"Học gì, làm gì khi là sinh viên năm nhất?"


         (GDVN) - Khi đã trở thành người đi làm, bạn nhận ra quãng thời gian ở trường Đại học hay Cao đẳng thật tuyệt vời.
         LTS: Nhân dịp năm học mới vừa bắt đầu, tác giả Ce Phan chia sẻ một vài trải nghiệm của bản thân quanh chủ đề: “Học gì, làm gì khi là sinh viên năm nhất?” tới bạn đọc.

         Phải nói ngay là quãng thời gian là sinh viên là một trải nghiệm rất tuyệt vời, khi mà bạn chỉ đến trường vài giờ mỗi ngày và gần như chắc chắn bạn sẽ có nhiều hơn 1 ngày nghỉ trong tuần.

         Phần lớn sinh viên đều không nhận ra là mình may mắn hơn so với học sinh cấp 2, cấp 3 hoặc những người đã đi làm. Các bạn hay than phiền rằng mình không có tiền và phải làm nhiều bài tập.

         Nhưng khi đã trở thành người đi làm, bạn sẽ nhận ra quãng thời gian ở trường Đại học hay Cao đẳng thật tuyệt vời. Trong khi đó, so với học sinh ở các cấp phổ thông thì phải chịu đựng những môn học chán ngắt và nhiều khi còn mang tính ép buộc.

         Tôi xin chia sẻ một vài trải nghiệm của bản thân quanh chủ đề: “Học gì, làm gì khi là sinh viên năm nhất?”:

         1. Hãy cẩn thận với niềm vui chiến thắng

         Còn gì vui hơn đối với một học sinh vừa hoàn thành chương trình THPT bằng một giấy báo trúng tuyển Đại học, Cao đẳng. Có lẽ một vài tuần chia vui với bạn bè, người thân là không đủ với các bạn.

         Mang tâm trạng phấn chấn và niềm vui cộng hưởng khi trở thành tân sinh viên tìm thấy nhau trong một môi trường mới góp thêm nhiều lý do để các bạn có những buổi tiệc tùng trong những tháng đầu tiên bước vào cánh cửa Đại học, Cao đẳng

"Học gì, làm gì khi là sinh viên năm nhất?" (Ảnh: news.zing.vn)

         Mình đã nhận một kết quả thật tồi tệ ngay trong học kỳ đầu tiên với 6/7 môn học bị điểm F ở lần thi đầu tiên. Nhưng may mắn thay, mình đã vượt qua ở lần thi thứ 2 (những năm 2000, các trường Đại học vẫn chưa xây dựng chương trình học theo tín chỉ, sinh viên có thể thi lần 2, lần 3 mà chỉ cần đóng phí khoảng 10.000 đồng /lần thi).

         Tuy nhiên, số điểm đạt được trong lần thi thứ 2 cũng cũng chỉ ở mức trung bình, mình đã phải nỗ lực rất nhiều trong những học kỳ sau để cải thiện điểm số.

         Các bạn có thể dành ra một vài tuần đầu tiên để có những buổi chia vui với bạn bè mới. Tuy nhiên, hãy tập trung học nhiều hơn vào khoảng thời gian giữa kỳ để đảm bảo bạn nhận được một khởi đầu tương đối ổn ở học kỳ đầu tiên.

         2. Nên có người yêu trong quãng đời sinh viên

         Đây là một trong những điều bạn nên có trải nghiệm khi là sinh viên. Có người yêu không hẳn là một trở ngại gì lớn cho việc học, mà trái lại bạn sẽ luôn có tâm lý tốt cho mỗi hoạt động của mình. Bạn có lý do tốt để dậy sớm, có lý do tốt để học giỏi, có lý do để nghiêm túc hơn với việc nhà, có trách nhiệm với bản thân và người khác.

         Hơn nữa, không sớm thì muộn rồi bạn sẽ có người yêu là lập gia đình trong tương lai, như vậy tại sao không bắt đầu biết đến trải nghiệm tình yêu khi còn là sinh viên. Đảm bảo, bạn sẽ là những chàng trai, cô gái rất chững chạc và tự tin khi quen một ai đó trong giai đoạn sau khi tốt nghiệp.

