Ngóng thí sinh trong vô vọng
- Details
- Đăng ngày 21/09/2015 Lượt xem: 2572
Nguy cơ “vỡ trận” của các trường tốp dưới đã trở thành sự thật khi đến hạn cuối của đợt 2 xét tuyển nguyện vọng bổ sung vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu
Dù thông báo tuyển đến 3.000 chỉ tiêu hệ ĐH và 400 chỉ tiêu CĐ, xét tuyển cả những thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lẫn xét tuyển bằng học bạ nhưng trong bảng cập nhật danh sách xét tuyển mới nhất của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, chỉ có 92 thí sinh của cả 2 hệ nộp hồ sơ. Dù đã đến hạn cuối nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 (ngày 21-9) nhưng các trường ĐH, CĐ vẫn dài cổ ngóng thí sinh.
Vẫn băn khoăn: Thí sinh đi đâu?
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, cho hay kết thúc 2 đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, nhà trường mới chỉ tuyển được 383 thí sinh. Đợt 2, thí sinh chỉ đến lác đác. Qua 5 ngày đầu của đợt này, chỉ 25 thí sinh đến nộp hồ sơ nhưng trong đó, chắc chắn có không ít thí sinh ảo.
Thí sinh lác đác đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 tại một trường ĐH ở TP HCM
Ảnh: TẤN THẠNH
Trường CĐ Sư phạm trung ương cũng chịu chung số phận hẩm hiu khi có tới 460 chỉ tiêu còn thiếu nhưng số đến nộp hồ sơ chỉ vài chục. Đáng buồn hơn là Trường CĐ Công nghiệp In, năm nay chỉ tuyển 150 chỉ tiêu nhưng mới có 30 thí sinh trúng tuyển từ các đợt xét tuyển trước. Suốt một nửa thời gian xét tuyển bổ sung đợt 2, chờ mỏi mắt mà trường vẫn không nhận được hồ sơ xét tuyển nào.
Với phương thức tuyển sinh như năm nay, các trường ĐH, CĐ hoàn toàn rơi vào thế bị động, không biết thí sinh có đến với mình không và bao nhiêu em sẽ chọn trường mình. Câu hỏi được rất nhiều trường đặt ra trong suốt 3 đợt xét tuyển từ ngày 1-8 đến nay là thí sinh đi đâu mà không đến trường?
Theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả tuyển sinh ĐH, CĐ là 726.693, trong khi tổng số chỉ tiêu vào ĐH năm 2015 của cả nước khoảng hơn 439.000. Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán khi điểm sàn ĐH là 15 đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi thì 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15.
So với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển, số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần. Tuy nhiên, trên thực tế, số thí sinh đủ điều kiện xét tuyển và có nhu cầu học so với số chỉ tiêu tuyển sinh chỉ nhỉnh hơn một chút. Với mức này thì việc tuyển sinh của các trường tốp dưới sẽ rất khó khăn.
Không cố kiếm 1 chỗ học không phù hợp
Đạt 17,75 điểm khối D, thí sinh Phạm Thị Mai (Bắc Ninh) trượt ngành mình yêu thích là du lịch ở cả Trường ĐH Thương mại Hà Nội lẫn Viện ĐH Mở. Tuy nhiên, thay vì xét tuyển vào một trường trong hàng chục trường ĐH còn đang thiếu chỉ tiêu, Mai lại quyết định trở về quê ôn thi để sang năm thi lại vì không muốn vào trường nào khác.
Trường hợp của thí sinh Phạm Thị Mai không phải là hiếm trong mùa tuyển sinh năm nay. Xu hướng này cũng lý giải một phần thắc mắc của các trường là năm nay, thí sinh đi đâu mà không đến học?
“Một thực tế năm nào cũng nói, đó là các trường ĐH vét cạn nguồn tuyển dù chất lượng đào tạo hạn chế. Nhìn vào con số sinh viên thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ĐH thì rõ ràng phụ huynh và thí sinh phải “tỉnh” ra. Họ hiểu rằng việc học lấy một cái nghề còn hơn cố kiếm bằng ĐH ở một trường không nhiều uy tín” - một chuyên gia tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội lý giải.
Một lãnh đạo của Trường CĐ Bách Việt cho rằng bên cạnh việc thí sinh thận trọng để chọn trường phù hợp với mình thì có lẽ một bộ phận không nhỏ đã quyết định chờ thi lại năm sau để chọn trường phù hợp. Với phương thức tuyển sinh như năm nay, vào ĐH không phải là chuyện khó bởi chỉ cần xét học bạ, thí sinh cũng có thể đậu. Tuy nhiên, chính vì dễ như vậy nên thí sinh sẽ phải cân nhắc kỹ việc chọn ngành nghề yêu thích, ngành nghề ra trường dễ kiếm việc và phù hợp với điều kiện bản thân, hoàn cảnh gia đình.
“Khi tôi hỏi thì sinh viên của tôi phần lớn đều cho rằng mối quan tâm lớn nhất của các em là có việc làm sau khi ra trường. Trường nào chất lượng đào tạo thấp thì dù học phí thấp, các em cũng không học” - giảng viên một trường ĐH ở Hà Nội cho hay.
Rào cản học phí Một lý do nữa không thể phủ nhận là mức học phí khá cao của các trường ngoài công lập xét tuyển trong đợt này cũng khiến nhiều thí sinh phải… chùn chân. Đường đến trường của sinh viên nông thôn sẽ ngày càng khó khăn với mức học phí cao gấp nhiều lần các trường công lập. Bài toán kinh tế thực sự quá khó khăn cho phụ huynh, thí sinh khi đặt chân vào các trường này, trong khi tương lai ra trường có việc làm kiếm tiền trả nợ là quá xa vời với họ. Điều này lý giải tại sao chỉ những trường uy tín mới thực sự hút thí sinh như ở đợt xét tuyển đầu tiên. |
Theo YẾN ANH/Nld.com.vn