Phát huy văn hóa bản địa trong giáo dục đại học thời kỳ đổi mới
- Details
- Đăng ngày 24/08/2015 Lượt xem: 1870
PHÁT HUY VĂN HÓA BẢN ĐỊA TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC THỜI KỲ ĐỔI MỚI
TS Lê Đình Viên
Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An
I. VĂN HÓA DÂN TỘC – VĂN HÓA BẢN ĐỊA
“Văn hóa theo nghĩa chung nhất là tất cả những gì không phải từ thiên nhiên mà từ con người” (1). Theo toàn thư quốc tế về phát triển văn hóa của UNESCO “ Văn hóa là một tập hợp các hệ thống biểu tượng, nó quy định ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt”.
Ngoài ra, văn hóa còn được hiểu là tất cả những sinh hoạt của một cộng động, một dân tộc bao gồm văn học, nghệ thuật, lễ hội, tôn giáo, về cách cư xử và giao tiếp, về văn học nghệ thuật... Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì là sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo ra, phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày. Về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những phát minh đó là văn hóa”.(2)
Trong khái niệm của Hồ Chí Minh, nét đặc trưng cơ bản nhất của Văn hóa chính là sáng tạo và phát minh, tức là “ tạo ra những gía trị mới về vật chất hoặc tinh thần và tìm ra cái có ý nghĩa, có giá trị lớn cho khoa học và cho loài người.
Như vậy, sản phẩm mà con người sáng tạo ra hiện diện trong toàn bộ đời sống xã hội, trong đó có giá trị tinh thần.Đó là những giá trị tạo nên cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc.
“ Cốt lõi của sức sống dân tộc là văn hóa với ý nghĩa bao quát và cao đẹp nhất của nó, bao gồm cả một hệ thống giá trị: Tư tưởng và tình cảm, đạo đức và phẩm chất, trí tuệ và tài năng , sức nhạy cảm tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ bản lĩnh và bản sắc cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu để tự bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh” (3). Hệ thống giá trị Văn hóa Việt Nam là bản sắc văn hóa Việt Nam do cộng đồng người Việt Nam sáng tạo nên, được sàng lọc và đứng vững suốt chiều dài của lịch sử, với những cuộc đấu tranh sinh tồn trong quá trình giữ nước, phản ánh trong toàn bộ giá trị đó là sự kết tinh trí tuệ và tình cảm, quan niệm về đạo đức và lý tưởng thẩm mỹ của cả cộng đồng dân tộc. Theo TS. Nguyễn Thị Hồng – giảng viên khoa Văn hóa và phát triển: “ Văn hóa thực chất là sự hoàn thiện và vận dụng bản sắc dân tộc trong toàn bộ chiều sâu cốt lõi của nó vào quá trình xây dựng và phát triển xã hội và do vậy, văn hóa đồng nghĩa với cuộc sống, và nói đến văn hóa là nói đến sự phát triển. Mà sự sống và sự phát triển của cộng động dân tộc bao giờ cũng phải gắn liền với cội nguồn, tức là với những điều kiện tự nhiên và xã hội, môi trường phát sinh và phát triển của văn hóa dân tộc. Bản sắc văn hóa dân tộc biểu hiện trước hết ở tính dân tộc của văn hóa, bởi văn hóa phát sinh và phát triển trong đời sống của cộng đồng dân tộc, làm nên sức sống và diện mạo của văn hóa dân tộc, làm nên bản sắc văn hóa”.
Nói đến bản sắc văn hóa dân tộc là nói đến giá trị gốc, căn bản, cốt lõi, những giá trị hạt nhân của dân tộc; Hạt nhân của giá trị văn hóa, là những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, được biểu hiện trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, sân khấu, hội họa..., trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hàng ngày của mỗi người.
Do vậy khi đề cập đến bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là xác định cả một hệ thống giá trị, như tình yêu quê hương, tình yêu tổ quốc, tình nhân ái đối với đồng bào, thái độ yêu lao động, ham học hỏi... những giá trị đó gắn kết hữu cơ với nhau, thậm chí có thể chuyển đổi cho nhau v.v...
