Học sinh chọn thi Sử có gì sai?

          (GDVN) - Ai cũng biết rằng học lịch sử và văn hóa dân tộc giúp cho việc duy trì và xây dựng truyền thống, tạo dựng niềm tự hào dân tộc. LTS: Tầm quan trọng của việc học Sử đã được xã hội nói nhiều,bên cạnh lựa chọn học những ngành cần thiết cho cuộc sống như Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế, Khoa học tự nhiên thì việc hiểu và biết về lịch sử sẽ giúp con người tự hào và biết về nòi giống của mình nhiều hơn.

          Bài viết dưới đây của cô giáo dạy Lịch sử Trường THPT FPT Nguyễn Thị Thanh Ngọc cho thấy tầm quan trọng của phương giáo giáo dục, vai trò của người thầy và định hướng của xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới việc học sử.

          Tạo dựng niềm tự hào dân tộc, nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh “Thế giới phẳng” và các văn hóa mới đang hàng ngày xâm lấn. Nhưng thực tế là học sinh ngày càng thờ ơ, thậm chí chán ghét với môn học Lịch sử.

          Thế nhưng vẫn có những nơi môn Lịch sử thực sự được coi trọng và học sinh yêu mến. Lý do vì sao? Góc nhìn của một giáo viên Lịch sử sẽ giúp độc giả hình dung ra việc dạy Lịch sử sẽ trở nên lý thú như thế nào?

          Xin bắt đầu bằng thông tin của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã công bố ngày 20/5/2015 về danh sách thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2015 với 1.004.484 thí sinh, trong đó thứ tự số lượng các môn từ thấp đến cao là Toán (959.299), Văn (937.304), Ngoại ngữ (743.067) đến các môn tự chọn Lý (407.867), Hóa (459.310), Địa ( 386.941) Sinh (283.033), Sử (153.688).

Kiến giải về con số thí sinh đăng kí môn Lịch sử vẫn xếp cuối bảng, đã có hai luồng ý kiến cơ bản.

          Thứ nhất, lịch sử là một môn khô khan, khó học và không thực tế.

          Khô khan bởi các mốc lịch sử, các con số… thiếu tính kết nối. Khó học vì bản chất môn học là học thuộc lòng và phải ghi nhớ chính xác các sự kiện mà không gắn liền với trực quan và cảm nhận thực tế. Không thực tế vì khả năng ứng dụng vào đời sống gần như là không có, sinh viên ra trường rất khó xin việc…

          Thứ hai, giáo viên là người có ảnh hưởng lớn trong việc truyền tải kiến thức lịch sử đến học sinh nhưng chưa làm tốt vai trò của mình.

          Ở điểm thứ nhất, tôi đồng ý rằng xã hội đang nặng yếu tố thực dụng nhưng không đồng ý lịch sử là môn lý thuyết chỉ ghi lại các mốc khô khan. Thực tế, môn lịch sử làm được nhiều điều hơn thế nếu coi lịch sử như một kênh để dạy những kỹ năng quan trọng thời nay như viết, tư duy có phân tích phê phán, lập luận, và kiến thức công nghệ.
Hãy cho phép và khuyến khích học sinh kiểm tra lại những đánh giá của giáo viên để rèn luyện tư duy phản biện. Thêm vào đó, giáo viên không nên phạt những lỗi sai hay việc các em nộp bài muộn quá khắt khe mà hay luôn khích lệ học sinh kịp thời.

          Vì mục đích cuối cùng là học sinh nắm vững kiến thức và đó cũng là động lực cho các em tiếp tục cố gắng phát huy tối đa những tiềm năng của mình. Và chúng ta đừng gắn mác cho con cái học khối C để kiếm một việc tốt, mà để con tự chọn niềm đam mê của mình, con tự phát triển những kĩ năng cần thiết để có một công việc tốt không phải chỉ giỏi chuyên môn.

hoc sinh chon thi su co gi sai

Một giờ học lịch sử của học sinh THPT FPT. Học sinh tìm hiểu về trang phục các quốc gia cổ đại,
tự mình vẽ tay và trình bày bài làm của nhóm.

          Nếu đến thăm buổi báo cáo dự án lịch sử của học sinh khối 10 trường THPT FPT, chắc hẳn phụ huynh sẽ vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi chứng kiến cách học sinh ở đây học môn lịch sử. Không còn là việc học thuộc lòng, học sinh ở đây biến các bải giảng lịch sử khổ khan thành các trò chơi điện tử, vở kịch tự diễn, clip sáng tạo...

