Triệt tiêu tính sáng tạo của trẻ


        “Cô ơi, tại sao vẽ nhà lúc nào cũng phải có ống khói? Tại sao kế ngôi nhà luôn có một cái cây?”. “Cô ơi, tại sao hình gia đình lúc nào cũng phải có đầy đủ con với bố mẹ mà không phải con với ông bà hay bất kỳ người thân nào khác?”. “Cô ơi, tại sao vẽ hình con gái lúc nào cũng phải mặc váy dù ngoài đời con thích mặc quần hơn?”...
        Đó chỉ là ba trong số những câu hỏi rất hồn nhiên của các bé mầm non chúng tôi ghi nhận được tại một giờ học vẽ. Điều đáng nói là sau tất cả những câu hỏi đó, giáo viên đã không cho các em lời giải đáp hợp lý mà chỉ nêu yêu cầu ngắn gọn: “Các con vẽ đúng theo hình mẫu cô cho nhé, vẽ đúng hình mẫu mới được khen đẹp và công nhận là bé ngoan”. Chắc chắn khi về nhà sẽ có nhiều em trong số những học sinh đó lặp lại câu hỏi trên với bố mẹ. Nhưng liệu sẽ có bao nhiêu gia đình cho các em lời giải thích hợp lý? Và sau khi nghe giải thích, sẽ có bao nhiêu em dám mạnh dạn bỏ ống khói trên ngôi nhà vừa được giáo viên hướng dẫn vẽ?
        Trong vai phụ huynh, chúng tôi đã đem vấn đề này trao đổi với ba giáo viên ở ba trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Trước câu hỏi “Tại sao vẽ nhà luôn phải có thêm ống khói?”, cô giáo đầu tiên giải thích “Vì trong giáo án giáo viên nhiều năm qua đã ấn định tụi em dạy như thế”. Cô thứ hai nói thêm: “Vì muốn dạy học sinh thêm khái niệm ống khói nên kết hợp vẽ nhà với ống khói là hợp lý nhất”. Chỉ duy nhất cô giáo thứ ba thừa nhận với chúng tôi không nên ép buộc trẻ vẽ ống khói, vì “mục tiêu sau cùng của môn vẽ không phải dạy trẻ con vẽ cái gì mà là cách thể hiện lại những điều đã thấy trong thực tế”. Tiếc là suy nghĩ tiến bộ này chưa xuất hiện nhiều ở các giáo viên.
        Mầm non đã thế, lên các bậc học cao hơn, trẻ ngày càng có ít cơ hội đặt câu hỏi “tại sao” với giáo viên vì sĩ số lớp học đông, sách giáo khoa đã mặc định kiến thức như thế, không trả lời đúng theo sách các em sẽ không được điểm cao. Rõ ràng với phương pháp giáo dục hiện tại, chúng ta đã vô tình triệt tiêu tính sáng tạo của học sinh ngay từ những lớp học dưới. Sau này khi lên những lớp cao hơn, các em vẫn giữ thói quen tiếp thu kiến thức một chiều, ngại sáng tạo cách làm mới và đặt câu hỏi “tại sao” với giáo viên. Song, lỗi không hoàn toàn ở phía giáo viên bởi suy cho cùng, không giáo viên nào muốn học sinh của mình bị điểm thấp vì làm khác đáp án sẵn có. Ngay cả khi triển khai phương pháp dạy học tích hợp ở các trường tiểu học và THCS, một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM cũng thừa nhận chưa thể làm đến nơi đến chốn vì Bộ GD-ĐT chưa thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá. Vấn đề tuy không mới và đã rất nhiều lần được đem ra mổ xẻ tại các hội thảo chuyên đề về giáo dục, nhưng xem ra quyết tâm “đổi mới toàn diện giáo dục” vẫn mãi là câu chuyện chưa có hồi kết.

Theo MINH THƯ/SGGP Online

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​