Như những gì đã đề cập ở trên, ta có thể hiểu bản sắc văn hóa dân tộc là một khái niệm bao quát, làm nên diện mạo của cả dân tộc. Nó gắn với những giá trị cơ bản của dân tộc, và thể hiện cả trong cuộc sống hằng ngày.
Mỗi một dân tộc bao giờ cũng có những sắc thái văn hóa riêng, phản ánh những phong cách, diện mạo của chính dân tộc đó, và dùng nó để phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Xuất phát từ thực tế đó, Đảng ta coi việc xây dựng và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của quá trình phát triển đi lên của đất nước.
Thực tế chỉ ra rằng, khi một dân tộc quay lưng với truyền thống văn hóa, đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt sợi dây thiêng liêng liên kết hiện tại với quá khứ thì hậu quả của nó, là khó lường hết được.
Trong quá trình hình thành và phát triển, dân tộc Việt Nam đã sáng tạo ra những loại hình văn hóa độc đáo: Nghệ thuật dân tộc như dân ca, cải lương, hát bội, tuồng, chèo, múa rối, ca trù... đã chứng minh trong thực tế là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, không những với ta mà cả bạn bè năm châu bốn biển, khi được thưởng thức, cùng có chung một cảm nhận và tình cảm hết sức tốt đẹp. Cùng với việc hình thành và phát triển các loại hình văn hóa độc đáo, văn hóa lễ hội, văn hóa đình làng...cũng là những nét văn hóa đặc sắc của tổ tiên ta để lại được duy trì cho đến ngày nay.
Cách đặt vấn đề như trên chính là xuất phát từ việc coi thực trạng văn hóa dân tộc vừa phong phú vừa đa dạng và để làm nổi bật tính phong phú và đa dạng đó, những vấn đề sau đây cần được đặt ra:
1. TẠI SAO PHẢI XÂY DỰNG BẢO VỆ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC NHƯ LÀ MỘT YÊU CẦU BỨC BÁCH ĐỂ GIỮ GÌN NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG.
Việc xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc không chỉ là yêu cầu bức bách trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới để ta vẫn là ta mà còn tạo nên bức tranh nhiều màu sắc, tạo nên vẻ đẹp về tính đa dạng của nền văn hóa thế giới. Việc chạy theo tâm lý sùng ngoại sẽ có nguy cơ và khả năng bị nô dịch về chính trị, kéo theo là nô dịch về kinh tế mà hậu quả của nó, chắc chắn sẽ vô cùng nguy hiểm. Khi mà một dân tộc bị đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình, nghĩa là tự mình đoạn tuyệt với quá khứ, từ bỏ mọi giá trị văn hóa dân tộc để chạy theo một thứ văn hóa ngoại lai, sẽ dẫn dắt dân tộc đó không còn là chính mình nữa. Việt Nam trãi qua, mấy nghìn năm lịch sử tồn tại và phát triển đến nay “ Ta vẫn là ta” đó là nhờ chúng ta luôn đề cao và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên cũng cần hết sức tránh hai xu hướng: Một là dựa vào những giá trị đã có dẫn đến tự hào hoặc tự ti, nghi ngại, tự đóng cửa không tự mình chủ động tiếp thu cái mới và hai là, đề cao thái quá bản sắc văn hóa của dân tộc khác.
2. XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA TIÊN TIẾN, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC.
Việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là một chủ trương hết sức đúng đắn được nhiều Đại hội Đảng khẳng định, cần phải được thực hiện bằng các hành động cụ thể trong đời sống xã hội. Làm được như vậy cũng chính là chúng ta luôn nắm bắt quy luật văn hóa nhưng đồng thời hướng theo việc thỏa mãn nhu cầu nâng cao việc thụ hưởng văn hóa. Rõ ràng hơn bất cứ lúc nào, trong bối cảnh hội nhập hiện nay việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc đang là nhiệm vụ cấp bách trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế, tạo cho bản sắc văn hóa có một sức sống mãnh liệt cả trong không gian lẫn thời gian. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nền tảng, tạo nên cốt cách của nền văn hóa mới, để Việt Nam chẳng những chỉ hòa nhập mà không hòa tan mà còn là niềm tự hào của dân tộc trong quá trình giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác trên thế giới.
