Nhiều trường ĐH muốn thi đánh giá năng lực
- Details
- Đăng ngày 15/12/2020 Lượt xem: 5083
Nhiều trường ĐH dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để truyển sinh trong năm 2021, bên cạnh việc xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều ngành học mới cũng được mở theo nhu cầu xã hội
Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến xét tuyển theo 3 phương thức là xét tuyển thẳng để xét tuyển tài năng, xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển theo kết quả của kỳ thi riêng do trường tổ chức.
Nhiều trường muốn thi riêng
Dự kiến, ở kỳ thi riêng này, ngoài đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn toán có phần tự luận như năm 2020, sẽ thêm tổ hợp môn khoa học tự nhiên để thí sinh có sự lựa chọn. Khác với năm 2020, kết quả của kỳ thi riêng này sẽ được dùng để xét tuyển độc lập với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm tới, dự kiến điểm của kỳ thi kiểm tra tư duy được quy định là 1 đầu điểm trong tổ hợp xét tuyển toán, lý, bài kiểm tra tư duy hoặc toán, hóa, bài kiểm tra tư duy.
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại TP HCM .Ảnh: TẤN THẠNH
Theo PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mùa tuyển sinh năm 2021, dự kiến với một số ngành yêu cầu đầu vào chất lượng cao như nhóm ngành công nghệ thông tin, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, thí sinh có thể tham gia 2 bài kiểm tra tư duy như trên để xét tuyển. Tuy nhiên, nếu dành chỉ tiêu để xét kết quả thi tốt nghiệp THPT không hợp lý ở nhóm ngành này dễ dẫn đến việc điểm chuẩn sẽ rất cao, vì vậy trường sẽ cân nhắc để có tỉ lệ chỉ tiêu hợp lý.
TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Việt Đức (VGU), cho biết năm 2021 trường sẽ tuyển 460 chỉ tiêu cho 7 ngành theo 3 phương thức là xét tuyển từ học bạ của 5 học kỳ lớp 10, 11 và học kỳ 2 lớp 12 cho các trường THPT do VGU quy định. Xét tuyển thẳng đối với các thí sinh các văn bằng/chứng chỉ tốt nghiệp THPT quốc tế như Tes-tAS, SAT, IBD, AS/A-Level, IGCSE, WACE…, hoặc thí sinh đoạt giải học sinh giỏi Olympic quốc tế, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia. Trường sẽ dành khoảng 70% chỉ tiêu để xét tuyển những thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do VGU tổ chức vào tháng 5-2021. Bài thi gồm 2 phần là kiểm tra kiến thức cơ bản (110 phút) và kiến thức khối chuyên ngành (từ 145-150 phút).
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, cho biết năm 2021 ĐHQG tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để các trường ĐH thành viên sử dụng kết quả xét tuyển; ngoài ra, các trường ĐH, CĐ ngoài ĐHQG TP HCM cũng có thể sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển. Theo kế hoạch, năm 2021, ĐHQG TP HCM vẫn tổ chức 2 đợt thi, đợt 1 vào ngày 28-3 và đợt 2 dự kiến vào đầu tháng 7 (tùy thuộc thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021). Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021, ngoài các địa phương như năm 2020, ĐHQG TP HCM dự kiến tổ chức thêm điểm thi tại Tây Nguyên.
Các trường ĐH đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2021 như Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, Trường ĐH Công nghệ TP HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM thông báo đều sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM để xét tuyển.
Mở thêm nhiều ngành học mới
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP HCM (UEF), năm 2021, trường dự kiến mở tuyển sinh 5 ngành học mới gồm bất động sản, tài chính quốc tế, báo chí, tâm lý học, thiết kế đồ họa. Thông tin từ trường cho biết, năm 2021, trường dự kiến xét tuyển theo 4 phương thức xét tuyển, gồm: xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức năm 2021, xét tuyển học bạ (xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và xét tuyển học bạ 5 học kỳ)
Đại diện Trường ĐH Công nghệ TP HCM cho hay trong 50 ngành đào tạo được trường tuyển sinh năm 2021 thuộc các nhóm ngành khoa học sức khỏe, kỹ thuật - công nghệ, kinh tế - quản trị, khoa học xã hội & nhân văn, kiến trúc - mỹ thuật ứng dụng, sinh học - môi trường - nông lâm, ngoại ngữ, luật có 5 ngành mới, gồm: robot & trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu (thuộc nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ), quản trị nhân sự (thuộc nhóm ngành kinh tế - quản trị), quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế (thuộc nhóm ngành khoa học xã hội). Ngoài ra, trường dự kiến mở thêm 2 ngành mới thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe là kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết kỳ tuyển sinh trường mở mới 5 chuyên ngành đào tạo, gồm: chuyên ngành robot và hệ thống điều khiển thông minh (thuộc nhóm ngành tự động hóa), chuyên ngành quản lý đô thị thông minh và bền vững (thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin), ngành kỹ thuật hóa phân tích, chuyên ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên (thuộc nhóm ngành quản lý đất đai và kinh tế tài nguyên), logistics và quản lý chuỗi cung ứng (thuộc ngành quản trị kinh doanh), chuyên ngành quản trị nguồn nhân lực.
Khuyến khích thi theo nhóm trường PGS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho hay đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập. |
Theo Yến Anh- Huy Lân