Mực nước biển có thể dâng thêm 40 cm vào năm 2100
- Details
- Đăng ngày 21/09/2020 Lượt xem: 3603
(Chinhphu.vn) - Theo kịch bản khí phát thải vẫn ở mức cao, tình trạng băng “bốc hơi” ở Nam Cực sẽ khiến mực nước biển tăng thêm 30 cm vào cuối thế kỷ này và tình trạng tan băng tại Greenland “đóng góp” thêm 9 cm.
Theo kịch bản khí phát thải vẫn ở mức cao, tình trạng băng “bốc hơi” ở Nam Cực sẽ khiến mực nước biển tăng thêm 30 cm vào cuối thế kỷ này và tình trạng tan băng tại Greenland “đóng góp” thêm 9 cm. Mực nước biển tăng như vậy sẽ có tác động “hủy diệt” trên toàn thế giới khi làm gia tăng sức tàn phá của tình trạng nước dâng do bão và khiến các vùng duyên hải, vốn là nơi sinh sống của hàng trăm triệu người, liên tục chìm trong những trận lũ lụt nghiêm trọng. Ngay cả trong kịch bản lượng khí phát thải thấp hơn, tình trạng băng tan ở Greenland sẽ khiến mực nước các đại dương dâng thêm khoảng 3 cm vào năm 2100.
Nghiên cứu trên một lần nữa nhấn mạnh tác động của khí thải đối với các đại dương trên thế giới trong thế kỷ này. Ông Anders Levermann, một chuyên gia về khí hậu và băng thuộc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), nhận định: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta càng khiến nhiệt độ hành tinh ấm lên thì lượng băng sẽ càng mất đi nhiều hơn. Nếu chúng ta thải nhiều carbon vào bầu khí quyển, chúng ta sẽ mất nhiều băng hơn ở Greenland và Nam Cực”. Ông kết luận cuối cùng, mực nước biển dâng nhanh hay chậm và dâng thêm bao nhiêu tùy thuộc vào hành động của con người.
Năm ngoái, Greenland mất tới 532 tỷ tấn băng - một con số kỷ lục, tương đương lượng nước chứa trong 6 bể bơi thi đấu Olympic chảy vào Đại Tây Dương mỗi giây. Lượng nước băng chảy ra biển này chiếm 40% mực nước biển dâng vào năm 2019. Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã dự đoán tình trạng băng tan ở Greenland có thể khiến mực nước biển tăng thêm từ 8 đến 27 cm vào năm 2100, trong khi con số "đóng góp" của Nam Cực là từ 3 đến 28 cm.
Theo BT