Đua nước rút ôn thi
- Details
- Đăng ngày 12/03/2016 Lượt xem: 1712
Giáo viên và học sinh khối 12 các trường THPT tại TP HCM đang đua nước rút cho giai đoạn ôn tập, chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia
Trong khi các trường THPT ngoài công lập tổ chức phân loại học sinh để ôn tập thì một số trường công lập lại tổ chức thi thử cho học sinh. Không ít trường mời hẳn chuyên gia tuyển sinh, tâm lý nhằm chuẩn bị kỹ cho học sinh trước kỳ thi quan trọng.
Tăng tiết, thi thử
Theo hiệu trưởng các trường THPT, do có sự chuẩn bị về những thay đổi của kỳ thi từ kỳ thi năm 2015 nên năm học này, dù tăng tốc ôn thi nhưng không có sự lúng túng trong việc sắp xếp cho học sinh ôn tập theo nguyện vọng. Không những thế, nhiều trường còn có các dạng đề ôn tập theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2015 để học sinh làm quen.
Tại kỳ thi thử ở một số trường THPT tổ chức, tuy không lấy điểm nhưng mức độ căng thẳng, cấu trúc đề thi, bố trí phòng thi, giám thị, chấm bài… không khác gì kỳ thi thật. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Bình Thạnh cho hay mục đích của kỳ thi thử để học sinh đánh giá đúng năng lực của mình, điều chỉnh độ tập trung, cố gắng ở những môn còn chưa đạt; giáo viên biết sức học của học trò để có kế hoạch ôn tập phù hợp và còn nhằm để học sinh tập dượt, không mắc bất kỳ sai sót nào trong kỳ thi thật.
Học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) ôn thi chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia Ảnh: Tấn Thạnh
Theo bà Lý Thục Trang, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP HCM), vì là trường tư thục nên ngay từ đầu lớp 10, trường đã tổ chức phân loại học sinh. “Chẳng hạn như các em có học lực khá, giỏi thì vào lớp A1; trung bình khá và trung bình thì vào A2; một số em có học lực yếu thì vào lớp khác. Chính vì có sự chuẩn bị kỹ nên dù thời gian trước kỳ thi không còn nhiều nhưng kế hoạch ôn cho học sinh không xáo trộn; sau khi kiểm tra giữa kỳ xong, trường sẽ tổ chức cho các em thi thử” - bà Trang nói.
Trong khi đó, ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết trường tổ chức tăng tiết ôn tập cho học sinh. Đối với học sinh nội trú, giờ học kết thúc lúc 21 giờ thì có thể kéo dài thời gian ôn tập thêm 30 phút đến 1 giờ. Tuy nhiên, nhà trường chủ trương động viên và khuyến khích các em tự học là chính. Song song việc tăng tiết, trường cũng bố trí nhiều giáo viên để sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp thắc mắc khi học sinh có nhu cầu.
Chuẩn bị tâm lý
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM) lại có cách ôn thi khá đặc biệt. ThS Hà Hữu Thạch, hiệu trưởng nhà trường, cho biết khác với mọi năm, năm học này, sau khi học sinh trải qua kỳ thi kiểm tra giữa kỳ, đầu tháng 4, trường mới tổ chức ôn tập. Lý do là sau kỳ kiểm tra này, học sinh sẽ nhận được kết quả chính xác nhất về năng lực của mình đang ở đâu, điểm mạnh, điểm yếu, thiên hướng của từng em thế nào để có sự cân nhắc và lựa chọn chính xác nhất. Mặt khác, trường còn mời các chuyên gia tuyển sinh uy tín từ ĐHQG TP HCM tư vấn về ngành nghề, cách nộp hồ sơ, các nguyện vọng… cụ thể như thế nào cho các em. Song song đó, trường còn mời thêm chuyên gia tâm lý để giải đáp cặn kẽ về tâm lý trước kỳ thi, tâm lý làm bài… sao cho học sinh được trang bị vững vàng nhất trước kỳ thi quan trọng. “Nhà trường chủ trương mời cả những cựu học sinh của trường, những em đạt điểm cao trong các kỳ thi trước đến để chia sẻ kinh nghiệm làm bài, kinh nghiệm đạt điểm cao cho các em khóa sau. Chỉ khi nghe những kinh nghiệm thực tế trên, học sinh mới nhớ lâu để dồn sức ôn tập cho tốt” - ông Thạch nói.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Gò Vấp cho hay dù nhà trường liên tục nhắc nhở học sinh khối 12 dốc sức tập trung ôn tập nhưng vẫn còn khá nhiều em chủ quan, lơ là. “Những học sinh có học lực khá, giỏi thì chủ quan, chỉ chủ yếu học đúng 3 môn dùng để xét vào ĐH, CĐ mà không quan tâm môn tự chọn. Một số học sinh yếu thì từ chối ôn tập với lý do chỉ cần đủ điểm để xét tốt nghiệp. Vì việc tổ chức ôn thi phải trên tinh thần tự nguyện của học sinh và nguyện vọng của phụ huynh nên chúng tôi không thể dùng quy định nào để ép các em ” - vị này nêu.
Theo Đặng Trinh/Nld.com.vn