Sử dụng cánh tay robot và xe tự hành để bốc dỡ hàng hóa
- Details
- Đăng ngày 10/09/2020 Lượt xem: 3473
Đó là mô hình sáng tạo của Nguyễn Võ Chấn Huy cùng 2 bạn sinh viên lớp Điện tử công nghiệp, Trường Cao đẳng Tiền Giang.
Mô hình này được Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII (2019 - 2020) xét chọn tham dự Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc.
Huy cho biết, trong quá trình học môn Vi điều khiển, sử dụng robot để thực hành môn học, Huy nảy sinh ý tưởng sử dụng ý cánh tay robot kết hợp với xe tự hành để bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa từ phân xưởng sản xuất lên phương tiện vận tải để cung ứng cho thị trường.
Tác giả lắp ráp mô hình.
Sau hơn 2 tháng miệt mài nghiên cứu, cùng với sự giúp sức của 2 bạn sinh viên cùng lớp (Đoàn Tuấn Nguyên và Lê Huỳnh Nhựt Tân), Nguyễn Võ Chấn Huy đã hiện thực hóa ý tưởng của mình và cho ra đời mô hình “Sử dụng cánh tay robot và xe tự hành để bốc dỡ hàng hóa”.
Về vận hành, khi xe tự hành di chuyển vào vị trí dự kiến lấy hàng (phân xưởng hay kho sản xuất), robot 1 sẽ bốc hàng chất lên xe. Sau đó, thông qua cảm biến quang dò đường, xe tự hành di chuyển theo len đường thiết kế đến vị trí tập kết. Tại đây, robot 2 sẽ bốc hàng từ xe tự hành lên phương tiện vận tải chờ sẵn để vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ. Thông qua cảm biến, khi di chuyển đến vị trí trạm robot, xe tự hành sẽ tự động dừng lại để cánh tay robot bốc hàng lên hoặc dỡ hàng xuống; đồng thời, khi xe đi ra khỏi cổng lấy hàng, vi điều khiển truyền tín hiệu và báo số lượng hàng hóa lên màn hình của bộ đếm sản phẩm.
Tác giả thuyết trình về sự vận hành của mô hình.
Theo Huy, trong quá trình thực hiện mô hình, Huy chịu trách nhiệm chính về thiết kế phần cứng, phần mềm, thiết kế mạch vi điều khiển để điều khiển robot, xe tự hành, bộ đếm sản phẩm và led 7 đoạn. Các công đoạn, phần việc khác do 2 bạn Đoàn Tuấn Nguyên và Lê Huỳnh Nhựt Tân hỗ trợ. “Khi thực hiện mô hình, khâu viết chương trình điều khiển là khó nhất, em phải mất nhiều thời gian nghiên cứu việc sử dụng các câu lệnh đơn lẻ theo hướng dẫn trên mạng Internet rồi tích hợp, viết thành chương trình hoàn chỉnh và phải chỉnh đi, chỉnh lại nhiều lần mới hoàn thiện” - Huy chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Tuyền, Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Tiền Giang cho biết: “Trong quá trình thực hiện mô hình, tôi chỉ gợi ý, định hướng hoạt động của robot để em Huy tự nghiên cứu, viết ra chương trình điều khiển; đồng thời, hỗ trợ khi em gặp khó khăn, nhất là một số vấn đề thuộc lĩnh vực vi điều khiển. Mô hình này có thể được ứng dụng trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp, nhất là trong môi trường nặng nhọc, độc hại (hóa chất, nhiệt độ cao…) để thay thế sức người”.
Mô hình này gồm có mạch điều khiển Arduino và động cơ servo (điều khiển sự vận hành và các khớp cánh tay của robot); xe chở hàng tự hành (sử dụng động cơ điện 1 chiều); cảm biến quang dò đường; bộ đếm sản phẩm (sử dụng vi điều khiển, led 7 đoạn và 2 led thu, phát)… |
Theo Hồng Yến