          Tôi thấy rất thích thú với clip khám phá Kim Tự Tháp Gisa Ai Cập được thể hiện thông qua game Minecraft của một nhóm học sinh nam. Các em dùng kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa kết hợp với kiến thức tìm hiểu được trên internet, sau đó tìm cách dựng Kim Tư Tháp, lăng mộ Pharaoh...

          Lê Huy Thành – trưởng nhóm kể rằng “em muốn làm một điều gì đó mới mẻ ở môn lịch sử, qua đây em còn học được cách dựng tháp Pharaoh như thế nào, cách dẫn dắt câu chuyện trong clip cho người xem dễ hiểu”…Học sinh được tự do khám phá kiến thức lịch sử dưới sự quan sát và hướng dẫn của giáo viên.

          Sản phẩm của các em có thể chưa hoàn hảo nhưng trong quá trình tìm tòi, làm ra sản phẩm học sinh đã thu nạp được lượng kiến thức cho chính bản thân mình mà không phải nhồi nhét, học thuộc lòng con số, dữ liệu khô khan. Thực sự các học sinh được đặt mình trong bối cảnh thực tế của lịch sử. Người học ở đây đã tạo nên sự khác biệt bằng những kiến thức học được và tận dụng những kĩ năng truyền thông của thế kỉ 21.

          Một giờ học lịch sử của học sinh THPT FPT. Học sinh tìm hiểu về trang phục các quốc gia cổ đại, tự mình vẽ tay và trình bày bài làm của nhóm.

Vai trò của giáo viên ở đâu?

          Tôi đồng ý rằng vai trò của người thầy giáo, cô giáo trong việc truyền tải những kiến thức lịch sử là quan trọng.

          Bằng phương pháp đổi mới trong giáo dục, học qua dự án, gắn liền sự kiện lịch sử với những vấn đề đương đại… giáo viên có thể không cần dùng đến phương pháp học thuộc lòng truyền thống.

          Tôi rất tâm đắc quan điểm giảng dạy của Bruce Lesh-một giáo viên lịch sử khá nổi tiếng, ông là nhà đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Lịch sử tại Đại học Maryland, Baltimore County, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Lịch sử Quốc Gia, và được Hiệp hội Sử gia Hoa Kỳ vinh danh là Giáo viên phổ thông của năm 2008.

          Ông Lesh cho rằng: “Giáo viên rất vô lý nếu hy vọng học sinh có thể ghi nhớ được lâu những điều không có liên hệ trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của các em. Giáo viên nên cố gắng kết nối các bài học lịch sử với hiện tại, và nhấn mạnh hơn nữa vào những bài học mà các sai lầm lịch sử mang lại.

          Giáo viên nên đánh giá học sinh thông qua điều các em có thể làm được từ kiến thức của các em hơn là lượng thông tin có thể ghi nhớ được trong bài thi”.

          Khi dạy Lịch sử nước Mỹ, ông bắt đầu mỗi bài giảng học bằng cách đưa ra những liên hệ gần gũi với hiện tại. Theo ông, việc chỉ ra lịch sử lặp lại như thế nào hấp dẫn học sinh không kém gì nói về những lỗi lầm của nhân loại.

          Đền Pa-tơ-nông được dựng thành mô hình của nhóm học sinh khối 10 THPT FPT.

          Áp dụng vào việc dạy lịch sử ở Việt Nam, giáo viên nên bắt đầu mỗi bài giảng bằng cách nêu những liên hệ gần gũi với hiện tại hoặc một số trường như THPT FPT đã áp dụng phương pháp đóng kịch tương tác, đảo ngược tình huống, phản biện lịch sử...

          Ví dụ khi học về Tổng khởi nghĩa tháng Tám, giáo viên có thể đưa ra vấn đề về may rủi trong thi cử, sau đó lật ngược lại vấn đề bàn về thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945 ở Việt Nam, một số sử gia tư sản cho rằng: đó là một sự “ăn may” vì nó diễn ra trong điều kiện “trống vắng quyền lực”, còn các nhà sử học của chúng ta thì khẳng định: thành công của cách mạng tháng Tám không phải là sự “ăn may”. Vậy, em đồng ý với ý kiến nào? Tại sao?

          Quay lại câu hỏi ban đầu học sinh chọn thi Sử có gì sai? Câu trả lời là học sinh hoàn toàn đúng. Giáo viên là nhân tố cốt lõi, hãy bằng phương pháp giáo dục khơi gợi ở học sinh đam mê khám phá lịch sử, mở rộng hơn là khám phá khoa học xã hội và áp dụng vào cuộc sống thường ngày.

          Với một tư duy giáo dục đúng đắn thì có lẽ sẽ không có học sinh lười học mà chỉ có các nhà giáo dục chưa thành công.

Nguyễn Thị Thanh Ngọc

Theo Gíao dục Việt Nam

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​