên.

          Báo cáo môi trường gửi Quốc hội

          Chính phủ vừa có báo cáo về công tác bảo vệ môi trường gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, ô nhiễm không khí, nguồn nước… đang ngày càng nghiêm trọng. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang cho biết chất lượng môi trường không khí tại một số khu vực đô thị, ô nhiễm bụi vẫn đang là vấn đề nổi cộm, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn và khu vực sản xuất công nghiệp.

          “Việt Nam có nhiều nguy cơ bị tác động bởi một số nguồn ô nhiễm không khí xuyên biên giới, như: bụi mịn, thủy ngân, lắng đọng axít và khói mù quang hóa do nguồn phát thải từ các nước lân cận” - ông Quang lo ngại.

          Làng có nguồn nước ô nhiễm bậc nhất Việt Nam

          Thôn Lũng Vị, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) từ lâu được mệnh danh là “làng ung thư” và có nguồn nước ô nhiễm bậc nhất Việt Nam. Đối với người dân nơi đây, số người tử vong vì ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm đã trở thành một nỗi ám ảnh nhiều năm qua. Điều đáng nói, dù biết sống chung với nguồn nước độc, nhưng người dân nơi đây vẫn không tìm ra được lối thoát, bởi chính cơ quan chức năng cũng… bó tay.

          Lũng Vị vốn có nghề truyền thống mây, tre, giang đan. Trong quá trình sản xuất, người dân đã sử dụng lượng lớn hoá chất lưu huỳnh và xả thải trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn xã Đông Phương Yên có một số nhà máy trước đây xả trực tiếp nước thải ra kênh mương, khiến nguồn nước càng ô nhiễm nặng – theo Báo Lao Động.

          Ngày châu Âu về khí hậu tại Việt Nam

          “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” năm nay diễn ra tại 60 quốc gia trên khắp thế giới. Ngày 17/6, nhiều sự kiện đã được Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán các quốc gia thành viên EU đồng tổ chức. “Ngày ngoại giao châu Âu về khí hậu” nhằm mục đích kêu gọi sự tham gia và nâng cao nhận thức của toàn thể công dân về những thách thức mà chúng ta và các thế hệ tương lai sẽ phải đương đầu. Vấn đề này đặc biệt liên quan tới Việt Nam, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH).

          Ngày này cũng là dịp để giới thiệu về Hội nghị toàn cầu về khí hậu Paris 2015 (COP21), quan điểm chung của EU và những hoạt động do EU và các quốc gia thành viên tiến hành tại Việt Nam nhằm chống BĐKH. Đặc điểm mới của COP21 là các vấn đề thỏa thuận được sẽ mang tính pháp lý, ràng buộc bằng cam kết quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó những gì các nước thỏa thuận được tại COP21 sẽ chính thực thực thi từ 2020. Mục tiêu của COP21 là tìm được một nguồn tài chính khổng lồ lên tới 100 tỷ USD cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu mỗi năm.

          Đan Mạch giúp Việt Nam giảm tiêu thụ năng lượng

          Ngày 18/6, Bộ Khí hậu, năng lượng và xây dựng Đan Mạch và Bộ Công thương Việt Nam đã ký kết một văn bản thoả thuận về tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực phát triển năng lượng với trọng tâm là hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo. Bản thỏa thuận nêu rõ 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và 10 hình thức hợp tác trong hoạt động này. Từ năm 2011 đến nay, trong mối quan hệ đối tác chiến lược trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh.

          Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả với mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam xuống 5 - 8%. Ngoài ra, Đan Mạch cũng hỗ trợ đầu tư về hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - khu vực mà cho đến nay vẫn chưa nhận được sự chú ý thích đáng liên quan đến hiệu quả năng lượng.

          THẾ GIỚI

          Giáo hoàng chỉ trích mô hình thị trường đã tàn phá môi sinh

          Hôm 18/6, tông huấn về môi trường của Giáo hoàng Francis I có tựa đề "Laudato Sii. Sulla cura della casa comune” (Về việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta) đã được công bố, với nội dung kêu gọi thế giới hãy cùng chung tay bảo vệ môi sinh, đồng thời chỉ trích các nước giàu và mô hình thị trường đã tàn phá môi trường sống.

          Trong cuốn tông huấn được chờ đợi dày gần 200 trang này, Giáo hoàng đã chỉ ra rằng 20% dân số thế giới đang giết những người còn lại bằng cách "tiêu thụ quá mức" những nguồn lực của thế giới, "ăn cắp" các tài nguyên của người nghèo và các thế hệ tiếp sau chúng ta. Theo ngài, nhân dân thế giới đang phải trả giá cho việc chính phủ các nước "cấp cứu" các ngân hàng và doanh nghiệp trong khủng hoảng kinh tế, và cảnh báo rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá đang tác động tiêu cực lên mọi người. Do đó, theo Giáo hoàng, cần phải tiến tới phát triển bền vững, theo cách bảo vệ môi sinh và con người.

          ASEAN mở khóa học ứng phó tập thể phòng chống thiên tai

          Ngày 19/6, Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo quản lý thiên tai (AHA) chính thức khai mạc khóa học 10 ngày về ứng phó khẩn cấp và quản lý thiên tai tại thành phố Bogor, Indonesia. Khóa học kéo dài 100 giờ này nhằm chuẩn bị cho các nhà ứng phó khẩn cấp thiên tai trong khu vực ASEAN có phản ứng nhanh hơn và phối hợp tốt hơn trong phòng chống thiên tai.

