Chuyển đổi số giảm chi phí logistics
- Details
- Đăng ngày 21/09/2020 Lượt xem: 3472
Hiện hoạt động vận tải chiếm khoảng 55%-65% chi phí logistics, cao nhất trong các dịch vụ
Tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2020 vừa được tổ chức tại TP HCM, cơ quan quản lý, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều giải pháp chuyển đổi số (CĐS) nhằm thúc đẩy giao thông vận tải, logistics phát triển. Giao thông vận tải và logistics thuộc 8 lĩnh vực được xác định ưu tiên CĐS trong Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Tăng sức cạnh tranh cho logistics
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, bản chất của logistics là tối ưu hóa các dòng lưu chuyển hàng hóa qua nhiều công đoạn, trong thời công nghệ 4.0 thì CĐS là chìa khóa liên kết và tối ưu hóa từng công đoạn, từng dịch vụ. Theo các chuyên gia, sự phát triển của hệ thống cảng biển Singapore và Hồng Kông - những nơi đã và đang thống trị trong danh sách cảng biển container nhộn nhịp nhất thế giới vài thập kỷ qua - thành công một phần nhờ sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và khai thác cảng biển. Ở Việt Nam, Công ty Tân Cảng Sài Gòn sau khi áp dụng thành công hệ thống phần mềm quản lý container tại cảng Cát Lái (TP HCM) đã giảm nhiều thời gian chờ, lấy hàng khỏi cảng, góp phần vào việc giải tỏa tắc nghẽn tại cảng này.
Hoạt động giao nhận hàng hóa tại cảng Sài Gòn Ảnh: TẤN THẠNH
Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so với GDP quốc gia năm của Việt Nam vẫn còn khá cao (18%/năm 2017) so với các nước phát triển (chỉ 9%-14%). Do đó, cần cắt giảm chi phí qua ứng dụng công nghệ số hóa. Ngành logistics TP HCM bước sang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng được phiên bản số của hệ sinh thái logistics, giúp cơ quan quản lý hoạch định chiến lược quản lý, phát triển phù hợp, phát hiện và chủ động tháo gỡ khó khăn, bất cập trong lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn. Theo ông Vũ Kiêm Văn, Giám đốc công nghệ thông tin Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), đơn vị này đang xây dựng nền tảng bản đồ Vmap và cơ sở dữ liệu địa chỉ theo thời gian thực về định vị, dữ liệu về địa chỉ, gán mã cho địa chỉ đến hộ gia đình. Nền tảng mã địa chỉ bưu chính có khả năng số hóa, định vị chính xác vị trí địa chỉ của khách hàng nhằm cung cấp thông tin cho DN trong các ngành, lĩnh vực, dịch vụ cần "tìm" khách hàng. Giải pháp này góp phần tối ưu hóa việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa từ người gửi đến người nhận của DN bưu chính, vận tải, logistics, thương mại điện tử… nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh của DN.
Hiện xu hướng CĐS trong lĩnh vực logistics tập trung vào 3 nhóm: tự động hóa và số hóa quá trình lưu thông hàng hóa từ hệ thống quản lý kho hàng, vận tải, truy xuất trực tuyến tình trạng đơn hàng; các công nghệ định danh tự động như sử dụng mã vạch hoặc sóng radio; số hóa hệ thống quản trị nguồn lực dùng để thu thập, phân tích, lập kế hoạch về nhu cầu nguyên vật liệu sản xuất tương ứng với sản lượng hàng hóa cần cung cấp ra thị trường.
Số hóa hoạt động vận tải
Tại chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics được định hướng sẽ phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, đường cao tốc, quốc lộ. Đồng thời, CĐS dữ liệu các hạ tầng logistics như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện qua hồ sơ số, cấp và quản lý giấy phép người điều khiển phương tiện số…
Theo các chuyên gia, hoạt động vận tải là mắt xích quan trọng trong lưu thông hàng hóa, tác động trực tiếp đến hiệu quả của logistics trong xuất nhập khẩu lẫn thương mại điện tử. Hiện hoạt động vận tải chiếm khoảng 55%-65% chi phí logistics, cao nhất trong các dịch vụ. Dữ liệu hành trình của các phương tiện vận tải đã được áp dụng. Tuy nhiên, việc khai thác, phân tích dữ liệu này thành những căn cứ, đề xuất để đưa ra những quyết định liên quan đến quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành hay khu vực trung chuyển hàng hóa… vẫn chưa được khai thác. Nằm trong lộ trình CĐS của TP HCM, việc số hóa hoạt động vận tải cần được khai thác nhiều hơn với nhiều giải pháp đồng bộ gắn giữa giao thông và vận tải. Chẳng hạn, xây dựng dữ liệu chung lưu trữ và số hóa quản lý tập trung dữ liệu hành trình của các phương tiện giao thông, vận tải để điều chỉnh về quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành, khu vực trung chuyển hàng hóa, giờ giấc ưu tiên. Khai thác giải pháp giám sát hình ảnh bằng camera hỗ trợ công tác đo đếm lưu lượng giao thông, cảnh báo các khu vực có thể kẹt xe…
Bà Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc điều hành Công ty CP beGroup - đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe be, đề xuất các giải pháp beMobility - dịch vụ tích hợp di chuyển thông minh trên ứng dụng. Tính năng beMobility sẽ tích hợp tất cả nhu cầu di chuyển của người dân với các phương tiện công cộng vào cùng một ứng dụng (app), giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu trải nghiệm người dùng. Với những người không ở gần bến xe buýt, metro, nhà ở sâu trong ngõ, hẻm, beMobility sẽ giúp họ tìm kiếm các phương tiện giao thông khác để chở họ đến trạm xe buýt, metro… Tất cả việc tìm kiếm, mua vé, thanh toán cho toàn bộ lộ trình với nhiều phương tiện khác nhau sẽ được thực hiện trên cùng một ứng dụng và với một lần.
Đồng thời, hệ thống này cũng có thể tập hợp dữ liệu lớn, sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, dự đoán các điểm ùn tắc, lên phương án điều hướng giao thông… nhằm giảm tải lưu lượng lớn xe cộ di chuyển trong cùng địa điểm, phân tích tính hiệu quả của tuyến đường dành cho phương tiện công cộng, tăng hiệu quả kinh tế.
Xây dựng trung tâm phân loại hàng hóa tự động, chia sẻ Theo các chuyên gia, trong điều kiện quỹ đất có hạn và để giảm chi phí đầu tư, các DN cần tối ưu hóa năng suất, công suất dịch vụ kho bãi và xếp dỡ hàng hóa, hướng tới trung tâm phân loại hàng hóa tự động chia sẻ, dùng chung cho nhiều DN như sử dụng robot để phân loại, chia chọn hàng hóa đến điểm trung chuyển nhỏ thuộc hệ thống hoặc chuyển sang kho của bên thứ 3. Hiện chỉ riêng 4 sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Sendo, Lazada đã có 38 trung tâm phân phối và điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn TP với tổng diện tích trên 110.000 m2. |
Theo Linh Anh
https://nld.com.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so-giam-chi-phi-logistics-20200919214146027.htm