Làm được như vậy tức chúng ta không chỉ phát huy, học hỏi những nét hay, nét đẹp của các nền văn hóa khác trên thế giới mà vẫn phát huy được bản sắc của dân tộc mình, niềm tự hào chính đáng của dân tộc mình, như Nguyễn Trãi đã từng hịch:
“Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên điều chủ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”
II. VỀ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Giáo dục đại học nói chung và giáo dục đại học Việt Nam nói riêng có nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực tri thức cho đất nước để bảo vệ phát huy và xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Giáo dục Đại học Việt Nam ra đời từ năm 1076 với việc thành lập Quốc tử giám của nước Đại Việt –Triều đại nhà Lý và ngày càng phát triển lớn mạnh cho đến ngày nay. Đặc biệt tại nước ta trong 20 năm đổi mới vừa qua, nền giáo dục đã vươn lên góp phần cung cấp cho xã hội người nhân lực tri thức góp phần thực hiện thành công các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay.
Tuy nhiên song song với những thành tựu trên, chúng ta vẫn còn tồn tại những yếu kém, bất cập đặc biệt là chiến lược và chất lượng đào tạo.
Nhìn sang nước bạn Singapore, một đất nước mới được tách ra từ Malaysia năm 1965 với dân số chưa đến 10 triệu dân trong đó 70% là người Hoa và 30% là người Ấn và Malaysia thế mà hùng mạnh đã thu hút hơn 10.000 sinh viên Việt Nam thuộc top đầu (tinh hoa) (từ các Trường chuyên, từ các em đạt giải toàn quốc và quốc tế..) vào học và theo thống kê đến nay hơn 95% các em trên điều không về nước phục vụ. Các du hoc sinh hoặc sinh viên Việt Nam hiện học ở quốc gia tiên tiến khác hiện nay tình trạng cũng tương tự. Đây là vấn nhức nhối mà ta cần phải xem lại cả 2 cấp quản lý Vi mô và Vĩ mô.
Chúng ta đều công nhận rằng đất nước có nhiều hiền tài là nhờ vào các cơ sở đào tạo hiền tài, và hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Do vậy, nền giáo dục Đại học Việt Nam cần có chiến lược đào tạo phù hợp để tạo được môi trường tích cực quy tụ và phát triển nhân tài cho đất nước là vấn đề cấp bách. Từ đó, cần đặt ra vấn đề đào tạo những tri thức với bản lĩnh của người Việt Nam, xem bản lĩnh văn hóa bản địa là hạt nhân cơ bản, duy lý xuyên suốt quá trình đào tạo tại các trường đại học.
Những trí thức Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay phải mang bản lĩnh, bản sắc và tinh hoa của người Việt Nam và các trường Đại học Việt Nam, phải là nơi đào tạo, tôi luyện và tỏa sáng các truyền thống văn hóa dân tộc, để làm sao các giá trị truyền thống bản địa của chúng ta chẳng những không bị hòa tan mà còn có cơ hội để quảng bá, phát triển những giá trị cao quý, những tinh hoa của văn hóa Việt ra thế giới.
Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 06-08-2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “ Trong mọi thời đại, trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá trí thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành đội ngũ đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”. Cùng với trí thức đã được đào tạo bằng nhiều con đường khác nhau đang hoạt động trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, các trường Đại học trong nước chính là nới đào tạo một đội ngũ trí thức đông đảo và chủ yếu phục vụ cho cho quá trình phát triển đất nước. Đội ngũ trí thức mà chúng ta kỳ vọng ở họ không chỉ giỏi về chuyên môn mà phải mang trong họ bản sắc và truyền thống văn hóa để họ mãi xứng đáng là trí thức của một dân tộc với một bề dày lịch sử về văn hóa và truyền thống, rất mực yêu thương, gắn bó với đồng bào mình, và còn luôn vẫn kiên cường, bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng một đất nước anh hùng:
“Đất nước của những người con gái, con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt
Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt.” (4)
Cơ sở giáo dục Đại học – nơi đào tạo ra lớp trí thức vừa hồng vừa chuyên hiện nay phải thực hiện cho kỳ được các yêu cầu trên. Chúng tôi đề nghị trước mắt cần thực hiện các nội dung cơ bản sau:
1. Giáo dục tôn trọng và giữ gìn các di sản văn hóa của dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Đảng, nhà nước vá nhân dân hết sức quan tâm đến việc giữ gìn các di sản văn hóa dân tộc, từ đó tạo tiền đề cần thiết để làm sống dậy một tiềm năng văn hóa, coi đó như là nguồn lực bên trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Thực tiễn hoạt động trong thời gian qua cho thấy cùng với những thành tựu to lớn đã đạt được vẫn còn những bất cập không nhỏ về quan niệm, về phương thức thực hành, về những hoạt động cụ thể trong đời sống kinh tế và xã hội, trong việc phát triển, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) đã định nghĩa di sản văn hóa và từ đó định ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và cho rằng: “ Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lỗi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa... coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (và dân gian), văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể”.
Với nhận thức, di sản văn hóa là sản phẩm sáng tạo trong quá trình hoạt động của con người nhằm vươn đến đỉnh cao giá trị chân-thiện-mỹ. Di sản văn hóa Việt Nam là sự kết tinh của các mối quan hệ, là hoạt động tương tác giữa môi trường-con người-xã hội, là sự vượt qua những thách đố quyết liệt bằng sự kiên trì, lòng dũng cảm, trí thông minh để giữ vững nền độc lập, khát vọng cao cả nhất của mỗi một dân tộc.
Việt Nam ta hiện nay đã được thế giới công nhận có rất nhiều di sản mang tầm quốc tế như quần thể cố đô Huế, thành nhà Hồ, Hoàng thành Thăng Long, thánh địa Mỹ Sơn..
Tuy nhiên, trong thời gian qua việc bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật của những di sản trên chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức. Vai trò về mặt giáo dục hệ tư tuởng văn hóa các giai đoạn lịch sử mà những di sản đang lưu trữ vẫn còn lu mờ, chưa quảng bá cũng như truyền tại đến đại bộ phận công chúng để tôn vinh và lưu truyền những giá trị vô giá của những di sản, di tích văn hóa, lịch sử, chúng ta cần những chiến lược cụ thể. Một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững là thông qua giáo dục. Giáo dục chính là kênh truyền thống có tính hiệu quả cao nhất. Đặc biệt là giáo dục Đại học, chính sinh viên là chủ nhân của đất nước. Thông qua những hoạt động ngoại khóa, những chương trình lồng ghép trong các môn học, dần dần đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc đến từng sinh viên- từng người chủ quốc gia.
Bác Hồ đã nói (1956)
Đại học chỉ đạo: tại minh minh đức, tại thân dân. (Học tập là con đường lớn, đi trên con đường ấy phải có đức trong sáng và phải phục vụ nhân dân)
2. Giáo dục lòng thành kính, tôn thờ tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục mình.
Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là thành kính, tôn thờ tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn những người đã sinh thành dưỡng dục mình. Thực chất những nét văn hóa, truyền thống đó, mang trong bản thân nó, ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc, xuất phát từ thiện tâm của mỗi con người và có sức nêu gương trong mỗi gia đình, trong một cộng đồng xã hội, thể hiện ra bên ngoài bằng việc thờ cúng tổ tiên.
Xét trên phương diện quốc gia, từ hàng ngàn đời nay người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng ông tổ chung của mình: Các vua Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh và ở từng địa phương người ta lập ra các đình, đền, miếu để thờ cúng những người có công với nước, với làng.Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ để thờ cúng tổ tiên, những người thân đã khuất. Đó là những việc làm cụ thể tỏ lòng thành kính, hiếu thảo biết ơn đấng sinh thành dưỡng dục cho mình và biến thành nét văn hóa đặc sắc mà trách nhiệm của từng cá nhân là tiếp tục duy trì và giáo dục cho thế hệ tiếp nối.
