Tuyển sinh bằng tổ hợp lạ sẽ bị ‘tuýt còi’


        (Chinhphu.vn) - Chính phủ và Bộ GD&ĐT sẽ có thái độ cứng rắn đối với cơ sở giáo dục coi thường chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo, cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Sái Công Hồng. Ảnh: VGP/Nhật Nam

20% là kiến thức lớp 11

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Sái Công Hồng cho biết, đối với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên 60% kiến thức cơ bản và phần còn lại là nâng cao để phân loại. Tuy nhiên, khác với năm 2017, đề thi năm nay có thêm phần nội dung ở chương trình lớp 11.

“Theo như hướng dẫn các trường phổ biến tới học sinh ngay từ đầu, nội dung sẽ nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12, nhưng chủ yếu vẫn là lớp 12. Nếu căn cứ theo đề thi tham khảo thì khoảng 20% kiến thức lớp 11, còn lại 80% là của lớp 12”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, năm nay sẽ có những câu hỏi mang tính định hướng thí nghiệm, thực hành của học sinh. Các câu hỏi này thuộc các môn thi: Lý, Hóa, Sinh. Đây là bước chuẩn bị để các trường và học sinh dần dần hội nhập với chương trình phổ thông mới và chương trình sách giáo khoa mới sắp tới.

“Nếu các nhà trường nào bỏ qua phần thí nghiệm của các em, thì đi thi sẽ khó khăn hơn với các em. Bắt đầu xuất hiện nhưng cũng không phải là quá nhiều, bởi nếu nhiều quá thì học sinh cũng chưa quen”, ông Hồng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện để có một đề thi xác thực với 4 cấp độ: Dễ, trung bình, tương đối khó và khó. Cục Quản lý chất lượng đang thử nghiệm chuẩn hóa, định cỡ các câu hỏi thi, chọn mẫu để làm nguồn cho hội đồng cách ly để có được câu hỏi sát hơn, độ khó-dễ cũng được tính toán phù hợp, vừa để các em cơ bản làm được bài, vừa có phần phân hóa.

Đối với đề thi khối Khoa học Tự nhiên, những câu hỏi khó về bản chất, hiện tượng vật lý chứ không phải khó về tính toán. “Chúng tôi định hướng phần kiểm tra, đánh giá sẽ quay trở lại và tác động lại phần dạy học. Như môn Toán chẳng hạn, không thể học theo kiểu chỉ thuộc các bước để giải toán, cứ bước một là chuyển vế, bước hai đổi dấu, bước ba là ra kết quả. Nên sẽ có những câu hỏi về lý thuyết toán, phải hiểu bản chất về nội dung để làm”, ông Sái Công Hồng cho biết.

Ông Hồng cũng lưu ý, thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để xét công nhận tốt nghiệp THPT thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

“Tổ hợp lạ” sẽ bị “tuýt còi”

Tuyển sinh năm 2018 bắt đầu có sự kết hợp của các môn thi “không liên quan” như Văn - Lý - Địa, Văn - Hóa - Giáo dục công dân, Toán - Sử - Địa… Bên cạnh đó, có nhiều các trường công bố sử dụng tổ hợp "không phù hợp" để xét tuyển như tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành công nghệ như kỹ thuật ô tô, điện-điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin; ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện...

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Quy chế tuyển sinh cũng đã quy định rõ việc thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc “Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thực tế, khi các môn thi THPT quốc gia tăng lên để bảo đảm học sinh học đều các môn, có 2 bài thi tổ hợp gồm sáu môn thi… thì số lượng tổ hợp tuyển sinh tất yếu tăng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tuyển sinh theo ngành. Tuy nhiên, để gắn với yêu cầu của ngành đào tạo thì tổ hợp tuyển sinh phải có một hoặc hai môn thi được coi là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp tại các trường thường phải do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.

Căn cứ tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh, ngay từ đầu năm 2018, Bộ GD&ĐT đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu thực hiện đúng quy định, ví dụ tuyển sinh ngành ngôn ngữ nước ngoài nhưng không tuyển sinh tổ hợp có ngoại ngữ, các ngành kỹ thuật tuyển sinh khối C… Sau khi có ý kiến nhắc nhở của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đã khẩn trương điều chỉnh như ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Đông Đô…

“Đối với các trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, chúng tôi sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để giám sát chặt chẽ quá trình tuyển sinh của trường, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc bảo đảm chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí là dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung”, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho hay.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải “xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, thậm chí chỉ nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo”. Đây là sự thể hiện thái độ cứng rắn đối với cơ sở giáo dục coi thường chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý chất lượng, thực tế, thí sinh cũng không “mặn mà” với các tổ hợp mới. Trong hai năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm tới khoảng 90% tổng số nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh.

Theo Nhật Nam

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​