Phương pháp giúp đỡ sinh viên yếu kém, cá biệt tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
- Details
- Đăng ngày 10/08/2015 Lượt xem: 2751
PHƯƠNG PHÁP GIÚP ĐỠ SINH VIÊN YẾU KÉM, CÁ BIỆT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ CÔNG NGHIỆP LONG AN
TS. LÊ ĐÌNH VIÊN
CT.HĐQT- HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐH KTCN LONG AN
Trước hết cần phải xác định rằng để đào tạo những sinh viên yếu hoặc các biệt thành những sinh viên ra trường đạt chuẩn đầu ra phục vụ tốt cho người sử dụng lao động là một công việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhà trường phải có nhiều biện pháp, phải kiên trì, phải đầu tư công sức tâm và trí so với gấp 2 thậm chí gấp 3, 4 lần so với việc đào tạo những sinh viên khá và giỏi. Và đây cũng là nhiệm vụ vô cùng vinh quang mà các trường đại học và cao đẳng đặc biệt là các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập phải đảm nhận chẳng những đã góp phần lớn và việc nâng cao dân trí và chất lượng của đội ngũ lao động trí thức trong xã hội mà còn tạo ra những phương pháp sáng tạo mới trong công tác và rèn luyện lao động, giáo dục con người.
Thực tế số sinh viên học tập yếu kém và sinh viên cá biệt là trở ngại chủ yếu trong quá trình nâng cao chất lượng đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Số sinh viên học tập yếu kém và cá biệt nhiều hay ít ở các trường đại học và mức độ tiến bộ của số sinh viên nói trên nhanh hay chậm tùy thuộc phần lớn đến các phương pháp được sử dụng trong quá trình giảng dạy và quản lý.
I. Giúp đỡ sinh viên yếu kém vươn lên học tập
Mặc dù cũng hưởng thụ nội dung đào tạo giống nhau nhưng ở mỗi sinh viên đều có sự phát triển thể chất và trí tuệ khác nhau, có điều kiện sống và sự quan tâm chăm sóc của gia đình khác nhau, có động cơ và thái độ học tập khác nhau… dẫn đến năng lực học tập, khả năng tiếp thu kiến thức của mỗi một sinh viên cũng khác nhau.
Mọi người đều thừa nhận rằng, để sinh viên có thể tự mình vươn lên trong học tập chúng ta phải làm sao giúp sinh viên xác định đúng đắn động cơ học tập để tự chủ, tự giác trong học tập có hiệu quả. Thực trạng một số sinh viên, yếu kém do trình độ phân tích, tổng hợp, chăm chỉ không cao nên chưa mạnh dạng trong học tập, hiểu không sâu và dễ dàng bỏ qua những gì chưa thật hiểu.Mặc khác, ít chú ý và học tập vào bài giảng của thầy cô giáo, thời gian sử dụng vào việc học tập không nhiều, thường vắng một số buổi lên lớp, dẫn đến tiếp thu kiến thức không được liên tục, trình độ tư duy và vốn kiến thức còn nhiều hạn chế dẫn đến dễ chán nản, thụ động tiêu cực…
Với đối tượng sinh viên trên, nhà trường đã có những phương pháp thích hợp theo từng nhóm đối tượng như sau:
Xác định vị trí và vai trò quan trọng của cố vấn học tập, nhà trường phân công giáo viên có năng lực, có kiến thức vững vàng, có đạo đức, có tâm huyết và có kinh nghiệm để phụ đạo giúp đỡ cho từng nhóm sinh viên yếu kém. Dạy phụ đạo sinh viên yếu kém, với tâm lý sư phạm, kiên trì và lâu dài, dùng các biện pháp kích thích, động viên, tìm hiểu hoàn cảnh khó khăn cụ thể của sinh viên để cùng sinh viên hoặc báo cáo lãnh đạo nhà trường tìm cách giúp đỡ. Làm sao khơi dậy trong sinh viên yếu kém lòng tự tin và hứng thú trong học tập và ý chí vượt các khó khăn để tiến bộ.
