Những chuyện vừa cười vừa mếu của trẻ năm đầu tiên đi học
- Details
- Đăng ngày 22/08/2015 Lượt xem: 1436
(GDVN) - Để bé thành thục kĩ năng cần thiết và thích nghi với môi trường mới thì hàng ngày, các mẹ phải dạy và tập cho trẻ biết làm quen với những việc đơn giản nhất.
LTS: Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em gần đây đang là vấn đề “nóng”. Tuy nhiên, để việc giáo dục thực sự mang lại hiệu quả, cần phải phân tích và nhìn nhận rõ ràng thực trạng vấn đề hiện nay.
Cô giáo Phan Tuyết gửi tới tòa soạn nhìn nhận kỹ năng sống từ học trò của mình. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Tiếng la hét, mắng nhiếc của người đàn bà, tiếng khóc thất thanh của cậu bé đã làm huyên náo cả góc sân trường, thu hút nhiều sự chú ý của mọi người.
Bước vội lại xem có chuyện gì, người phụ nữ thấy giáo viên đến vui mừng cầu cứu: “Cô dỗ nó hộ tôi, mẹ bận phải về nhà làm việc mà con không chịu ở lại trường đi học”.
Nghe mẹ nói, cậu bé càng gào khóc lớn hơn, tay cứ nắm chặt áo mẹ để kéo, người mẹ không thể giằng ra nổi.
Cô Mai nhẹ nhàng nói: “Để mẹ đi làm, con vào lớp với cô và các bạn”. Nói rồi, cô Mai phải vất vả lắm mới đưa cậu bé vào lớp nhưng cho dù cô giáo có dỗ ngon dỗ ngọt cỡ nào, cậu bé vẫn cứ gào lên khóc lóc.
Việc học sinh lớp 1 những tuần đầu đến trường không chịu vào lớp một mình bắt bằng được phụ huynh phải đứng ngoài cửa sổ hàng tuần không phải là hiếm.
Sự bao bọc và nuông chiều quá mức của các bậc cha mẹ chính là tác nhân chính
khiến trẻ thiếu kỹ năng sống. (Ảnh: tuoitre.vn)
Thời gian đầu tiên, giáo viên lớp 1 vô cùng vất vả bởi nhiều em thiếu một số kĩ năng cần thiết để hòa nhập, thích nghi với môi trường học tập mới, nhiều em thiếu cả những kĩ năng tự chăm sóc bản thân do nhiều phụ huynh bao bọc con quá kĩ, số khác nặng việc nhồi nhét kiến thức cho các em mà quên đi những kĩ năng khác quan trọng hơn nhiều.
Sáng sáng, trên sân trường, cảnh các mẹ chạy theo con đút từng muỗng đồ ăn không phải là ít. Có em ăn không kịp, mẹ thu dọn cất đi, giờ ra chơi mẹ chạy vào trường đút cho con ăn tiếp vì “sợ cháu đói cô ạ”.
Vào lớp học, có bé không biết lấy sách vở, soạn bút viết, đồ dùng ra để học. Học xong rồi, không biết thu dọn để cất đi. Khi được hỏi, các em nói: “Ở nhà mẹ làm giúp nên con không biết”.
Nhưng có lẽ khổ nhất là việc các bé đi vệ sinh. Nhiều em không dám xin cô ra khỏi lớp mà ngang nhiên ngồi tè dầm trong quần.
Em khác ra nhà vệ sinh lại không biết cả việc cởi quần ra hay kéo quần lên, chưa nói đến việc phải biết lau chùi, rửa tay sạch sẽ hoặc biết giữ vệ sinh chung.
Có em không chịu đi vệ sinh khi thấy “nó khác với nhà con, con không quen”…Nhiều em đã đứng khóc ngon lành vì không thể làm được những công việc đơn giản nhất. Khi được cô tận tình hướng dẫn, một số bé tỏ ra hững hờ và nói: “Con làm không quen”…
Nhiều bậc cha mẹ yêu thương con bằng cách làm thay chúng mọi việc mà không nghĩ rằng khi các bé rời xa vòng tay người lớn sẽ thấy chông chênh, khó khăn trong việc hòa nhập và thích nghi với hoàn cảnh thực tại.
Cha mẹ nào cũng thương con, tình thương, sự lo lắng cho con tăng gấp bội khi các bé yêu bước vào lớp học đầu đời. Nhiều phụ huynh đã rất chăm lo cho con vào lớp 1.
Nhưng phần lớn họ cho rằng kiến thức mới là điều quan trọng nhất. Sợ bé học không được, sợ con thua bạn bè, sợ không theo kịp chương trình nên nhiều gia đình đã cho con học đêm, học ngày, tìm mọi cách nhồi nhét kiến thức vào đầu những đứa trẻ.
Nhưng các mẹ lại quên rằng, trẻ thiếu những kĩ năng sống cơ bản như trên cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học và tiếp thu bài của con trên lớp.
Bởi trong khi các bạn đang được học, được tìm hiểu bài thì một số em lại phải loay hoay giải quyết một số điều vướng mắc mà bản thân không thể tự vượt qua.
Để bé thành thục những kĩ năng cần thiết và biết thích nghi với môi trường mới thì hàng ngày, các mẹ phải dạy con và tập cho các con biết làm quen với những việc đơn giản nhất.
Điều này sẽ giúp cho các cô giáo bớt đi phần vất vả cũng tạo điều kiện cho các con của bạn tiếp thu bài học một cách tốt nhất.
Theo Phan Tuyết/Giaoduc.net.vn