Nếu ý kiến thỏa đáng, Bộ GD-ĐT sẽ tách môn sử thành môn độc lập


           Đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về vị trí môn sử trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp môn sử, còn nhiều ý kiến đề nghị đó phải là môn học độc lập, bắt buộc. PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT; Bộ phận thường trực Đổi mới chương trình GDPT đã trao đổi về vấn đề này


           * Phóng viên: Đến thời điểm này, quan điểm của Bộ GD-ĐT đối với tranh luận về môn sử ra sao, thưa ông?

           * PGS ĐỖ NGỌC THỐNG: Quan điểm của bộ là tiếp thu những gì hợp lý. Bộ sẽ còn tổ chức hội thảo, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, còn hiện tại thì chưa thể kết luận.

           * Những ý kiến của chuyên gia có hợp lý không, thưa ông?

           * Tôi nghĩ là các thầy chưa được trao đổi kỹ. Giáo dục lịch sử và khoac học lịch sử có khác nhau. Theo cá nhân tôi, giáo dục lịch sử luôn quan trọng, luôn là cốt lõi. Tôi thấy nhiều hội thảo, có một vấn đề mà chúng ta cứ đặt ra và tranh luận là môn lịch sử rất quan trọng. Không ai coi thường môn lịch sử, đặc biệt giáo dục lịch sử. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không có môn nào không quan trọng. Tin học cũng quan trọng, sinh học cũng quan trọng… vì người ta thường nói thế kỷ 21 là thế kỷ của sinh học. Không nên đặt vấn đề quan trọng hay không quan trọng. Các môn học đã đưa vào nhà trường là quan trọng, kể cả môn thể dục, chỉ là mức độ đưa vào như thế nào phụ thuộc vào tính chất các môn học. Lâu nay các hội thảo liên quan đến lịch sử đều chỉ chứng minh lịch sử là quan trọng. Trong khi đó, không có văn bản nào của Bộ GD-ĐT khẳng định lịch sử không quan trọng cả. Bắt buộc thì sử là môn học bắt buộc rồi, từ tiểu học đến phổ thông. Cái khúc mắc lại hiện nay chỉ là môn sử đứng độc lập hay tích hợp thôi. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, kể cả thầy Phan Huy Lê yêu cầu sử phải là môn học độc lập, có tên riêng. Bây giờ chỉ là giải quyết vấn đề này thôi.

           * Bộ GD-ĐT sẽ giải quyết thế nào?

           * Chúng tôi sẽ họp tiếp về vấn đề này.

           * Cá nhân ông có cho rằng để sử là môn độc lập là có hợp lý, nhất là trong bối cảnh xã hội lo lắng giới trẻ quay lưng lại lịch sử ông cha?

           * Tôi cho rằng quan tâm của xã hội, của các nhà lịch sử là rất đúng vì không ai yên tâm nếu thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử. Nếu thế hệ trẻ quay lưng với lịch sử rất nguy hiểm. Còn họ quay lưng lại như thế nào thì tôi không dám đánh giá. Nhưng giải quyết vấn đề môn sử như thế nào thì phải trong định hướng chung. Môn sử đã là môn bắt buộc, đã coi trọng, còn lại là đặt ở chỗ nào. Với Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở THPT từ năm lớp 10 đến lớp 12 mỗi tuần học sinh vẫn phải học 1 tiết sử bắt buộc, tức một năm là 35 tiết, 3 năm là 105 tiết. Môn văn, môn toán cũng chỉ 2 tiết/tuần. Vì vậy tôi cho rằng, vị trí môn sử vẫn không có gì thay đổi so với hiện nay. Thậm chí với chương trình mới, học sinh còn phải học nhiều sử hơn. Vì ngoài việc bắt buộc học sử ở môn công dân với Tổ quốc, thì những học sinh chọn khoa học tự nhiên vẫn phải bắt buộc học khoa học xã hội, trong đó có môn lịch sử. Còn các em học chuyên ngành xã hội thì lịch sử nằm ở tự chọn 2. Như vậy, giờ học lịch sử còn nhiều hơn trước. Các chuyên gia băn khoăn là môn lịch sử ghép vào môn công dân với tổ quốc có hợp lý không. Cái này thì phải trao đổi tiếp.

           * Nếu bây giờ sử trở lại vị trí là môn học độc lập thì cấu trúc môn học mà Bộ GD-ĐT đã dự kiến có bị phá không?

           * Nếu lịch sử đứng riêng thì có một số nội dung trùng liên quan đến giáo dục an ninh quốc phòng và giáo dục công dân. Nếu lịch sử đứng riêng thì ngoài nội dung của lịch sử, lịch sử còn phải “làm hộ” những nội dung tích hợp của môn quốc phòng an ninh và giáo dục công dân để tránh sự trùng lặp. Mặt khác, định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là giảm môn học bắt buộc, tăng tự chọn. Ở các nước, bậc THPT học những môn bắt buộc rất ít, nhiều tự chọn; còn một số nước thì có một số môn bắt buộc, nhưng cũng không nhiều. Nên nếu tách sử ra, cộng với 3 môn bắt buộc toán - văn - ngoại ngữ rồi các môn khác nữa thì môn bắt buộc lại thành quá nhiều.

           * Vậy tại sao không để sử là môn độc lập và tích hợp nội dung 2 môn giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân vào sử? Chúng ta cần đặt vấn đề: tại sao Bộ GD-ĐT dự kiến tích hợp nhiều môn, nhưng xã hội không phản ứng. Riêng môn sử, khi dự kiến tích hợp vào các môn khác thì bị phản ứng, chứng tỏ môn sử có vị trí đặc biệt nhạy cảm?

           * Bộ GD-ĐT cũng đang lấy ý kiến dư luận về vấn đề này. Xã hội cứ góp ý. Quan điểm chính thức của Bộ GD-ĐT là còn phải lắng nghe nhiều, trao đổi thêm. Sắp tới sẽ bàn, nếu hợp lý sẽ tách sử ra thành môn độc lập.

           * Dự kiến lúc nào ra được chương trình GDPT tổng thể?

           * Theo lộ trình, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến và cũng đến lúc nào đó phải chốt. Tuy nhiên, cũng phải lấy ý kiến, khi nào tương đối mới chốt. Chắc phải sang 2016 mới ban hành được sau khi đã thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia.

           * Bên cạnh chương trình GDPT tổng thể, dư luận cũng rất quan tâm đến chương trình các môn cụ thể? Bao giờ thì bộ mới công bố?

           * Về logic phải có chương trình tổng thể thì mới có chương trình các môn cụ thể. Tuy nhiên, về kỹ thuật và bước đi, chương trình tổng thể nếu có sửa thì sửa chi tiết, còn định hướng lớn thì có rồi. Vì vậy, hiện chương trình các môn cụ thể cũng đang “chạy”, rồi sau đó sẽ công bố xin ý kiến, sửa chữa nữa. Nên thực chất, hiện chương trình môn học cũng đã khởi động rồi.

Theo LÂM NGUYÊN/SGGP Online

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​