• Thông qua cố vấn học tập
Cố vấn học tập đi sâu vào sinh viên trong việc phụ đạo sinh viên yếu kém bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Trực tiếp trao đổi với sinh viên yếu kém trong từng môn học cụ thể. Có thể sinh viên yếu kém không phải ở tất cả các môn học mà với những môn học cụ thể nào đó. Cố vấn học tập có trách nhiệm trao đổi với sinh viên yếu kém về phương pháp học tập, giải thích lại những gì mà sinh viên yếu kém chưa thật hiểu, giúp sinh viên yếu kém nắm vững kiến thức trong từng môn học cụ thể, và quan trọng hơn cả là phải khơi dậy sinh viên yếu kém lòng say mê trong học tập.
• Giảng viên đứng lớp:
Là người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho sinh viên, cần thiết tìm kiếm phương pháp giảng dạy có hiệu quả. Với nhận thức rằng, giảng viên là người chủ đạo trong việc khắc phục hiện tượng sinh viên yếu kém và thành công hay thất bại có phần lớn trách nhiệm thuộc về giảng viên đứng lớp. Vai trò của thầy cô giáo hết sức quan trọng, được ví như một huấn luyện viên trường. Trong thực tế, nhiều sinh viên học yếu không tự nhận mình, không hiểu bài hoặc hiểu không đến nơi đến chốn những kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Do vậy, cần thiết phải theo dõi phản ứng của sinh viên để có biện pháp giải quyết phù hợp.
Trong giảng dạy, thầy cô cần khuyến khích sinh viên phát biểu khúc mắc cá nhân và nhận ra những lý do và cách giải quyết vấn đề đó, nhận biết sớm những nhược điểm của sinh viên và có phương pháp phù hợo. Thầy cô cần nhận biết sớm những nhược điểm của sinh viên thông qua các bài kiểm tra và kiểm tra đầu giờ ở mỗi buổi học. Thầy cô cũng cần tiếp cận, gần gũi và lắng nghe một cách chân thành các ý kiến của sinh viên và chú ý vào các phản hồi của họ, giúp đỡ sinh viên thiết lập kế hoạch làm việc với những mục tiêu thực tế, tạo điều kiện để sinh viên đạt được kết quả tốt phù hợp với chính bản thân sinh viên đó.
Cần khắc phục có hiệu quả hệ thống câu hỏi thiếu tính gợi mở, dẫn dắt không logic, chưa phù hợp với từng đối tượng. Cũng cần khắc phục hiện tượng giảng viên còn hơi lan man, ngoài lề, chưa tập trung vào kiến thức trọng tâm. Việc sử dụng công cụ dạy học trực quan, sách giáo khoa còn hạn chế, chưa xử lý hết các tình huống trong trích dẫn, phương pháp giảng dạy tích cực cũng là những hạn chế cần khắc phục. Bên cạnh đó, giáo viên còn phải quan tâm bao quát sinh viên trong lớp học trong đó chú trọng những sinh viên yếu, tạo mọi điều kiện tốt cho sinh viên phát huy v.v…
Sinh viên có năng lực học tập yếu là một tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau và việc khắc phục hoặc hạn chế hiện tượng này đòi hỏi phải được xử lý từ nhiều phía.
Đối với sinh viên: phải làm sao cho sinh viên đi học chuyên cần, chỉ nghỉ học khi có lý do chính đáng, phải tự học và tự nghiên cứu những vấn đề phát sinh. Trong giờ học sinh viên phải tập trung nghe thầy cô giảng bài và đưa ra những câu hỏi hoặc phản biện những nội dung mình không thống nhất.
