Phổ điểm thi đánh giá năng lực có thể dùng để tốt nghiệp hoặc vào đại học
- Details
- Đăng ngày 11/06/2015 Lượt xem: 1633
(GDVN) - Đây là quan điểm của ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ngày 9/6, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức công bố số liệu thống kê điểm bài thi của thí sinh tại đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực bậc đại học năm 2015.
Phổ điểm bài thi đánh giá năng lực dựa trên điểm thi thực tế của hơn 43.000 thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học chính quy đợt 1 vào Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trung tâm Khảo thí cũng thực hiện thống kê cụ thể về số lượng thí sinh đạt từ 70/140 điểm trở lên và phân theo những mức khác nhau.
Theo đó, có hơn 30.000 thí sinh đạt mức điểm trung bình 70/140 điểm trở lên. Trong đó, có hơn 27.000 thí sinh đạt mức điểm từ 70-99 điểm. Số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên là hơn 3.200 thí sinh.
Thống kê điểm của thí sinh đạt từ 70 điểm trở lên ở bài thi đánh giá năng lực.
Đánh giá về phổ điểm của Kỳ thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua, ông Lê Viết Khuyến – Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam), nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là một phổ điểm rất đẹp. Phổ điểm đẹp chứng tỏ mức phân hóa rất cao.
Theo ông Khuyến, với phổ điểm này có thể vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
“Phổ điểm này cho thấy trên 70% học sinh đạt điểm trên trung bình, theo tôi nghĩ Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng chỉ nên lấy mức tốt nghiệp với tỷ lệ như thế, chứ không phải là trên 90%.
Với 70% này thì những trường hạng thấp cũng có thể căn cứ để lấy vào đại học được, còn những trường tốp trên đã có sự phân hóa và lấy ở ngưỡng cao” ông Khuyến cho biết.
Qua việc công bố phổ điểm như thế này, ông Khuyến khẳng định đây là một kỳ thi có chất lượng tốt. Theo đề nghị của ông Khuyến thì Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới cũng cần công bố phổ điểm để toàn xã hội có cái nhìn khách quan nhất.
Xuân Trung
Theo Gíao dục Việt Nam