Bên cạnh nét văn hóa đặc sắc trên, người Việt luôn mang trong người tình gia đình, yêu đồng bào, yêu Tổ quốc, nó tồn tại và biểu hiện qua bao đời thông qua đời sống văn học như: ca dao, tục ngữ mà trách nhiệm của chúng ta là phải biết giữ gìn và phát huy.
3. Giáo dục việc giữ gìn nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhìn chung, các nhà sử học đã thống nhất cho rằng: Việt Nam có một cộng đồng văn hóa khá rộng lớn được hình thành vào khoảng nửa đầu thập niên kỷ thứ nhất trước công nguyên và được phát triển rực rỡ vào giữa thập niên kỷ này. Đó là cộng động văn hóa Đông Sơn. Các con đường phát triển khác nhau của văn hóa bản địa thuộc các khu vực khác nhau đã hội tụ lại, họp thành văn hóa Đông Sơn: Đây chính là nhà nước mang tính “phôi thai” ra đời, từ đó các bộ lạc nguyên thủy phát triển thành dân tộc.
Có thể nói toàn bộ lịch sử của văn hóa bản địa Việt Nam, đã tồn tại 3 lớp văn hóa chồng lên nhau đó là văn hóa bản địa, văn hóa giao lưu với Trung Quốc và lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Mặc dù giao lưu với các nền văn hóa khác, văn hóa của dân tộc Việt Nam đã trãi qua biết bao thử thách, chẳng những vẫn tồn tại vững chắc mà còn không bị văn hóa ngoại lai đồng hóa, biết sử dụng và Việt hóa các ảnh hưởng đó để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Trách nhiệm của chúng ta ngày nay là phải biết tiếp tục, giữ gìn, bảo vệ, và giáo dục truyền thống cho lớp lớp con cháu để dân tộc Việt Nam mãi mãi là dân tộc Việt Nam.
Thực tế vẫn tồn tại một số dấu hiệu lai căn và nổi cộm lên lên là cách hành xử của một bộ phần lớp trẻ con ngồi trên ghế nhà trường ngày nay mang tính đối lập với những giá trị nhân văn, giá trị đời sống tồn tại hàng ngàn năm của dân tộc. Một số sinh viên còn chạy theo trào lưu sống thử, sống thực dụng mà dần dần rời xa những giá trị của văn hóa văn tộc. Giáo dụv Đại học phải làm gì để kéo những tầng lớp thanh niên trên về với những giá trị cuộc sống chung của xã hội của dân tộc.
Chúng ta phải làm sao biến chương trình giáo dục từ 3 đến 5 năm ở các Trường Cao Đẳng, Đại học hiện nay thành thời gian rèn luyện đạo đức, tư duy, lối sống và bản lĩnh cho sinh viên. Để các em vào đời với đầy đủ hành trang của người công dân tốt, thông minh, cần cù, sáng tạo, có tính kỷ luật cao mang dáng dấp, tinh hoa của người Việt Nam và sẵn sàng đi lên phía trước vì sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, cũng như tạo đầy đủ các tiên đề tốt nhất để mọi người mọi lứa tuổi tham gia nghiên cứu, rèn luyện đạo đức và học tập suốt đời.
4. Giáo lòng yêu đồng bào, lòng yêu đất nước, lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.
Lòng yêu đồng bào, đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam:
“ Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Đức tính này là dòng chảy trong dòng máu của từng người Việt ,vì hạnh phúc của con người, vì sự phát triển toàn diện và hài hòa của con người. Lòng nhân đạo, bao gồm trong nó tình yêu thương người lớn đối với trẻ em, của người trẻ đối với người già, của người khỏe mạnh, lành lặn đối với người ốm đau, tàn tật, của người có hạnh phúc với người bất hạnh, đặc biệt là thái độ đối xử với kẻ thù, không kêu căng, không công thần, không kiêu binh v.v...