Đối với giáo viên: Cần nhận thức giáo viên là người chủ đạo trong việc khắc phục sinh viên yếu kém thành hay bại một phần lớn là do giáo viên. Chính vì lẽ đó, vai trò của giáo viên hết sức quan trọng trong dạy học và do vậy, có ý nghĩa quyết định đến khắc phục hoặc hạn chế hiện tượng sinh viên yếu ở các trường Đại học. Giáo viên phải làm sao cho sinh viên hiểu và tiếp thu những điều mà mình đã giảng dạy và biết phát triển ra trong thực tế.
Nhà trường có trách nhiệm tìm triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo các hướng dẫn cụ thể có liên quan đến công tác phụ đạo, giúp đỡ sinh viên yếu kém bằng các biện pháp khác như hình thành đội ngũ cố vấn học tập và thường xuyên kiểm tra chất lượng của đội ngũ này về tính hiệu quả của nó. Cũng có thể tổ chức, các hình thức phụ đạo sinh viên yếu kém không phải mất tiền đối với từng môn học, đối với 1 số ít sinh viên quá yếu phải tổ chức kèm cập thậm chí theo tỷ lệ 1-1 hoặc 1-2 v.v…
Các đoàn thể và gia đình: đặc biệt là đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các câu lạc bộ giúp sinh viên học tập nhóm, làm việc nhóm, hình thành tác phong đoàn kết và hỗ trợ tập thể, cá nhân v.v… Gia đình cần phối hợp với các đoàn thể nhà trường để giúp sinh viên vượt qua rào cản tiêu cực.
Với các hướng nêu trên, hy vọng sẽ hạn chế hoặc khắc phục từng bước có hiệu quả hiện tượng sinh viên yếu kém.
II. Một số biện pháp giáo dục sinh viên cá biệt
Khái niệm sinh viên cá biệt được hiểu đó là những, sinh viên có cá tính khác biệt so với bình thường: hướng hiểu lập dị, thiếu hợp tác với thầy cô, ngủ trong giờ học, cúp tiết giảng, gây gỗ với bạn bè, dựa vào người thân coi thường nội quy trường lớp, phát biểu linh tinh, vô lễ, thậm chí bịa đặt chuyện, nói láo, ngỗ ngáo v.v…
Nhìn chung, sinh viên cá biệt là những sinh viên thường có sự bất thường về tính cách, không có động cơ học tập, tâm lý không ổn định…
Để giúp đỡ sinh viên cá biệt, giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò hết sức to lớn. Như ta đã biết, sinh viên cá biệt ở trường nào cũng có. Thực ra, sinh viên cá biệt không nhiều nhưng lại là lực cản rất lớn trong giáo dục và đào tạo, thậm chí họ là thế lực “đen” đe dọa , khống chế những nhân tố tích cực dám đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ điều tốt trong môi trường giáo dục.
Việc giáo dục sinh viên cá biệt là cả một quá trình kiên trì, sáng tạo của giáo viên chủ nhiệm. Ở mỗi trường hợp sinh viên cá biệt, người giáo viên chủ nhiệm sẽ có những cách giải quyết riêng, cụ thể. Dù theo cách nào, cũng cần tìm hiểu kỹ hướng, sâu sát để từ đó, có phương pháp giáo dục phù hợp, phải “chẩn” đúng bệnh để dùng loại thuốc “đặc trị” mới có thể cải biến được sinh viên cá biệt.
Giáo viên chủ nhiệm, cần phân loại sinh viên trong lớp để nắm được em nào là sinh viên cá biệt, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sinh viên cá biệt và phân loại sinh viên cá biệt. Cần nhận thức rằng, bản chất của con người là tốt đẹp “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, nhưng quá trình trưởng thành họ chịu ảnh hưởng của những yếu tố tiêu cực trong gia đình, xã hội…biến họ trở thành sinh viên cá biệt, vậy ai, cái gì đã làm cho sinh viên đã trở thành cá biệt đây là công việc không đơn giãn đòi hỏi rất nhiều công phu và trước hết là cần đến cái “tâm” của người thầy. Người giáo viên chủ nhiệm phải điều tra tỉ mỉ, nhiều lần gặp nhiều người để tìm ra nguyên nhân sâu xa và có biện pháp có hiệu quả để giáo dục.
