Chính phủ yêu cầu hướng dẫn học sinh dùng điện thoại
- Details
- Đăng ngày 17/12/2020 Lượt xem: 5640
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định nếu không phục vụ cho bài học và không được giáo viên cho phép, học sinh bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ học
Trong Nghị quyết 178/NQ-CP, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2020, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) và các thiết bị công nghệ phục vụ học tập đối với học sinh (HS), bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực.
Lợi bất cập hại
Theo Điều lệ trường THCS và THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được Bộ GD-ĐT ban hành, thay vì cấm hoàn toàn HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, điều lệ nêu HS chỉ không được sử dụng ĐTDĐ và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Việc cho phép HS sử dụng ĐTDĐ trong lớp học đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều về lợi và hại của việc này. TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc cho HS dùng ĐTDĐ trong lớp sẽ có lợi khi HS có kỹ năng thông tin hay khi kết hợp bài giảng có phần mềm hỗ trợ học tập và dạy như tài liệu có nội dung số. Bên cạnh đó, sử dụng ĐTDĐ cũng giúp tìm kiếm thông tin hỗ trợ cho bài học dễ hơn. Đặc biệt có những mô phỏng các bài thực hành vật lý hay hóa học giúp HS dễ hiểu bài hơn.
Tuy nhiên, bất cập cũng không ít như HS sẽ lơ đãng vì mải dùng ĐTDĐ, thậm chí có thể vụng trộm nhắn tin, chat hoặc coi những thông tin đen mà giáo viên không kiểm soát được. "Một thực tế không tránh khỏi là HS sẽ giảm tương tác trực tiếp với nhau để học hỏi và hình thành thói quen hợp tác, vốn là năng lực rất cần cho người học và người lao động tương lai" - ông Vinh nói. Chuyên gia này cũng cảnh báo bạo lực qua tin nhắn đe dọa và chửi nhau không kiểm soát được khi dùng mạng xã hội. Quá lạm dụng công nghệ rất có thể dẫn đến làm nghèo tư duy của người học khi không đủ kỹ năng thông tin, làm mất khả năng đào sâu suy nghĩ vì có " mì ăn liền".
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) cho rằng việc sử dụng ĐTDĐ sẽ có tác dụng tích cực khi giáo viên làm chủ được công nghệ, có phương pháp sư phạm tốt dạy trẻ tăng cường kỹ năng thông tin (tìm kiếm, phân tích, tổng hợp, lưu giữ và truy xuất khi cần) chứ không phải là chỉ thực hiện bài học một cách đơn điệu qua ứng dụng ĐTDĐ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc sử dụng điện thoại trong lớp học. Ảnh: TẤN THẠNH
Về cơ bản, học sinh không được sử dụng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-12, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định trong Điều lệ trường THCS và THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học mới ban hành, thay vì cấm hoàn toàn HS sử dụng ĐTDĐ trong giờ học, thì HS sẽ chỉ không được "sử dụng ĐTDĐ và thiết bị khác trong giờ học khi đang học trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Điều này đồng nghĩa với việc nếu không phục vụ cho bài học và không được giáo viên cho phép, HS bị cấm sử dụng ĐTDĐ. Quy định này đưa ra để bảo đảm ở những nơi có điều kiện thuận lợi, giáo viên không bị hạn chế về việc cho HS sử dụng ĐTDĐ thông minh như một phương tiện để hỗ trợ học tập.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cũng cho hay sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với điều 37 của điều lệ. "Về cơ bản trong giờ học, HS không được phép sử dụng ĐTDĐ. Việc cho phép HS dùng hay không dùng ĐTDĐ trong giờ học là do giáo viên. Trong giờ học hay một hoạt động học cụ thể, nếu giáo viên thấy việc sử dụng ĐTDĐ đáp ứng tốt cho việc khai thác các tư liệu học tập để HS thực hiện các hoạt động học ấy thì giáo viên có thể cho phép. HS chỉ được sử dụng ĐTDĐ khi giáo viên cho phép để cùng họ thực hiện một hoạt động học tập. Khi hướng dẫn về kế hoạch giáo dục, chúng tôi sẽ lồng ghép và nhắc lại điều này" - ông Thành nhấn mạnh.
Phải quan sát kỹ học sinh Nói thêm về vai trò của giáo viên trong việc cho HS sử dụng ĐTDĐ, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay khi thực hiện hoạt động học tập, giáo viên phải theo dõi, quan sát xem HS có những khó khăn, vướng mắc gì không, để hỗ trợ HS thực hiện. Theo ông Thành, dù ở lớp học có 40 HS hay ít hơn thì giáo viên vẫn phải quan sát tất cả HS trong lớp học của mình, có trách nhiệm hướng dẫn cho HS học tập, không để một em nào bị bỏ quên. |
Theo Yến Anh