Lòng yêu nước cùng là một nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, thể hiện sâu sắc ở: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” chính là câu tục ngữ đã tồn tại từ lâu đời, thể hiện lòng yêu nước trước kẻ thù xâm lược. Lòng yêu nước là một tình cảm sâu sắc của con người đối với đất nước. Đó là nét văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau trong suốt chiều dài lịch sử.Trong xã hội có đối kháng giai cấp, lòng yêu nước cũng mang tính giai cấp và có mâu thuẫn.Trong xã hội phong kiến, quan niệm yêu nước đồng nghĩa với trung với vua, thậm chí trung quân là ái quốc. Tuy nhiên cần phân định rõ ràng, trong một số trường hợp trung quân một cách mù quáng mà trở thành phản quốc. Cùng với lòng yêu nước, một nét văn hóa đặc sắc cần phải được đề cao đó là chủ nghĩa tập thể. Chủ nghĩa tập thể là sự thống nhất của các cá nhân về những lý tưởng của con người. Đó là tình đồng bào, thái độ tôn trọng đối với phụ nữ và dành tình thương trong việc chăm sóc lẫn nhau, nhằm đảm bảo cho các cá nhân thành viên phát triển cao nhất phục vụ lợi ích của xã hội. Chủ nghĩa tập thể là cơ sở của chủ nghĩa nhân đạo chân chính, giúp cho sự thống nhất trí tuệ, tài năng của các cá nhân thành viên xã hội, tạo nên sức mạnh to lớn để ứng phó với mọi khó khăn, ứng phó với nguy cơ mất nước trước kẻ thù xâm lược.
Những nét văn hóa đặc sắc vừa nêu trên đã có từ ngàn xưa, duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Đòi hỏi chúng ta phải biết trân trọng, bảo vệ và phát huy trong hoàn cảnh mới, và coi đó là nét văn hóa đặc sắc cần giáo dục cho các thế hệ mai sau.
Ngoài ra lòng yêu thiên nhiên,thái độ đối với thiên nhiên cũng là biểu hiện của đạo đức, là cơ sở tạo điều kiện cho sự tồn tại và phát triển của xã hội, là nét văn hóa đã từng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc cần được duy trì và bảo vệ.” Lợi ích mười năm trồng cây lợi ích trăm năm trồng người” v.v...
5. Giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quan niệm tôn trọng phụ nữ, người lớn tuổi.
Việc hiếu học, tôn sư trọng đạo, đoàn kết vợ chồng, gia đình là truyền thống tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nền nông nghiệp lúa nước đã góp phần tích hợp các kinh nghiệm của các lão nông, trí, điền, và giai cấp quản lý xã hội qua Lệ và Luật; tạo nên tập quán tuyệt đẹp của một xã hội theo một trật tự thứ bậc, biết trân trọng người lơn tuổi và tôn trọng phụ nữ qua các hình ảnh các nữ anh hùng giỏi việc nước đảm việc nhà như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Nguyễn Thị Địnhv.v... thể hiện các hình ảnh dân gian sau:
- Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa
- Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh
- Hội nghị Diêm Hồng tập hợp ý kiến bô lão để có quyết sách trước kẻ thù (năm 1285 dưới thời nhà Trần) v.v...
- Hoặc Tiên học lễ, hậu học văn
- Kính thầy mới được làm thầy v.v...