Khi ta tìm ra nguyên nhân, người giáo viên chủ nhiêm sẽ tìm ra biện pháp để giáo dục. Việc giáo dục sinh viên cá biệt có thể mỗi người có một cách khác nhau nhưng một nguyên tắc chung, phải được tôn trọng là phải sử dụng lòng yêu thương, không ghét bỏ, từ đó có phương pháp giáo dục mềm dẻo linh hoạt, cần có sự gần gũi sinh viên cá biệt.
Việc giáo dục sinh viên cá biệt là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” của người thầy. Giáo viên chủ nhiệm phải nhẫn nại, tỉ mỉ, thương sinh viên và rất cần một phương pháp đúng đắn. Hãy xem việc giảng dạy sinh viên cá biệt như là một thử thách nghề nghiệp cần vượt qua, đừng bao giờ coi đó là một “tai nạn” khi được giao chủ nhiệm một lớp có sinh viên cá biệt. Việc giáo dục sinh viên cá biệt có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào người thầy, người thầy tha thiết yêu nghề và nhiệt tâm với sự nghiệp đào tạo con người.
Phần lớn sinh viên cá biệt có ý thức tổ chức, kỷ luật không tốt, không ý thức được nhiệm vụ học tập của mình. Vì vậy, các em không có thói quen tự giác, việc đi học chỉ là đối phó, đi học chỉ có mặt mà không nhận thức được học để làm gì, có tác dụng như thế nào đối với tương lai của chính mình, do vậy, thầy giáo chủ nhiệm cần cho sinh viên thấy được tác dụng của việc học tập nghiêm túc, liên quan đến hiện tại và tương lai của họ.
Thầy cô chủ nhiệm là người thường xuyên chú ý, quan tâm, đi sâu, đi sát lớp mà mình là giáo viên chủ nhiệm và thực hiện tốt các biện pháp sau đây đối với sinh viên cá biệt.
Không nên có cái nhìn kỳ thị, thái độ khó chịu, ghét bỏ, coi thường, nhận xét, quở mắng sinh viên cá biệt trước lớp. Không nên nhìn sinh viên cá biệt với thái độ dò xét chỉ để thấy khuyết điểm, mặt xấu của các em. Không nên dùng danh từ sinh viên cá biệt trước đám đông, đừng tách các em ra khỏi lớp, cô lập các em trước lớp.
Cần có sự quan tâm gần gũi, tìm hiểu sinh viên cá biệt. Phần lớn sinh viên cá biệt rất cần một điểm tựa tinh thần đáng tinh cậy để có thể bộc bạch, sẽ chia, tâm sự những khó khăn, những nỗi niềm, riêng tư thầm kín. Thầy cô, sẽ trở thảnh những người bạn lớn của các em. Người giáo viên chủ nhiệm nên lắng nghe những tâm tư các em và cũng nên giữ kín những tâm sự đó, để các em tin tưởng mà bộc bạch. Hãy nhìn các em với ánh mắt bao dung của người mẹ, sự cảm thông và thấu hiểu của người bạn thân thiết.
Thầy cô hãy nhẹ nhàng phân tích những ưu khuyết điểm, những đúng sai trong nhận thức và hành động của các em, hãy giúp các em nhận ra lỗi lầm của mình và tạo cho các em cơ hội sửa chữa và phát triển về mặt tích cực. Có 1 số sinh viên cá biệt còn là nguồn gốc của sự phát triển quá mạnh nhưng không đúng hướng tạo nên những cơn lốc mạnh vi hành, nếu biết hướng dẫn sự phát triển này tiến về mục tiêu đã chọn có thể ta sẽ đạt được những thành quả bất ngờ.
