Tăng quyền tự chủ tuyển sinh


          Nhiều dự kiến điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ 2016 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhưng còn rất nhiều ý kiến tranh cãi
          Ngày 22-10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 khối ĐH, CĐ thông qua hình thức trực tuyến tại 6 đầu cầu: Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng,

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 Ảnh: TẤN THẠNH

          TP HCM và Cần Thơ. Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT gợi ý 8 nội dung cần thảo luận nhưng nhiều đại biểu tập trung vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ.

          Chỉ nên có một loại cụm thi

          Bộ GD-ĐT dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ được tổ chức trong 3 ngày 13, 14 và 15-6. Tiếp tục tổ chức cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh như năm 2015 với một số điều chỉnh phù hợp thực tiễn; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH; thí sinh (TS) ở vùng giáp ranh giữa các cụm thi được linh hoạt chọn cụm thi thuận tiện.

          Bộ GD-ĐT dự định như thế song nhiều đại biểu cho rằng TS ở cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh đều chung một đề, vấn đề nghiêm túc trong coi thi, chấm thi là như nhau thì không nên chia thành 2 loại cụm thi, gây thiệt thòi cho TS.

          Từ thực tế tổ chức thi năm 2015, phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2015 thành công ở khâu tổ chức nhưng TS phải đi lại vất vả quá. Ông đề nghị năm 2016, cần tổ chức thi tại địa phương cho TS nhưng do trường ĐH chủ trì cụm thi.

          Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban Đào tạo ĐH và sau ĐH ĐHQG TP HCM, cho rằng nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia nhưng cần điều chỉnh về kỹ thuật. Đề thi có mục đích xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ xét tuyển ĐH, gây áp lực lớn cho TS và cả người ra đề. Phương án dành 60% câu hỏi cho xét tốt nghiệp, 40% cho xét tuyển ĐH là quá an toàn, không phân loại được TS. Khắc phục điều này cần giảm bớt tỉ lệ lấy điểm từ kỳ thi cho xét tốt nghiệp.

          Tự chủ để chọn đúng thí sinh

          Việc xét tuyển ĐH, CĐ dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia sẽ có một số điều chỉnh trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tuyển sinh năm 2015 theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường. Các trường tự tổ chức tuyển sinh, bộ chỉ quy định thời gian bắt đầu và báo cáo kết quả tuyển sinh; ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm…

Đồng tình với những điều chỉnh này, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết khi bộ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường thì các trường sẽ tuyển được những sinh viên phù hợp và TS cũng tìm được ngành, trường yêu thích.

          Lấy thực tế xét tuyển năm 2015, tiến sĩ Lê Đức Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho rằng ngày cuối xét tuyển nguyện vọng 1 vừa qua, TS chỉ mong sao đậu ĐH chứ chưa chắc những ngành, trường các em trúng tuyển đã là yêu thích. Ông Đồng đề nghị chỉ nên quy định TS có 2 nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển vào một trường.

Theo giáo sư - tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP HCM, phương án xét tuyển như năm 2015 mới bảo đảm được việc TS trúng tuyển ĐH chứ chưa nhìn thấy định hướng nghề nghiệp trong việc chọn trường, chọn nghề của các em. Việc xét tuyển phải thực hiện theo hướng bảo đảm TS được học ở những ngành, trường mà các em từ lâu đã mong muốn.

Khéo điều phối

để giảm ảo

          Hầu hết đại biểu đều cho rằng cần có những thay đổi trong việc xét tuyển ĐH, CĐ để kỳ thi bớt trở thành “sự kiện thời sự nóng bỏng” như cách nói của ông Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT. Theo ông Minh, trong một năm không nhất thiết chỉ có một kỳ thi chung để xét tốt nghiệp và ĐH mà có thể thi 2 lần, giãn khoảng cách để chuẩn bị tốt hơn. Chuyên gia này cũng cho rằng nên mở rộng giai đoạn nhập học trong cả năm chứ không phải trong một thời gian ngắn.

Tại đầu cầu Cần Thơ, ông Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết không ít đại biểu ở đầu cầu này nhận định mức ưu tiên cách nhau 0,5 điểm là khá cao. Việc công bố điểm thi nên giao cho các trường, sở

GD-ĐT, đồng thời đề nghị rút ngắn thời gian các đợt xét tuyển. Trong đợt đầu, TS chỉ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở một trường.

          Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường là xu hướng tất yếu nhưng cũng phát sinh tình trạng TS ảo rất cao. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng với những trường tốp đầu rất thoải mái nhưng sẽ có những trường gọi 100 sinh viên mà chỉ một sinh viên nhập học. Ông đề nghị sau khi thi THPT quốc gia, bộ yêu cầu các trường xét theo từng đợt, mỗi TS được cấp 3 giấy báo và 1 giấy nhập học. Mỗi đợt, TS nộp vào 1 trường, trong đó có tối đa 2 nguyện vọng. Sau mỗi đợt, các trường sẽ công bố danh sách trúng tuyển và TS xác định học trường nào và sử dụng giấy nhập học. Sau từng đợt, tối đa 4 đợt các trường sẽ tuyển đủ. Phương án này, cả TS và các trường đều chấp nhận được. Để làm được, phải phát huy cơ sở dữ liệu và vai trò điều phối của bộ là rất quan trọng.

Phải trên tinh thần tự chủ ĐH

Trước nhiều ý kiến còn tranh cãi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ GD-ĐT cần tổ chức một cuộc họp riêng bàn chi tiết, cụ thể. “Hôm nay, Bộ GD-ĐT chưa nên ấn định cái gì mà chỉ nên khẳng định với nhân dân kỳ thi năm tới sẽ kế thừa cái được, khắc phục những bất cập của năm trước để có một kỳ thi bảo đảm trung thực, công bằng nhưng ngày càng nhẹ nhàng” - Phó Thủ tướng chỉ đạo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh thi là riêng và tuyển là riêng. Tuyển sinh ĐH phải trên tinh thần tự chủ ĐH, bộ chỉ ra quy định tối cần thiết, không đi vào chi tiết, bảo đảm công bằng cho học sinh và quyền tự chủ của các trường.


Theo Huy Lân - Yến Anh/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​