Bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế: Nhiều tín hiệu khởi sắc

          Trong thời gian qua, các cơ sở y tế đã tích cực chủ động thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, tuy chưa triệt để nhưng đã đạt được những tín hiệu đáng mừng.

bao ve moi truong tai cac so y te

Các công trình xử lý nước thải bệnh viện được đầu tư xây dựng

Hơn 90% rác thải được thu gom
          Theo số liệu báo cáo của Cục Quản lý môi trường Bộ Y tế về tình hình quản lý đối với chất thải rắn y tế, đã có hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom hàng ngày và 100% bệnh viện thực hiện xử lý bằng các phương pháp khác nhau (thuê xử lý; xử lý tại chỗ; phương pháp khác). Đối với nước thải y tế, việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn do quá trình đầu tư và vận hành hệ thống. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ sở y tế đã quan tâm tới việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải. Hiện có khoảng 58,1% bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế (82,8% các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến Trung ương; 57,3% các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện) và 7,9% bệnh viện đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế. Số bệnh viện còn lại chưa có điều kiện đầu tư công trình xử lý nước thải quy mô nhưng cũng đã làm tốt việc xử lý nước thải ban đầu ngay tại nơi phát sinh.

          Bên cạnh đó trong quá trình triển khai công tác xử lý triệt để các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ năm 2003 đến năm 2013, Bộ Y tế đã xử lý được 74/84 cơ sở y tế (chiếm tỷ lệ 88,1%) còn lại 10 cơ sở y tế là các bệnh viện chưa hoàn thành xử lý (chiếm tỷ lệ 11,9%). Cũng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 có 169 cơ sở y tế trong danh sách, trong đó giai đoạn đến năm 2015, có 53 bệnh viện và giai đoạn đến năm 2020 có 116 bệnh viện phải xử lý triệt để, dứt điểm. Đến thời điểm hiện tại, theo báo cáo được biết đã có 9/169 bệnh viện đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường theo quy định; 68/169 bệnh viện đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hiện đang làm thủ tục để được cấp chứng nhận hoàn thành việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường; 32/169 bệnh viện đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế (CTYT) nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nước thải; 60/169 bệnh viện đang tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT.

          Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực quản lý và thực thi chính sách, pháp luật về BVMT tại cơ sở y tế, Cục Quản lý môi trường y tế đã xây dựng 7 bộ Chương trình khung và Tài liệu đào tạo liên tục về quản lý CTYT (đã được Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt) giúp các cơ sở đào tạo, các cơ sở y tế có bộ tài liệu chính thức triển khai đào tạo liên tục cho các cán bộ trong ngành y tế. Đến nay, gần 300 giảng viên nòng cốt về quản lý CTYT trên toàn quốc đã được đào tạo và tham gia giảng dạy các lớp đào tạo về quản lý CTYT cho cán bộ ngành y tế.

Đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành

          Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương - cán bộ Cục quản lý môi trường Bộ Y tế cho biết, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở y tế để bảo vệ sức khỏe của nhân viên y tế, cộng đồng dân cư và hạn chế mức thấp nhất các tác động gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng môi trường, ngày 22/12/2014, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư liên tịch số 48/2014/TTLT-BYT-BTNMT hướng dẫn phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 10/3/2015. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng vừa ban hành Công văn số 2206/BYT-MT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện các quy định về quản lý chất thải y tế và tăng cường quản lý chất thải y tế trong bệnh viện. Theo đó, các Sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp liên ngành, tiến hành kiểm tra giám sát công tác xử lý chất thải để bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế.

          Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xử lý chất thải để đảm bảo công tác quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện thực hiện theo đúng quy định... Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị liên quan và cả cộng đồng trong công tác quản lý chất thải y tế nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

          Hiện Bộ Y tế cũng đang phối hợp chặt chẽ và huy động nguồn vốn từ các tổ chức như JICA, ADB, KFW, trái phiếu Chính phủ… để hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT. Bộ Y tế cũng đang tích cực triển khai Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, dự kiến sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để đầu tư hệ thống xử lý CTYT cho khoảng gần 200 bệnh viện và 1-2 mô hình xử lý chất thải rắn y tế tập trung trên toàn quốc.

Theo Thụy Anh/Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​