Cần nhớ rằng, sinh viên cá biệt dù khó giáo dục đến đâu thì bên trong các em vẫn luôn tiềm ẩn những nhân tố, những phẩm chất tích cực. Nếu có một phương pháp đúng, ta vẫn có thể làm thức tỉnh các em, khôi phục niềm tin cho các em để chính các em thấy rằng, mình không kém cõi để từ đó vứt bỏ được sự tự ti, mặc cảm, chủ động hội nhập với các bạn và tập thể lớp. Hãy tìm ra điểm mạnh các em để có thể phát huy vì phần lớn các em có sự sỉ diện là khá lớn.
Thầy cô hãy nhìn vấn đề theo hướng tích cực, hãy tạo cho các em một lối thoát, một cơ hội để đi ra và đi lên. Trân trọng những tiến bộ của các em, dù là nhỏ nhất, mạnh dạng biểu dương nhưng việc làm tốt, dù là rất nhỏ.
Hãy tôn trọng quyền lựa chọn, quyết định của các em trong phạm vi cho phép, không nên áp đặt thô bạo với các em, không xúc phạm, làm tổn thương danh dự các em trước tập thể , thận trọng khi phát ngôn với sinh viên cá biệt rất nhạy cảm.
Thầy cô hãy cố gắng điềm tĩnh, biết tự kiềm chế trước những hành động sai trái của sinh viên cá biệt, coi đức tính điềm tĩnh, tự kiềm chế của thầy cô là quá trình tiếp xúc, giáo dục sinh viên cá biệt.
Phải mềm dẻo linh hoạt khi giáo dục sinh viên cá biệt, nhưng đòi hỏi đi đôi với việc làm và tuyệt đối không được phép hứa suông, đã nói thì phải quyết thực hiện, phải là tấm gương cho các em noi theo.
Trên đây là những biện pháp quan trọng trong quá trình giáo dục sinh viên cá biệt. Có người cho rằng việc giáo dục sinh viên cá biệt là ảo tưởng. Sự thực không phải như vậy, việc giáo dục sinh viên cá biệt là việc làm cực kỳ khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, tâm huyết với sự nghiệp trong người của các thầy cô nhưng cũng là vinh quang của thầy cô. Người giáo viên chủ nhiệm phải biết nhẫn nại, tỉ mỉ yêu học trò của mình và rất cần sử dụng các phương pháp có hiệu quả. Hãy coi sinh viên cá biệt như là một thử thách nghề nghiệp phải vượt qua để tiến tới.
Việc giáo dục sinh viên cá biệt có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều chẳng những vào người thầy, mà còn sự hợp tác của phụ huynh và xã hội. Cần có sự tích cực phối hợp giữa nhà trường và học đường để tìm ra được đúng nguyên nhân và từ đó mới tạo ra các động lực tích cực cho chính sinh viên.
Trường đại học Kinh tế Công nghiệp Long An tuy mới ra đời và hoạt động trong một thời gian còn ngắn, nhưng cũng giống như các trường đại học khác, xuất hiện hiện tượng có 1 số sinh viên cá biệt ở các lớp kể cả các hệ đào tạo thuộc các chuyên ngành khác nhau đã và đang là những nỗi băn khoăn, trăn trở của nhà trường. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã và đang sử dụng nhiều biện pháp giáo dục sinh viên cá biệt như trên và qua thời gian, đã đem lại những kết quả tích cực: Số sinh viên yếu kém và sinh viên cá biệt vươn lên trở thành sinh viên học khá và sinh viên cá biệt trở thành bình thường ngày càng tăng, chất lượng ngày càng được nâng cao và do đó, uy tín của nhà trường từng bước được xác lập trong thực tế. Không bằng lòng với kết quả đã đạt được, chúng tôi tự thấy cần cố gắng hơn nửa để mãi được xã hội, cha mẹ sinh viên tin tưởng về một cơ sở đào tạo đại học trong nhiều năm liền được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng khen, phấn đấu để trở thành một địa chỉ tin cậy đối với cha mẹ sinh viên gửi gắm con em của mình, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Thực hiện triết lý giáo dục của trường: “Tri hành đạt nhân”.