Tăng tốc cải thiện nhân lực phần mềm
- Details
- Đăng ngày 16/10/2015 Lượt xem: 7643
Dù nhiều tiềm năng nhưng ngành gia công phần mềm của Việt Nam không theo kịp sự phát triển vì chất lượng nguồn nhân lực vừa yếu vừa thiếu
Tại hội nghị Phát triển gia công công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam 2015 lần đầu tiên diễn ra từ ngày 14 đến 16-10 do Công viên Phần mềm Quang Trung tổ chức, lĩnh vực gia công phần mềm của Việt Nam được đánh giá là điểm sáng cho ngành CNTT hiện nay.
Nhiều tiềm năng, lắm ưu đãi
Theo báo cáo mới nhất của Tholons - tổ chức quốc tế chuyên tư vấn đánh giá xếp hạng về gia công phần mềm - TP HCM (hạng 18) và Hà Nội (hạng 20) đều lọt vào tốp 100 địa điểm hấp dẫn hàng đầu về gia công phần mềm trên thế giới. Còn theo báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield năm 2015, Việt Nam lần đầu tiên đứng vị trí số 1 trong số các điểm đến hấp dẫn về dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (DN) trên toàn thế giới. Sách trắng CNTT 2014 cho thấy tổng doanh thu công nghiệp CNTT của thế giới năm 2013 đạt trên 39,5 tỉ USD, tăng 55,3% so với năm 2012. Công nghiệp phần mềm cũng tăng trưởng tương ứng là 12,7%, đạt doanh thu hơn 2,6 tỉ USD.
Học viên về gia công phần mềm tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung
Các chuyên gia nhận định Việt Nam hiện có nhiều thế mạnh tạo nên sức hút về gia công CNTT trên thị trường toàn cầu và đang được các công ty lớn chọn làm điểm đầu tư lâu dài, như Intel, Samsung, LG... Việt Nam có nguồn nhân lực kỹ thuật cao dồi dào với trên 40.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm từ hơn 290 trường ĐH trên cả nước. Bên cạnh đó, Chính phủ có chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghệ cao, khu phần mềm, có nhiều ưu đãi thuế và chiến lược phát triển nguồn nhân lực rất tốt…
Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, cho biết: “TP xem CNTT là 1 trong 4 ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực, trong đó gia công phần mềm là lĩnh vực rất được lưu tâm. TP đã kiến nghị với Chính phủ có những chính sách cụ thể để hỗ trợ ngành này phát triển, trong đó cần có chính sách riêng ưu đãi về thuế, giảm thuế để thu hút DN gia công phần mềm nhiều hơn nữa. TP HCM cũng cam kết sẽ đồng hành cùng các DN nhằm tháo gỡ những vướng mắc, vượt qua khó khăn để ngành phát triển ổn định và tốt hơn”.
Yếu ngoại ngữ, thiếu nghiên cứu
Bên cạnh những thành quả đạt được thì gia công phần mềm hiện đang gặp thách thức rất lớn về nhân lực. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, cho biết: “Suốt 14 năm nay, các DN tại Công viên Phần mềm Quang Trung không tuyển đủ nguồn nhân lực như kế hoạch. Điều đó đã tác động rất lớn đến tương lai của ngành phần mềm”.
Theo ông Long, tốc độ thay đổi của ngành giáo dục cần mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ ngành gia công phần mềm. Vấn đề đặt ra là làm sao tăng hàm lượng nghiên cứu ngày càng nhiều hơn, sâu hơn. “Trước đây, chúng ta làm các hoạt động đơn giản như nhập liệu, số hóa sau đó nâng cấp lên phát triển các công đoạn của một sản phẩm phần mềm và bây giờ đang chuyển lên một nấc cao hơn đó chính là nghiên cứu thuê. Có nghĩa là hiện nay, một số đơn vị không chỉ phát triển phần mềm mà còn tập trung nghiên cứu, từ đó trả lại kết quả nghiên cứu cho đối tác, khách hàng. Theo tôi, để làm được việc đó cần quay lại bài toán gốc là phải có đội ngũ nhân lực mạnh, am hiểu trình độ phát triển” - ông Long nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Vietnam, cho biết: “Kết quả khảo sát của KPMG Vietnam cách đây 3 tháng với các DN gia công phần mềm thì có 44% DN được khảo sát cho rằng trình độ nhân lực lĩnh vực này chỉ ở mức trung bình. Đáng báo động hơn có 72% cho rằng khả năng ngoại ngữ của nhân lực gia công phần mềm là rất yếu và là rào cản lớn khi làm việc với quốc tế”.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty TMA, nhận định những việc cần làm ngay của Việt Nam để phát huy thế mạnh đó là cải tiến đào tạo CNTT cả trong hệ thống giáo dục lẫn tại các DN. “Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng, nhất là thông qua các chương trình đào tạo gắn liền với thực tiễn” - ông Lệ nhấn mạnh.
Thách thức về sở hữu trí tuệ Ông Lâm Nguyễn Hải Long cho rằng Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp các DN phần mềm mở rộng thị trường, tạo thêm nhiều cơ hội thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, internet, các hoạt động thương mại điện tử nội khối… Đặc biệt là các DN phần mềm Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp không tham gia TPP. Tuy nhiên, TPP cũng tạo ra thách thức rất lớn đó là việc tuân thủ luật chơi chung toàn cầu mang tính khắc nghiệt, nhất là việc tuân thủ sở hữu trí tuệ và khả năng thu hút nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. |
Theo Chánh Trung/Nld.com.vn