Sinh viên chế thiết bị sấy bánh tráng cho làng nghề


          (Chinhphu.vn) - Tận dụng nhiệt từ lò, một nhóm sinh viên đã chế tạo hệ thống sấy bánh tráng vừa mang hiệu quả kinh tế, tiết kiệm nhân công, vừa tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường.

Các bạn sinh viên trong nhóm đề tài đang giới thiệu hệ thống lò sấy bánh. Ảnh VGP/Lưu Hương

          Sáng chế “Tận dụng nhiệt thải từ lò để sấy bánh tráng cho làng nghề làm bánh tráng” của nhóm sinh viên: Nguyễn Thị Hà, Đào Thị Phượng, Nguyễn Hữu Quyền, Lê Văn Viễn (Khoa Công nghệ nhiệt-điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã vượt qua gần 250 ý tưởng để đoạt giải thưởng “Ứng dụng của Giải thưởng Holcim Prize 2015”.

          Nhóm sáng chế cho biết ý tưởng về sáng chế nảy sinh trong một lần họ đến thăm làng nghề làm bánh tráng ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Vào ngày mưa, người dân nơi đây tráng bánh xong mà không phơi nắng được, trong khi nhiệt thải từ lò bánh ra nhiều nên lãng phí.

          Để sấy bánh, người dân phải dùng phụ phẩm nông nghiệp như trấu, củi và than lấy nhiệt. Cách này vừa tốn kém, gây ô nhiễm môi trường và tốn nhân công, bạn Nguyễn Thị Hà cho biết.

          Đầu năm 2013, nhóm sinh viên bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo. Sau 3 tháng tìm hiểu, nhóm chế tạo đã cho ra mẫu thiết bị sấy dựa trên nguyên lý tận dụng nhiệt thải dư từ lò bánh tráng.

          Hệ thống sử dụng một phần năng lượng theo khói đi vào bộ trao đổi nhiệt để gia nhiệt cho không khí. Từ đó không khí nóng sẽ được thổi vào buồng sấy, trao đổi nhiệt ẩm với bánh tráng, sấy khô rồi thoát ra ngoài.

          Các thiết bị sấy bánh tráng được làm từ ống nhiệt trọng trường bộ trao đổi nhiệt (calorifer) lắp vào lò bánh tráng. Theo quy trình, nhiên liệu củi, trấu, than được đưa vào cửa lò tráng bánh, một phần nhiệt dùng để tráng bánh, phần còn lại sẽ theo ống khói đi qua hệ thống sấy bằng dàn ống gia nhiệt, khói thoát từ lò tráng bánh sẽ qua bộ (calorifer) gia nhiệt cho không khí, không khí nóng sẽ vào buồng sấy và sấy khô bánh tráng.

          Theo phương pháp sấy cũ, người dân sử dụng các nhiên liệu đốt như trấu, mùn cưa, than, củi… vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa tốn khoảng 3-4 triệu đồng nhiên liệu mỗi tháng. Khi lắp đặt hệ thống này, chi phí giảm mạnh và sản phẩm sạch hơn.

          Thầy Mã Phước Hoàng, Khoa Công nghệ nhiệt-điện lạnh, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao cho bà con làng nghề bánh tráng vì chi phí rẻ và không gian lắp đặt nhỏ rất phù hợp với quy mô sản xuất thủ công. Hơn nữa, sản phẩm lại sạch hơn cách làm cũ.

          Hệ thống sấy nói trên có thể áp dụng cho bà con làng nghề bánh tráng ở địa phương khác trong cả nước mà không cần phải điều chỉnh nhiều.

Theo Lưu Hương/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​