Xây dựng chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH Việt Nam
- Details
- Đăng ngày 30/03/2018 Lượt xem: 6992
(Chinhphu.vn) - Bộ GD&ĐT xác định yêu cầu xây dựng Chiến lược Phát triển tổng thể giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 làm cơ sở cho sự đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Hội thảo tham vấn cho xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 do Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội.
Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2035 đặt mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2035, hệ thống giáo dục ĐH của Việt Nam có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia.
Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam đã được mở rộng về quy mô đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, bước đầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn sắp tới, nhiều yếu tố sẽ tác động đến hệ thống giáo dục ĐH, đỏi hỏi những đổi mới sâu sắc và toàn diện.
Triển khai thực hiện định hướng đổi mới của Đảng và nhà nước về giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng, Bộ GD&ĐT một mặt tăng cường công tác pháp chế thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục ĐH và hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo động lực cho các cơ sở giáo dục ĐH năng động, sáng tạo và khai thác tiềm năng phát triển của mình. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT xác định yêu cầu xây dựng được chiến lược phát triển giáo dục đào tạo, làm cơ sở cho sự đổi mới và phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã lựa chọn và tạo điều kiện cho một số chuyên gia uy tín, các nhà thực tiễn và nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng Khung đề cương Chiến lược và tiến hành một số khảo sát đánh giá về quản trị đại học, cơ chế phân bổ tài chính và đầu tư và cơ chế đối tác công tư trong giáo dục ĐH. Các nghiên cứu thực chứng sẽ giúp cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược.
Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Chiến lược sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng trong đó bao gồm: Định hướng về vai trò của nhà nước từ kiểm soát trực tiếp sang kiến tạo và đảm bảo chất lượng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với cơ sở giáo dục đại học; đổi mới quản trị đại học theo hướng hội nhập với thế giới.
Chiến lược dự kiến tập trung vào các trụ cột: tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục đại học; tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.
Chiến lược không chỉ xác định được những mục tiêu, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức của các cơ sở giáo dục ĐH mà còn phải đưa ra được lộ trình triển khai khả thi, tạo ra được sự đồng thuận của các cấp, các bộ, ngành, các cơ sở đào tạo và các bên liên quan.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn qua hội thảo này và các hội thảo sau, các nhóm nghiên cứu, ban soạn thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng, nhiều ý tưởng đổi mới của các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà tuyển dụng, các thầy cô giáo, sinh viên để giúp cho các nhóm nghiên cứu hoàn thiện ý tưởng, phương pháp và nội dung của các báo cáo, nghiên cứu nhằm đổi mới, phát triển toàn diện và bền vững trong dài hạn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Theo Nhật Nam