Truyền thông thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng
- Details
- Đăng ngày 19/09/2020 Lượt xem: 3511
(Chinhphu.vn) – Một “hợp phần” quan trọng để nghiên cứu ứng dụng thành công là truyền thông. Đây là sợi dây kết nối giữa nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sử dụng.
Thảo luận các khó khăn, vướng mắc và những giải pháp thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp.
Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” do báo Nhân Dân phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức ngày 18/9.
Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên cho biết, thực tế thời gian qua, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19, khoa học và công nghệ đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
“Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, nhưng đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong nghiên cứu ứng dụng. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhu cầu sở hữu các công nghệ hiện đại của doanh nghiệp tăng đòi hỏi các nhà khoa học định hướng các nghiên cứu của mình để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn. Nhà khoa học cần đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối với doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời để đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm khoa học và công nghệ”, ông Quế Đình Nguyên nói.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam Chu Hoàng Hà cũng cho rằng, một “hợp phần” quan trọng để nghiên cứu ứng dụng thành công là truyền thông. Đây là sợi dây kết nối giữa nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sử dụng.
PGS. TS. Chu Hoàng Hà cho hay, những năm qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được Chính phủ giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo cán bộ có trình độ cao.
Gần đây nhất, Nature index đã xếp hạng các nghiên cứu của Việt Nam trong đó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước.
Đối với công tác ứng dụng và triển khai công nghệ Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả đáng kể. Liên tục trong ba năm trở lại đây Viện luôn được cấp lượng văn bằng SHTT lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Mỗi năm, Viện Hàn lâm có 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, và số lượng tăng lên hằng năm. Nhiều kết quả nghiên cứu tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng song lại có tính ứng dụng rất cao.
“Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, ảnh hưởng và làm thay đổi mọi phương pháp, hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống. Nếu không nắm rõ sự vận động chúng ta có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý và vận hành đất nước”, PGS, TS Chu Hoàng Hà khẳng định.
Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung chính: Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, đời sống và đề xuất cơ chế chính sách để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.
Các nhà khoa học đã giới thiệu nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao như: Kết quả quan trắc động đất cảnh báo sóng thần; Kết quả giám định AND hài cốt liệt sĩ; Hệ thống xử lý thải bệnh viện, nhà máy; Hệ thống phòng thí nghiệm về môi trường, dioxin, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường không khí...
Các kiến nghị và đề xuất các giải pháp nêu ra tại Tọa đàm sẽ được báo Nhân Dân chuyển tải đến các cơ quan chức năng để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đang đặt ra hiện nay về đổi mới sáng tạo quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cốt lõi phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, các chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết viện, trường với doanh nghiệp, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh…
Theo Thu Cúc
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Truyen-thong-thuc-day-nghien-cuu-ung-dung/408012.vgp