6. Duy trì và bảo vệ văn hóa bản địa – văn hóa làng xã.
Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, chúng ta có thể tự hào mà nói rằng, văn hóa bản địa, văn hóa làng xã là tài sản vô giá của dân tộc, cần phải được giữ gìn, phát huy trên cơ sở sàn lọc, loại bỏ những gì phi văn hóa. Có thể nói văn hóa bản địa – văn hóa làng xã là những tinh hoa có khả năng tỏa sáng hình thành bản sắc văn hóa vốn có của người Việt suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn trong một bức thư gửi thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được công bố trước đây có đề cập: “... Tôi nghĩ rằng, tôn trọng và ứng dụng văn hoa địa phương, và coi đó là văn hóa Việt Nam... có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc...” lời nhắn nhủ đó rất có ý nghĩa khi chúng ta đang tập trung sự quan tâm đến bảo tồn văn hóa dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
III. THAY LỜI KẾT
Là người Việt Nam, chúng ta không thể không có lòng tự hào chính đáng về dân tộc mình với bề dày lịch sử về văn hóa làm cho người Việt Nam không thể pha lẫn với bất kỳ dân tộc nào và nhờ đó – nhờ sức mạnh văn hóa đã được trang bị - không thể đồng hóa với bất kỳ nền văn hóa nào, dù đã trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc và hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ, người Việt Nam luôn giữ cho mình một bản sắc văn hóa của riêng mình, không pha lẫn. Để giữ vững bản sắc và bảo tồn văn hóa Việt, điều có tầm quan trọng đặc biệt là phải “đong đầy văn hóa Việt” thông qua việc giáo dục, bảo tồn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa thuần Việt, cho tất cả những người Việt Nam yêu nước, đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên mà chúng ta đang đào tạo trong các trường Đại học.
“ Đong đầy văn hóa Việt” có nghĩa hễ người Việt Nam phải hiểu biết, yêu văn hóa dân tộc, trang bị kiến thức văn hóa dân tộc...coi đó là sức mạnh to lớn, biến nó thành sức mạnh vật chất ứng phó với bất kỳ những biến đổi, trước mọi sự thử thách qua thời gian. Giáo sư Đồ Đức Thái – vị giáo sư trẻ nhất trong hàng ngũ giáo sư của nước ta khi được phong và trước khi được phong giáo sư tại Việt Nam lúc 35 tuổi đã từng là giáo sư thỉnh giảng tại Pháp ở tuổi rất trẻ và hiện vẫn là giáo sư thỉnh giảng ở nhiều quốc gia, khi trả lời với báo chí đã tâm sự điều mà mỗi một người chúng ta cần suy nghĩ”... Tôi nghĩ nếu bạn muốn sống được ở một đất nước khác, ngoài năng lực làm việc, vốn ngoại ngữ, còn một thứ quan trọng nữa là bạn phải đong đầy văn hóa đất nước đó. Nhưng từ nhỏ, bố mẹ đã dạy chúng tôi yêu văn hóa Việt. Trong tôi đã đong đầy văn hóa Việt mất rồi, nên tôi chỉ có khả năng giao thoa với văn hóa của quốc gia khác chứ không còn chỗ chứa nó..”
Từ những suy nghĩ trên, chúng ta rút ra những gì? Đã là người Việt yêu nước thì phải trân trọng, dành tình yêu trọn vẹn cho văn hóa của dân tộc, phải biết lấp đầy văn hóa Việt, bằng nhiều con đường khác nhau để “nghìn năm ta vẫn là ta” và điều đó cũng đặc trách nhiệm lớn lao lên vai mỗi người và hệ thống giáo dục Đại học ở nước ta – nơi đào tạo ra những kẻ sĩ mới, những thanh niên của thời đại mang đầy đủ bản sắc, bản lĩnh văn hóa của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trong “Văn hóa và đổi mới” đã từng khẳng định rằng, văn hóa là một “nguồn lực mềm” có khả năng cùng với các nguồn lực khác khởi dậy và làm sống động sự phát triển nền kinh tế của mỗi nước”. Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo, người cho rằng: “Văn hóa là đổi mới, đổi mới là văn hóa” và đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa có vai trò cực kỳ to lớn trong sự nghiệp vĩ đại đó. Những tư tưởng lớn của người cần được nhận thức và đưa vào cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi, đặc biệt là những hoạt động thanh niên được lòng ghép vào những chương trình giảng dạy và hành động trong môi trường giáo dục Đại học Việt Nam. Trong đó, Văn hóa bản địa được tôn vinh và phát triển làm cốt lõi trong chương trình giáo dục Đại học trong thời kỳ mới, thời kỳ CNH, HĐH tại Việt Nam ngày nay./
-----------------------
(1) (3) Phạm Văn Đồng – Văn hóa và đổi mới – nhà xuất bản sự thật
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà Nội 1995, tập 3, trang 431