Vì mục tiêu nâng cao dân trí
- Details
- Đăng ngày 20/10/2020 Lượt xem: 3527
Thời gian qua, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) không ngừng đổi mới, phát triển. Điều kiện dạy và học tại vùng sâu, biên giới ngày càng được quan tâm, rút ngắn khoảng cách với vùng thuận lợi, từ đó chất lượng GD tăng theo từng năm, góp phần nâng cao dân trí của toàn tỉnh Long An.
Học sinh Trường THPT Phan Văn Đạt truy cập Internet tra cứu thông tin tại thư viện, minh chứng cho khoảng cách về điều kiện học tập tại vùng sâu so với vùng thuận lợi dần được rút ngắn
Nâng cao chất lượng giáo dục
Trước đây, điều kiện dạy học của các trường tại vùng sâu, vùng xa, biên giới gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, qua từng năm, các trường được quan tâm đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đồng thời, các trường cũng nỗ lực vượt qua khó khăn, tồn tại, từng bước nâng cao chất lượng GD&ĐT của đơn vị mình. Đặc biệt, các trường có cấp THPT luôn nỗ lực giữ vững và nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THPT đậu vào các trường đại học có uy tín.
Nhiều năm nay, Trường THPT Phan Văn Đạt (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) luôn phấn đấu vượt qua những khó khăn trước mắt, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng năm học. Trong công tác giảng dạy, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho HS thực hành, vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Nhờ những đổi mới ấy, HS hứng thú học tập hơn. Đối với HS lớp 12, trường chủ động trong công tác ôn tập cho HS theo lựa chọn môn thi, năng lực của các em. Theo đó, HS được ôn tập trái buổi học chính khóa. Những HS yếu được tăng cường phụ đạo; HS giỏi được hướng dẫn để bổ sung kiến thức nâng cao. Trong quá trình học, giáo viên theo sát từng em và kịp thời động viên, giúp đỡ khi các em cần.
Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Đạt - Nguyễn Duy Hùng chia sẻ: “Đầu vào lớp 10 của trường khá thấp tạo áp lực cho giáo viên bộ môn trong công tác giảng dạy. Do đó, trường rất chú trọng công tác ôn tập, phụ đạo HS, đặc biệt là HS lớp 12 nhằm giúp các em ít nhất là có thể đậu tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, trường cũng quan tâm công tác bồi dưỡng HS giỏi, giúp các em chinh phục ước mơ vào đại học”.
Nhờ đặc biệt chú trọng công tác ôn tập cho HS lớp 12, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Phan Văn Đạt luôn được giữ vững và nâng cao. Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường đạt 100% và có nhiều HS đậu vào các trường cao đẳng, đại học.
Lê Nhựt Huy - cựu HS Trường THPT Phan Văn Đạt, tâm sự: “Nhờ sự tận tình của thầy cô, em đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đặc biệt là khối A0 - khối em dùng điểm xét đại học. Theo đó, em đạt Toán 8,6 điểm, Hóa 9 điểm, Vật lý 8 điểm. Với số điểm ấy, em đậu vào ngành Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Đây cũng là ngành, trường mà em đặt mục tiêu trước đó”.
Nhờ sự nỗ lực của các trường, đặc biệt là trường thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh ngày càng tăng. Cụ thể như, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2015-2016 đạt 88,81% đến năm học 2019-2020 đạt 99,64%.
Ngăn dòng bỏ học
Để nâng cao dân trí, các trường học, chính quyền địa phương đã nỗ lực trong thực hiện công tác phổ cập giáo dục (PCGD) đối với thanh niên trong độ tuổi từ 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương.
Những năm qua, ngành GD&ĐT tích cực tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu, rộng đến các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tham gia và thực hiện tốt công tác PCGD đối với đối tượng thanh niên trong độ tuổi từ 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của công tác PCGD cho thanh niên trong độ tuổi từ 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng. Các trường THCS thực hiện tốt công tác phân luồng HS, tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho HS để có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân và điều kiện gia đình. Đặc biệt, các trường học, nhất là trường có cấp THPT nỗ lực trong công tác giảm tỷ lệ HS lưu ban, bỏ học, từ đó nâng cao chất lượng PCGD đối với thanh niên trong độ tuổi từ 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương.
Tại Trường THCS và THPT Hậu Thạnh Đông (huyện Tân Thạnh), Ban Giám hiệu giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quan tâm, theo sát HS. Những HS có biểu hiện nản trong học tập, muốn nghỉ học là trường can thiệp ngay. Những HS có hoàn cảnh khó khăn, trường vận động hỗ trợ học bổng, quà; HS yếu thì giáo viên theo sát phụ đạo. HS nghỉ học không phép, trường báo ngay với phụ huynh và tìm hiểu nguyên nhân. Khi HS có ý định bỏ học luôn, trường đến nhà vận động và tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương để cùng vận động nếu HS chưa ra lớp lại.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Hậu Thạnh Đông - Nguyễn Văn Hồ chia sẻ: “Mặc dù chủ động mọi công tác nhằm ngăn dòng bỏ học của HS, đặc biệt là HS THPT nhưng mỗi năm trường vẫn có HS có ý định nghỉ học. Do đó, nếu vận động hết sức có thể nhưng HS và gia đình vẫn kiên quyết nghỉ học thì trường tiếp tục vận động HS học nghề, không để HS tham gia lao động sớm mà không có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương”.
Nhờ sự nỗ lực của các trường học, địa phương, kết quả PCGD đối với thanh niên trong độ tuổi từ 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương của tỉnh ngày một nâng cao, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Theo đó, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi từ 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương năm 2015 đạt 73,52% và năm 2020 ước đạt trên 80% (đạt chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra).
Đó là những việc làm thiết thực nhằm nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng, góp phần phát triển KT-XH của toàn tỉnh./.
Theo Ngọc Thạch
https://baolongan.vn/vi-muc-tieu-nang-cao-dan-tri-a104107.html