          Khóa học này là đợt đào tạo thứ năm của dự án Nhóm đánh giá cứu trợ khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT). ASEAN-ERAT được thành lập để củng cố sự chuẩn bị sẵn sàng và năng lực của ASEAN trong đối phó với thiên tai, đảm bảo việc thực hiện đánh giá nhanh và đảm bảo rằng ứng phó tập thể từ các nước thành viên ASEAN khác có thể được tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời. Dự kiến, các bài tập rèn luyện mô phỏng thực tế sẽ được tổ chức từ ngày 26-29/6 tại Trung tâm đào tạo của Ủy ban quản lý thiên tai quốc gia Indonesia ở Sentul Bogor.

          Italy lo lắng với thảm họa từ bãi rác lậu lớn nhất châu Âu

          Dư luận Italy nước này đã tỏ ra đặc biệt lo lắng sau khi một bãi rác công nghiệp độc hại lớn nhất châu Âu được phát hiện nhiều ngày trước ở gần Caserta, xứ Campania, cách thủ đô Rome gần 200km về phía Nam. Theo báo chí Italy, bãi rác công nghiệp gồm rất nhiều rác thải độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người này có khả năng đã được camorra, mafia xứ Campania, chôn từ hơn 30 năm trước cho tới những năm 2002, 2003. Theo ước tính của cảnh sát môi trường, rác được chôn trên diện tích 25ha, tương đương với 25 sân bóng đá, lên tới 2 triệu m3 và có chỗ được chôn sâu tới 9m. Tuy nhiên, các nguồn tin của cảnh sát Italy cho rằng, diện tích của bãi rác độc hại này có thể còn lớn hơn thế nữa.

          Vùng đất được mệnh danh là "Terra dei fuochi" (Đất lửa) trải dài trên một vùng rộng lớn hơn 1.000km vuông với 2,5 triệu dân của vùng Campania, với những bãi rác thải lậu công nghiệp độc hại được camorra kiểm soát trong một thời gian dài và thực hiện việc chôn rác một cách sơ sài trên những cánh đồng. Bộ trưởng Môi trường Gian Luca Galletti đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm cũng như các chuyên gia môi trường để nhanh chóng tìm ra phương án giải quyết một thảm họa lớn về mặt môi sinh có thể đe dọa cả một vùng rộng lớn ở miền Nam Italy.

          Quỹ Bill Gates bị phạt do vi phạm quy định chất thải

          Một quỹ của Bill Gates phải trả 30.000 USD tiền phạt vì đã để phân ngựa sai quy định. Quyết định này được tòa án đặc biệt ở làng Wellington, bang Florida, Mỹ đưa ra ngày 17/6. Nhà đồng sáng lập tập đoàn Microsoft và được tạp chí Forbes bình chọn người giàu nhất thế giới sẽ bị phạt 30.000 USD. Năm 2013, Gates mua một bất động sản trị giá chín triệu đô la Mỹ và dùng cho Quỹ Mallet Hill, phục vụ Câu lạc bộ Polo Quốc tế trong đó Gates là hội viên.

          Đến tháng 1/2014, câu lạc bộ này bị chỉ trích là để chuồng phân ngựa quá gần một con kênh và tiến hành xây dựng chuồng phân thứ hai để thay cho chuồng cũ mà không xin phép chính quyền địa phương. Vào mỗi mùa đông, câu lạc bộ là nơi nuôi giữ 12.000 con ngựa, với hơn 100.000 tấn phân ngựa được thải ra mỗi năm.

          Làm sạch không khí có thể cứu sống 2 triệu người mỗi năm

          Làm sạch bầu không khí có thể cứu sống 2 triệu người trên toàn thế giới mỗi năm chứ không chỉ ở những nước bị ô nhiễm nặng nhất – theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố ngày 16/6/2015 trên Tạp chí Khoa học Môi trường & Công nghệ.

          Nghiên cứu cho thấy những nước có bầu không khí ô nhiễm như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có thể cứu sống 1,4 triệu người mỗi năm nếu đạt được những mục tiêu về giảm ô nhiễm do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra. Ngoài ra, việc đạt những mục tiêu này ở những khu vực có mức độ ô nhiễm ít hơn cũng có thể giúp giảm hơn một nửa triệu người chết yểu mỗi năm. Theo WHO, tình trạng ô nhiễm không khí đặc biệt là do các hạt vật chất có kích thước rất nhỏ (PM) gây ra, được cho là nguyên nhân làm 3,2 triệu người chết trên thế giới mỗi năm do hít phải những hạt này.

          Chống ô nhiễm môi trường bằng ứng dụng smartphone

          Một công ty Trung Quốc đã phát triển một ứng dụng điện thoại thông minh, phát hiện hành động gây ô nhiễm môi trường của từng công ty, góp phần bảo vệ môi trường sống. Bản đồ xanh Blue Map - ứng dụng trên hệ thống điện thoại thông minh là phần mềm chỉ đích danh những hành động làm rò rỉ chất thải ra môi trường của các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Dữ liệu trên ứng dụng này được thu thập từ chính những công ty sản xuất tại Trung Quốc.

          Theo ước tính của các chuyên gia, Trung Quốc sẽ cần tới 320 triệu USD mỗi năm trong vòng 5 năm tới cho các dự án đầu tư bảo vệ môi trường. Gần 90% các thành phố lớn ở Trung Quốc không đạt chuẩn chất lượng không khí trong năm 2014 do quá trình phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế chóng mặt, gây ô nhiễm môi trường tại nước này.

Theo Minh Cường/moitruong.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​