Giáo dục đừng chạy theo thi cử
- Details
- Đăng ngày 20/08/2015 Lượt xem: 1539
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng cần cải cách giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất mỗi học sinh hơn là nhồi nhét kiến thức và chạy theo thi cử
Sáng 19-8, tại Trường Phổ thông Duy Tân (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), GS Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện Toán học cao cấp Việt Nam, đã nói chuyện cùng học sinh (HS), giáo viên và những nhà làm công tác giáo dục ở Phú Yên với chủ đề “Một số góc nhìn về giáo dục”.
Không để trẻ thuộc lòng những giáo điều
Trong buổi nói chuyện, nhiều giáo viên, phụ huynh và người làm công tác giáo dục ở Phú Yên tỏ ra băn khoăn trước việc cải cách giáo dục hiện nay. “Những năm qua, nền giáo dục chúng ta liên tục cải cách, thay đổi. Từ cải cách sách giáo khoa đến cải cách thi cử làm chúng tôi chóng mặt. Bây giờ, chúng tôi hết muốn nền giáo dục Việt Nam phải cải cách như thế này thế kia nữa rồi mà chỉ muốn có một phương pháp giáo dục phù hợp và ổn định” - cựu giáo viên THPT Lương Công Tống nói.
GS Ngô Bảo Châu hỏi thăm việc học tập của các học sinh ở Trường Phổ thông Duy Tân (Phú Yên)
Chia sẻ với những băn khoăn này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng mục đích tối thượng của giáo dục là phát triển, hoàn thiện cá nhân, để làm sao con người đó sống hạnh phúc, sống có ích cho xã hội. Về phương pháp luận, giáo dục không có chức năng đào tạo ra những con người giống nhau mà làm cho mỗi người phát triển tài năng vốn có của mình. Thực hiện điều này không hề dễ dàng và chỉ nền giáo dục đa dạng mới có thể đáp ứng được. Vì thế, mỗi cá nhân cần đầu tư cho sự phát triển này.
Từ năm 2011, Việt Nam có chủ trương cải cách lớn về nền giáo dục. Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra dự thảo về việc đổi mới tổng thể nền giáo dục. Sau khi đọc và nghiên cứu về dự thảo này, GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh không nên tham nhiều việc, không ôm đồm quá mà nên hướng vào chiều sâu. Chẳng hạn, trong dự thảo cải cách tổng thể giáo dục Việt Nam có phần giáo dục phẩm chất, Bộ GD-ĐT đưa ra việc giáo dục các em về lòng yêu thương như yêu thương đất nước, yêu gia đình, yêu con người, yêu thiên nhiên. “Nói như thế thì hay quá rồi nhưng sao chúng ta không nghĩ một chút về chiều sâu của tình yêu thương ấy. Ví dụ như yêu đất nước thì phải làm sao phát triển kinh tế. Nếu chúng ta gợi lên để các HS suy nghĩ thì sẽ giúp con trẻ biết phải suy nghĩ một cách có biện chứng ngay từ đầu chứ không chỉ đơn thuần là học thuộc lòng về tình yêu thương. Chúng ta nên cải cách giáo dục theo hướng không để các em học thuộc lòng những giáo điều mà phải tập cho các em biết suy nghĩ cái gì tạo nên phẩm chất, cái gì tạo nên năng lực của mỗi người” - GS Ngô Bảo Châu nói.
Cũng về cải cách giáo dục, GS Ngô Bảo Châu khẳng định cần phải thay đổi một nền giáo dục chạy theo thi cử, mang tính chất nhồi nhét về kiến thức bằng việc phát triển năng lực, phẩm chất của từng HS. Đây chính là xu hướng chung của giáo dục quốc tế.
Tìm tài năng từ đam mê
Trước một số ý kiến cho rằng việc cải cách thi cử hiện nay vẫn tạo áp lực lớn đối với HS và phụ huynh, theo GS Ngô Bảo Châu, trong giáo dục, thi cử là cần thiết nhằm giúp HS, sinh viên thi đua học tập, nghiên cứu nhưng không nên xem kết quả cuộc thi là cái đích của giáo dục. Do đó, trong việc tìm kiếm tài năng, đừng dựa vào kết quả các cuộc thi.
Ông cũng thẳng thắn phản bác ý kiến của một cựu giáo viên khi cho rằng “việc “trồng người” cần phải có những hạt giống tốt, hạt giống xấu dù có chăm sóc đến đâu cũng không thể cho kết quả tốt”. “Tùy vào sự giáo dục mà các em có thể thành một bậc vĩ nhân hay một tên ăn cướp. Giáo dục không phải là đi tìm ra hạt giống toán học hay hạt giống văn học mà hãy nhìn vào sự đam mê của các em để tìm kiếm tài năng” - GS Ngô Bảo Châu nói.
Ông cũng lý giải khi các em có đam mê mới chăm chỉ, cần cù mới có sự quyết tâm, khả năng tập trung làm việc. Phương pháp giáo dục tốt không phải là bắt các em học mà chính là cần kích thích niềm đam mê của HS, giúp các em tự khám phá ra năng lực thật sự của mình để theo đuổi.
Ra mắt “Vườn ươm tài năng” Tại buổi ra mắt “Vườn ươm tài năng” ở Phú Yên do GS Ngô Bảo Châu sáng lập, nhà toán học từng giành Huy chương Fields năm 2010 cho hay vườn ươm sẽ hoạt động theo dạng ngoại khóa với các câu lạc bộ, nhóm nhỏ trên nhiều lĩnh vực. Vườn ươm này đặt tại Trường Phổ thông Duy Tân, tìm kiếm các tài năng, thành lập theo từng nhóm, mỗi nhóm khoảng 10-15 em. Các giáo sư, nhà giáo nổi tiếng ở Hà Nội, TP HCM và Phú Yên sẽ đến bồi dưỡng kỹ năng cho các em. |
Bài và ảnh: HỒNG ÁNH/nld.com.vn