Người thầy đam mê nghiên cứu khoa học
- Details
- Đăng ngày 15/01/2021 Lượt xem: 54320
Tâm huyết, nhiệt tình, luôn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo công trình nghiên cứu khoa học là nhận xét của nhiều người khi nói về Thạc sĩ Thái Doãn Ngọc - Phó Trưởng khoa Kỹ thuật Công nghệ, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp (KTCN) Long An.
Thầy Thái Doãn Ngọc luôn tận tình hướng dẫn các đề tài nghiên cứu cho sinh viên
Đam mê nghiên cứu
Tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Mở TP.HCM, từng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau ở trong và ngoài nước nhưng rồi cơ duyên đã đưa thầy Thái Doãn Ngọc (SN 1975) gắn bó với Trường Đại học KTCN Long An.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Ngọc cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Mở TP.HCM, tôi công tác tại TP.HCM. Làm được vài năm, tôi sang Singapore làm việc. Tôi sinh sống và làm việc tại nước ngoài khoảng 7 năm. Trong quá trình công tác, tôi gặp được một đồng hương, thế là chúng tôi cùng ấp ủ giấc mơ trở về Việt Nam. Chúng tôi muốn đem những điều mà bản thân đã học và tích lũy được để chia sẻ với các bạn trẻ. Cơ duyên đã đưa tôi về công tác tại Trường Đại học KTCN Long An”.
Tâm huyết, nhiệt tình, luôn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo các công trình nghiên cứu khoa học là nhận xét của đồng nghiệp khi nói về thầy Ngọc. Những sáng kiến của thầy Ngọc đều được đánh giá cao về ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả cao, nổi bật phải kể đến mô hình Tưới nước dinh dưỡng chính xác. Được biết, để mô hình ra đời, thầy Ngọc và đồng nghiệp đã mất quá trình 18 tháng để nghiên cứu và đưa vào thực tiễn.
Chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu, thầy Ngọc bộc bạch: “Trong quá trình sinh sống và làm việc tại Singapore, tôi được tiếp cận với nền nông nghiệp hiện đại của nước bạn. Ngoài ra, tôi còn nghiên cứu về nền nông nghiệp của Israel và một số nước châu Âu. Tôi nhận thấy việc đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ giúp nông dân (ND) phát triển nông nghiệp bền vững và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đã đến lúc ND cần thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình Tưới nước dinh dưỡng chính xác sẽ tính toán được lượng nước cần tưới, việc tưới nước sẽ được vận hành theo đúng lịch trình đã lên. ND có thể theo dõi quá trình tưới, cũng như các thông số về cây trồng, thời tiết, đất trồng bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Đến nay, mô hình được áp dụng trên địa bàn các huyện: Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành”.
Theo thầy Ngọc, mô hình này sẽ giúp ND tưới nước được đều hơn so với phương pháp tưới thủ công trước đây; đồng thời, giúp tiết kiệm được kinh phí sản xuất. Mô hình này có thể áp dụng trên cây ngắn ngày, cây lâu năm, hệ thống nhà màng. Ngoài ra, năm 2014, thầy cùng với đồng nghiệp xây dựng phần mềm Sổ tay ghi chép điện tử VietGAP. Đây là loại sổ tay giúp ND có thể ghi chép lại quá trình sản xuất một cách tiện lợi, nhanh chóng; đồng thời, có thể tra cứu và xem lại thông tin trong tích tắc.
Đánh dấu cho những nỗ lực không ngừng của bản thân, năm 2012-2013, thầy Ngọc đoạt giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (đồng tác giả cùng với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tuấn); năm 2020, thầy được UBND tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực cống hiến
Được trò chuyện cùng thầy Ngọc, chúng tôi cảm nhận được những trăn trở của một người thầy, người nghiên cứu luôn muốn cống hiến cho cộng đồng. Chia sẻ về mô hình Tưới nước dinh dưỡng chính xác và phần mềm Sổ tay ghi chép điện tử VietGAP, thầy Ngọc cho hay: “Mặc dù đã được triển khai ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh và mang lại những hiệu quả nhất định nhưng số ND áp dụng mô hình còn hạn chế. Thực tế cho thấy, đa phần ND đều là người lớn tuổi nên vẫn ngại trong thay đổi tư duy và cách làm mới, đặc biệt là ngại tiếp xúc với công nghệ. Thời gian tới, hy vọng ND sẽ dần thay đổi tư duy, người trẻ quan tâm đến làm nông nghiệp nhiều hơn; đồng thời, mạnh dạn mang khoa học và công nghệ ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Long An sẽ có thật nhiều chương trình đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn cho ND”.
Thầy Thái Doãn Ngọc (thứ 3 từ phải qua) được UBND tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chính sách hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ trên địa bàn tỉnh
Song song đó, với lòng yêu nghề, sự nhiệt tình, tâm huyết của một giáo viên, thầy Ngọc luôn muốn mang đến cho sinh viên (SV) những điều tốt nhất. Dưới sự hướng dẫn của thầy Ngọc, SV Trường Đại học KTCN Long An đã đoạt giải ý tưởng sáng tạo với dự án Máy rửa tay diệt khuẩn thông minh tại cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp năm 2020.
“Tôi đang phát triển sân chơi robot tại Trường Đại học KTCN Long An. Hiện tại, sân chơi thu hút trên 40 SV. Sân chơi không chỉ là nơi giúp các em thỏa sức sáng tạo mà còn góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết của SV trong trường. Mong muốn lớn nhất của tôi hiện nay là SV sẽ hiểu về công nghệ và mang chúng ứng dụng vào cuộc sống” - thầy Ngọc cho biết thêm.
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học KTCN Long An, cho biết, thầy Ngọc rất yêu nghề, giỏi chuyên môn, luôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Thầy rất đam mê nghiên cứu, đặc biệt là về công nghệ thông tin. Thầy Ngọc luôn tìm tòi, nghiên cứu để cống hiến cho giáo dục và cộng đồng. Những sáng kiến của thầy đều được đánh giá cao về ứng dụng thực tiễn./.
Theo Nguyễn Dung
https://baolongan.vn/nguoi-thay-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-a108260.html