Giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi: Cần tiếp sức đề án thí điểm


        Năm học 2015-2016 là năm thứ hai TPHCM thực hiện “Đề án thí điểm nhận giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi”. Từ 13 trường mầm non đầu tiên tham gia đề án ở 8 quận, huyện (gồm quận 7, 12, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi) trong năm học trước, năm học này đã có thêm 28 trường tham gia thí điểm ở 4 quận 9, 11, Gò Vấp và Tân Bình. Tuy bước đầu đề án gặt hái một số thành công, nhưng về lâu dài vẫn cần chính sách hỗ trợ.
        Tăng nhanh cả lượng và chất
        Điều dễ nhận thấy ở các trường mầm non tham gia thực hiện đề án là số lượng học sinh đăng ký đã vượt quá chỉ tiêu tiếp nhận của các trường. Theo thống kê đầu năm học 2015-2016, toàn quận 11 hiện có 45 học sinh nhóm tuổi từ 6 - 12 tháng tuổi và 96 học sinh từ 13 - 18 tháng tuổi đang được gởi tại 4 trường mầm non, hiện vẫn còn 21 trường hợp trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi và 15 trường hợp trẻ từ 13-18 tháng tuổi đăng ký, đang chờ sắp xếp của các đơn vị. Tại quận 12, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) quận cho biết, ngoài Trường Mầm non Sơn Ca 8 tham gia thí điểm từ năm ngoái, năm học này quận có thêm một lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi tại Trường Mầm non Sơn Ca 6 để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Riêng ở quận Gò Vấp, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó phòng GD-ĐT quận, cho biết hiện có 4 trường mầm non trên địa bàn quận mở lớp giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi, mỗi trường tổ chức hai nhóm lớp, một lớp 6 - 12 tháng tuổi với 12 bé và một lớp 13 - 18 tháng với 15 bé. Song, “thời điểm hiện tại, tất cả các trường đều đã nhận đủ hồ sơ”, bà Nguyệt cho biết.

Chăm sóc trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi đòi hỏi rất nhiều cố gắng và nỗ lực vượt khó của giáo viên

        Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2015-2016, toàn thành phố có 32 lớp giữ trẻ 6 - 12 tháng tuổi, 32 lớp giữ trẻ từ 13 - 18 tháng và 9 lớp ghép trẻ ở hai độ tuổi trên. Theo bà Chung Bích Phượng, Phó phòng GD-ĐT quận Tân Phú, do các trường mới tổ chức thí điểm, số lượng trẻ được nhận còn hạn chế nên dù biết nhu cầu gửi con của phụ huynh ở độ tuổi này khá lớn nhưng các đơn vị phải chọn lọc hồ sơ, ưu tiên tiếp nhận con công nhân, hộ nghèo hoặc con của giáo viên, cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn quận. Cũng giống như Gò Vấp, hiện cả 3 trường mầm non tham gia thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi ở quận Tân Phú gồm Mầm non Bông Sen, Mầm non Rạng Đông và Mầm non Hoa Anh Đào đều đã nhận đủ chỉ tiêu. Tại quận Tân Bình, dù là năm đầu tiên triển khai thí điểm giữ trẻ ở độ tuổi này nhưng sau một tháng tiếp nhận, công tác tổ chức đã đi vào ổn định. Phụ huynh gửi con tại ba trường tham gia đề án đều có phản hồi tốt, chưa có trường hợp nào trẻ bỏ học, các em được chăm sóc, ăn, ngủ trong môi trường rộng rãi, hợp vệ sinh theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Sở GD-ĐT.
        Đau đầu chức danh “nhân viên nuôi dưỡng”
        Tuy công tác thí điểm đã bước đầu gặt hái một số thành công, dần tạo được sự tin tưởng, tín nhiệm của phụ huynh nhưng hiện nay các trường vẫn đang gặp khó vì biên chế nhân viên nuôi dưỡng (còn gọi là bảo mẫu). Theo đó, tại Nghị quyết 01/2014 do HĐND TPHCM thông qua ngày 14-6-2014 quy định về một số chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non có ghi rõ, mỗi lớp học có thêm một biên chế nhân viên nuôi dưỡng. Song trên thực tế sau hơn một năm triển khai thực hiện, chức danh này vẫn chưa có trong khung vị trí việc làm. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 4 quận, huyện có nhân viên nuôi dưỡng do địa phương tự ký hợp đồng hoặc tận dụng nguồn giáo viên chưa đạt chuẩn là quận 1, 11, huyện Nhà Bè và Cần Giờ. Hầu hết các quận còn lại đều dựa vào sự linh động và tình hình thực tế ở mỗi trường, phân công 2-3 lớp/nhân viên nuôi dưỡng hoặc kêu gọi giáo viên choàng gánh công việc cho nhau. Tuy nhiên, theo thừa nhận của nhiều đơn vị, đối với các lớp giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, một lớp học không thể có ít hơn 1 nhân viên nuôi dưỡng bởi khối lượng công việc của giáo viên dành cho trẻ ở độ tuổi này rất lớn, một người không thể cùng lúc chăm sóc nhiều hơn 4 trẻ em nên về lâu dài, thành phố cần sớm hoàn thiện việc bổ sung thêm chức danh nhân viên nuôi dưỡng.
        Giải quyết khó khăn này, một thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP cho biết, cái khó lớn nhất hiện nay khi bổ sung định biên chức danh nhân viên nuôi dưỡng cho các cơ sở mầm non là khung quy định trình độ nhân viên xếp ngạch bậc lương yêu cầu từ trung cấp nghề trở lên. Nhưng trong thực tế, phần lớn bảo mẫu đang công tác tại các trường mầm non chỉ có trình độ sơ cấp hoặc tốt nghiệp THPT vì “nếu tốt nghiệp trung cấp, các cô đã xin làm giáo viên để có thu nhập cao hơn, chứ mấy ai chịu làm bảo mẫu với mức lương không quá 3 triệu đồng/tháng”, hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 3 chia sẻ. Trước tình trạng đó, trong nhiều cuộc họp với lãnh đạo thành phố, các quận, huyện đã kiến nghị thành phố sớm có văn bản hướng dẫn chức danh nhân viên nuôi dưỡng, đồng thời hoàn thiện chế độ, chính sách lương bổng cho lực lượng này để động viên các cô yên tâm công tác.

Theo THU TÂM/SGGP Online

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​