Cảm nhận Chiến dịch mùa hè xanh: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”
- Details
- Đăng ngày 16/09/2015 Lượt xem: 960
Chiến dịch Mùa hè xanh năm 2015 với chủ đề "Tuổi trẻ Long An tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" của các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA) tại 2 xã Mỹ Bình và Bình Hòa Trung đã tạm khép lại với những kết quả trên cả mong đợi. Qua 10 ngày tham gia chiến dịch, các bạn sinh viên đã cùng xây dựng các tuyến đường nông thôn mới, tham gia tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông tại các bến đò ngang...
Tham gia các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa – Uống nước nhớ nguồn, hỗ trợ cấp phát thuốc miễn phí, tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền hướng nghiệp cũng như các công tác vận động xây dựng nông thôn mới trên các địa bàn được phân bổ, sinh hoạt và tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương...
Có những bạn sinh viên bỡ ngỡ khi lần đầu tham gia chiến dịch, có bạn cảm thấy hứng thú khi đã tham gia chiến dịch đến mùa thứ 2, thứ 3. Ấy thế mà cứ đến giây phút chia tay, mỗi bạn lại dâng trào những cảm xúc khác nhau. Những cảm xúc ấy như thế nào? Hãy cùng cảm nhận bài viết của bạn Nguyễn Hữu Đức, sinh viên lớp 13QT tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Mỹ Bình-Đức Huệ để hiểu rõ hơn các bạn nhé.
Sinh viên tình nguyện trường DLA tham gia công tác sửa chữa đường giao thông tại xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ
Mỹ Bình, ngày...tháng...năm
...Đây là lần thứ 2 tôi tham gia chiến dịch Mùa hè xanh và về với quê hương Mỹ Bình của huyện Đức Huệ, một xã nghèo vừa mới thành lập nền kinh tế, cơ sở hạ tầng còn khá đơn sơ. Là một sinh viên, công việc hàng ngày của tôi chỉ quanh quẩn với sách vở, máy tính, đôi lúc tôi cũng đi làm thêm nhưng nhìn chung những công việc ấy cũng tương đối nhẹ nhàng. Vậy mà khi tham gia chiến dịch tôi đã phải làm những công việc rất "đàn ông" mà ngày thường tôi ít có cơ hội được thực hiện. Dưới cái nắng hè oi ả, cả bọn con trai chúng tôi hồ hởi khiêng những viên đá nặng trịch từ dưới kênh lên bờ, đẩy những chiếc xe rùa đầy những bao tải đá để thực hiện công việc xây lắp đường giao thông. Những lúc mệt, chúng tôi ngồi hát cho nhau nghe, kể những câu chuyện cười thú vị, thế là bao mệt mõi chợt tan biến, tiếp thêm khí thế mới cho công việc của chúng tôi. Các bạn nam lao động hăng say, các bạn nữ cũng chẳng kém phần, cứ tưởng các cô nương chân yếu tay mềm, sợ nắng sợ gió, chẳng quen với việc làm đường, vậy mà các bạn đào đất cực nhanh và đều, lái xe rùa còn điệu nghệ hơn cả bọn con trai. Thế mới biết nữ nhi "không phải dạng vừa đâu". Kết thúc những ngày làm đường, da dẻ bạn nào cũng có phần rám nắng, trông thật khỏe mạnh và hơn hết tuyến đường hôm trước còn lầy lội sau những cơn mưa nay đã sạch đẹp và chắc chắn hơn trước. Nhìn con đường mới mà chúng tôi thêm tự hào về công việc của mình.
Chỉ mới đây thôi 8 ngày trước cũng áo xanh, nón tai bèo, ba lô trên vai, anh em chiến sĩ chúng tôi hăng hái, nhiệt huyết lên đường tới nơi nhận nhiệm vụ, sự bỡ ngỡ tưởng chừng như xa lạ vậy mà giờ đây cũng hành trang đó chúng tôi lên đường trở về tổ ấm của gia đình mình, 27 con người mỗi người một tính cách một suy nghĩ nhưng khi bắt nhịp làm thì tất cả đều hòa chung thành một.
Tình cảm của người dân địa phương và các bạn sinh viên trường DLA được gắn kết qua từng ngày
Người dân xã Mỹ Bình nghèo lắm, nhưng tình cảm thì rất "giàu có". Có cô chú cứ mỗi buổi chiều lại sang đội chúng tôi cho con cá, hôm thì bó rau, miếng thịt, người cho vài chục trứng gà rồi căn dặn " Ráng mà giữ sức khỏe, ăn cho đầy đủ vào các cháu nhé, bọn mày sống ở thành phố, về đây không quen, công việc lại cực nhọc, nhìn thấy mà xót". Nghe những lời này, chúng tôi đứa nào cũng bồi hồi vì nhận được sự yêu thương và lo lắng của người dân nơi đây. Chính những lời động viên ấy là mục tiêu để chúng tôi mỗi ngày phấn đấu hơn nữa, hoàn thành tốt công việc được giao và mong muốn góp phần mang đến diện mạo mới cho quê hương Mỹ Bình.
Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc chia xa. Tôi vẫn nhớ như in giây phút ấy, những cái ôm thật nhẹ hòa lẫn vài dòng nước mắt của buổi chia tay... Người đi kẻ ở bịn rịn chẳng muốn rời... Chia tay không có nghĩa là kết thúc, thanh niên tình nguyện chúng tôi vẫn còn phải đi nhiều nơi nữa để đem sức trẻ, lòng nhiệt huyết đến với những vùng quê còn khó khăn hơn. Tôi tin rằng với phương châm "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!", "Đâu cần thanh niên có,đâu khó có thanh niên" sẽ là hành trang để mỗi chiến sỹ phần đấu hơn nữa.
Tạm biệt Mỹ Bình, hẹn một ngày nào đó các chiến sĩ Trường DLA chúng tôi sẽ quay trở lại..."
Nguyễn Hữu Đức -13QT