         Hãy thử tưởng tượng bạn luống cuống như thế nào khi mới yêu lần đầu !? Hãy thử trải qua những sự ngây ngô đó ngay từ khi bạn đặt chân vào môi trường Đại học, Cao đẳng.

         Tôi đã quá nghiêm trọng mọi chuyện lên và nghĩ khá tiêu cực về tình yêu sinh viên, do đó mãi tới quãng thời gian sắp “ra trường” mới bắt đầu yêu.

         Khi đó, tôi đã rất hối tiếc vì 2-3 năm trước đó tôi đã gần như uổng phí thời gian với những trò vui vô bổ như: chơi game online, bida, hoặc thậm chí là chơi bài.

         Việc dành thời gian cho một người yêu tích cực hơn rất nhiều những hoạt động khác. Có thể bạn tìm ra một vài điểm tiêu cực khác về chuyện yêu đương, nhưng chắc chắn bạn sẽ hài lòng khi đã tìm thấy có người chia sẻ buồn vui với mình.

         3. Học hay làm thêm khi bạn là sinh viên năm nhất

         Bạn dễ dàng tìm thấy nhiều lời khuyên về việc học hay tìm việc làm thêm khi bạn trở thành sinh viên Đại học, Cao đẳng.

         Thật không dễ để bạn tin vào một lời khuyên nào đó ở thời điểm hiện tại. Chỉ chăm chú vào việc học, hay kiếm một công việc bán thời gian ngay trong năm nhất đều mang lại cho bạn những trải nghiệm và kết quả khác biệt.

         Với trải nghiệm bản thân, mình sẽ nêu ra một số kết quả để bạn có thể tham khảo, liệu như thế nào sẽ phù hợp nhất với bạn:

         Dành thời gian nhiều cho việc học và đọc sách sẽ hình thành thói quen và nghiên cứu tài liệu khi bạn bước vào những năm học sau.

         Để xây dựng thói quen ngồi vào bàn học với những cuốn sách mỗi ngày sẽ khó lòng có được khi bạn bước vào năm học thứ 2, thứ 3 trở đi.

         Đọc sách không nhất thiết đọc những tài liệu liên quan tới chuyên ngành mà bạn theo học. Những cuốn tiểu thuyết, sách kinh doanh, tập san, hình ảnh, …

         Nếu bạn có anh, chị hoặc bố mẹ hướng dẫn, có lẽ việc học một kỹ năng nào đó là điều sẽ được nhắc tới, vì họ biết rằng bạn sẽ khó lòng dành thời gian nhiều khi đã là sinh viên năm cuối.

         Ví dụ, việc học Ngoại ngữ có thể sẽ lấy mất 3 buổi tối/tuần của bạn và có thể kéo dài trong hết 1-2 năm học đầu tiên.

         Nhưng bù lại, bạn sẽ đạt sự lưu loát khi giao tiếp tiếng Anh khi bước vào năm thứ 3-4. Tất cả những kế hoạch trong tương lai đều sẽ dễ dàng hơn, kể cả việc du học và tìm kiếm một công việc tốt.

         Dành ra mỗi ngày 2-3 tiếng để dạy học như một gia sư, hay 4-5 tiếng để làm việc tại những nhà hàng thức ăn nhanh như: KFC, Jolibee, MC Donald, rạp chiếu phim Galaxy … bạn có thể tự trang trải cuộc sống của mình mà không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ gia đình.

         Cảm giác có được một khoản thu nhập khoảng 1-3 triệu đồng/tháng quả thật là điều thật tự hào, đặc biệt là đối với các bạn nam đã có người yêu. Bạn sẽ có một khoảng cho “tình phí”.

         Tuy nhiên, nếu gia đình bạn vẫn ổn về tài chính và có thể chu cấp được trong thời gian này, vì việc làm thêm chỉ được xem là công việc làm cho biết, chứ không giúp ích quá nhiều cho khoảng thời gian sau đó.

         Bạn có thể bị bỏ lại đằng sau khi bước vào năm cuối, hoặc sẽ phải chấp nhận nỗ lực gấp 2-3 để vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi kiến thức và giỏi ngoại ngữ một khi thời gian đã trôi qua tới năm thứ 3, thứ 4 ở Đại học, Cao đẳng.

         Hãy cân nhắc xem, liệu bạn sẽ phù hợp hơn với lựa chọn nào?

Ce Phan/Giaoduc.net.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​