Cần đổi mới đề thi, chấm thi


         Từ một số bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm điều chỉnh để tổ chức tốt kỳ thi năm 2016
         Theo thông báo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), năm 2016 sẽ tiếp tục tổ chức một kỳ thi quốc gia để vừa công nhận tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Bộ sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, đặc biệt là khâu coi và chấm thi; xây dựng ngân hàng đề theo hướng tăng tỉ lệ các câu hỏi mở, yêu cầu vận dụng, thể hiện kỹ năng nhiều hơn…

         Đề thi dễ dãi

         Trên thực tế, điểm thi THPT quốc gia năm 2015 không có sự phân hóa cao. Đề thi có đến 70% là dành cho tốt nghiệp, chỉ 30% là để phân loại học sinh, làm cơ sở xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Đây là bất cập lớn khiến cho mục tiêu đặt ra ban đầu khó đạt được, cần có sự thay đổi căn bản.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

         Theo dõi phổ điểm do Bộ GD-ĐT công bố, điều rất dễ nhận thấy là sự tăng cao bất thường của điểm số ở hầu hết các môn thi như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và một phần ở môn toán. Những bất thường về điểm thi này rõ ràng là do đề thi.

         Có lẽ do bị chi phối bởi mục tiêu xét tốt nghiệp nên đề thi các môn có nhiều câu quá dễ, đáp án lại “thoáng”. Chẳng hạn ở môn văn, những năm trước để có những bài đạt 5-6 điểm trở lên là rất ít. Năm nay thì điểm 6, 7, 8 chiếm phần lớn vì có những câu lấy điểm quá dễ. Chỉ cần trả lời một câu hỏi về thể thơ với từ duy nhất cũng đã có 0,5 điểm. Nếu vì sợ điểm thi thấp mà tiếp tục ra đề dễ dãi như năm 2015 sẽ khó thuyết phục được xã hội về chất lượng, nhất là khâu tuyển sinh đầu vào cho các trường ĐH, CĐ, chưa kể học sinh dễ nảy sinh tâm lý chủ quan, dẫn đến lơ là việc học.

         Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây rất khác nhau về sự nghiêm túc. Với thí sinh đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT trên 95% ở hầu hết các địa phương, kể cả một số nơi là vùng sâu, vùng xa cho thấy sự lỏng lẻo trong tổ chức coi thi và dễ dãi trong ra đề, chấm thi. Năm nay, việc tổ chức coi thi ở các cụm thi địa phương dành cho thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp cũng “dễ thở” hơn nhiều so với các cụm thi ĐH, CĐ. Sự khác biệt này thể hiện rõ trong ý thức của đội ngũ cán bộ coi và chấm thi, dẫn đến sự khác biệt về chất lượng của 2 cụm thi là điều ai cũng thấy rõ.

        Chấm thi chồng chéo

        Do năm đầu thực hiện một kỳ thi nên có sự chồng chéo khi thực hiện quy chế, đặc biệt trong khâu chấm thi. Biểu hiện rõ nhất là chấm lần 2. Vì vừa thực hiện quy trình chấm tuyển sinh lại vừa áp dụng luôn cả quy chế chấm tốt nghiệp nên quy trình chấm của giám khảo 2 đã nảy sinh thêm thao tác mất thời gian lại vừa rắc rối. Cụ thể ở phiếu chấm 2, giám khảo phải ghi lại số phách (mà số phách ở mỗi cụm thi có số lượng thí sinh đông phải đến 5-6 chữ số). Rồi còn phải ghi điểm số, điểm chữ vào phiếu bên cạnh việc ghi điểm vào vị trí các câu trên bài thi của thí sinh như trước đây ở kỳ thi ĐH, CĐ. Khâu này rất dễ gây nhầm lẫn, sai sót. Thực tế đã có trường hợp ghi nhầm điểm với số phách, rất nguy hiểm nếu không được kiểm tra cẩn thận. Tại sao không giữ nguyên như quy chế chấm thi ĐH, CĐ lâu nay để vừa tránh sai sót vừa bớt các thao tác không cần thiết, tiết kiệm thời gian cho giám khảo chấm thi vốn đã quá vất vả?

        Cũng ở quy chế chấm thi, cần diễn đạt rõ ràng hơn ở mục 2.b điều 25 đối với lần chấm thứ 2: “Điểm chấm toàn bài phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm; sau đó, ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định”. Trong lúc trên bài thi chỉ có 2 ô quy định ghi điểm số và điểm chữ nhưng chỉ được ghi sau khi cả 2 giám khảo đã thống nhất hoặc đã chấm lần 3 (nếu có). Quy định này gây hiểu nhầm cho một số giám khảo thiếu kinh nghiệm, chấm lần đầu.

        Một vấn đề nữa, năm nay số lượng thí sinh đề nghị chấm phúc khảo tăng đột biến. Vẫn biết quyền được đề nghị chấm phúc khảo của thí sinh là hoàn toàn chính đáng nhưng có lẽ do quy định của bộ không thu lệ phí chấm phúc khảo nên số thí sinh xin phúc khảo tăng vọt. Nếu không thay đổi thì với đà này, những năm tới tình hình vẫn tiếp diễn, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc vì thực chất, nhiều thí sinh không nhớ hoặc không đánh giá được thực lực bài làm của mình tới đâu, chỉ làm đơn cầu may cho dù kết quả thế nào, có thay đổi so với ban đầu không hay giữ nguyên, thậm chí tụt xuống. Do đó, cứ giữ nguyên quy định thu lệ phí đối với những thí sinh xin phúc khảo bài thi như những năm trước.

Tránh lãng phí

Khâu xét tuyển trong năm đầu tiên này đã khiến dư luận bức xúc. Việc cho phép mỗi thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng và thời gian xét tuyển kéo dài đến 20 ngày khiến thí sinh và phụ huynh cùng nhiều trường ĐH vô cùng vất vả, tốn kém. Chỉ nên cho mỗi thí sinh được phép đăng ký 1-2 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Điều này sẽ giúp tránh số lượng ảo khi đăng ký xét tuyển. Thời gian mỗi đợt xét tuyển nên rút ngắn còn 7-10 ngày và cho phép đăng ký trực tuyến để tránh gây căng thẳng, mệt mỏi cho thí sinh. Kết thúc đợt xét tuyển, trường nào còn thiếu thí sinh thì tiếp tục xét tuyển bổ sung lần 1, lần 2. Như thế chắc chắn sẽ giảm được áp lực thi cử, thực sự tiết kiệm như mục tiêu đề ra ban đầu.


Theo Dương Thành/Nld.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​