Cam kết giữ vững chính sách chất lượng tại Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
- Details
- Đăng ngày 14/07/2015 Lượt xem: 1502
CAM KẾT GIỮ VỮNG CHÍNH SÁCH CHẤT LƯỢNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ CÔNG NGHIỆP LONG AN
TS. LÊ ĐÌNH VIÊN,
HIỆU TRƯỞNG
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với quá trình xã hội hóa giáo dục và đào tạo, các trường Đại học ngoài công lập đã từng bước khẳng định vị trí và vai trò của mình trong quá trình cải biến mang tính cách mạng sâu sắc. Ý nghĩa ấy biểu hiện bằng số lượng sinh viên được đào tạo và cung ứng cho nền kinh tế, góp phần đáng kể hình thành nguồn lao động có chất lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp và hiện đại hóa nền kinh tế. Như chúng ta biết rằng, nhân loại đang bước vào thập kỷ thứ 2 của thiên niên kỷ thứ 2 với biết bao cơ hội và thách thức: Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm ngày một gia tăng, sự cạnh tranh giữa các sản phẩm và áp lực giữa các ngành, các nền kinh tế ngày càng gay gắt: Đánh giá năng lực cạnh tranh được thể hiện tập trung chủ yếu dựa trên năng lực sang tạo và đổi mới của các chủ thể tham gia, để tạo lập được năng lực sang tạo, đổi mới phát huy vai trò, sự hợp tác và thu hút nguồn nhân lực từ các cơ sở đào tạo đại học. Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất, của nền “kinh tế tri thức”. Đó là nền kinh tế mà sự phát triển được quyết định bởi nguồn lực chất lượng cao, có hàm lượng chất xám của các nhà khoa học, các nhà quản lý và quản trị điều hành.
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề được đề cập, việc giữ vững chính sách chất lượng trở thành yếu tố quan trọng góp phần vào việc đáp ứng các nhu cầu cơ bản nói trên mà trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An không phải là ngoại lệ.
II. TÌNH HÌNH THỰC TẾ ĐÃ VÀ ĐANG DIỄN RA LIÊN QUAN ĐẾN CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO CỦA CÁC TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP
Khác với các trường Đại học công lập, các trường Đại học ngoài công lập nổi lên những thách thức chủ yếu liên quan đến chất lượng đào tạo, đó là:
1. Việc tuyển sinh ở các trường Đại học ngoài công lập hết sức khó khăn.
Theo thống kê có được, việc tuyển sinh ở các trường Đại học ngoài công lập trong những năm gần đây có xu hướng giảm dần về số lượng. Từ đó nhiều chuyên ngành phải thu hẹp, hoặc buộc phải giải thể vì không có người học.
Năm học 2012-2013, phần lớn các trường Đại học ngoài công lập chỉ tuyển chưa đến 1/2 chỉ tiêu được duyệt.
Thực trạng vừa nói trên đã tác động mạnh mẽ đến quy mô đào tạo của các trường đại học ngoài công lập.
2. Chất lượng sinh viên ở đầu vào thấp
Chất lượng đào tạo là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng đầu vào. Với một chất lượng đầu vào kém sẽ tạo ra những hệ quả xấu tác động đến chất lượng đầu ra biểu hiện trước hết ở khả năng tư duy độc lập, khả năng tiếp thu kiến thức giảng dạy trên giảng đường và khả năng nghiên cứu, từ đó tạo ra tâm lý ngại học, lười biếng học chuyển sang học tủ, học vẹc mà thiếu vắng sự đào sâu suy nghĩ khi tiếp thu kiến thức các môn học.
3. Đầu ra (sinh viên tốt nghiệp) một số chưa được xã hội chấp nhận
Trong một nền kinh tế thị trường, sản phẩm được đào tạo, giống như bất kỳ sản phẩm nào của nền kinh tế phải được xã hội chấp nhận dưới con mắt của nhà tuyển dụng. Mặc dù phần đông sinh viên đã tìm được việc làm nhưng vẫn còn một số sinh viên tốt nghiệp vẫn phải cứ “loay hoay” tìm kiếm việc làm thích hợp với chuyên ngành đào tạo. Thực trạng đó, tác động đến tâm lý của đa số học sinh tốt nghiệp phổ thông dự tuyển vào các trường Đại học ngoài công lập.
Trên đây là những nét tiêu biểu phản ảnh thực trạng giáo dục ở các trường Đại học ngoài công lập tác động xấu đến uy tín và năng lực đào tạo ở các trường Đại học thuộc loại hình này.
Với sinh viên có năng lực học tập yếu thường thường kéo theo những hệ lụy như không chịu học tập, rủ nhau lên mạng xã hội đưa tin giả, nhảm nhí, độc hại lôi kéo một số sinh viên không chịu học, thậm chí bỏ học…
Một số sinh viên chẳng những không chịu học mà còn thông tin không đúng về trường đào tạo cho phụ huynh nhằm gây áp lực cho trường. Từ việc không chịu học, dẫn đến kết quả đầu ra kém và tất nhiên là không được tốt nghiệp. Lẽ ra các sinh viên này phải khắc phục sự yếu kém này nhưng lại dựa dẫm vào phụ huynh để phụ huynh gây áp lực với nhà trường, gây dư luận xấu đối với xã hội, mỗi khi chưa nhận bằng tốt nghiệp do còn thiếu điều kiện đầu ra v.v.
4. Tư tưởng học tập thụ động đối phó còn hết sức phổ biến
Tư tưởng học để lấy điểm cao chứ không phải hướng theo việc học để nắm kiến thức vẫn còn phổ biến, dẫn đến việc “học tủ”, “học vẹc”. Trong học tập, họ đã tự biến mình như một “thùng rỗng” về kiến thức, chờ cho thầy cô “rót” đầy vào cái “thùng rỗng” đó, mà thiếu vắng sự nghi ngờ cần thiết và cần có trong khoa học, để từ đó, lật đi lật lại, đối chiếu, so sánh nghiền ngẫm trong thực tiễn để biến những kiến thức sách vở và kiến thức của người thầy trở thành “tài sản” trí tuệ của riêng mình, nhằm sở hữu một kiến thức vững chắc khi ra trường v.v…
Như vậy rõ ràng việc đào tạo các sinh viên yếu kém, thậm chí cá biệt khó gấp nhiều lần so với việc đào tạo sinh viên trung bình trở lên và điều này là đặc thù mà các trường ngoài công lập phải đảm nhận với xã hội.
Việc tồn tại và yếu kém nói trên là cơ sở nhận thức quan trọng để các Trường ngoài công lập tìm các biện pháp khác nhau nhằm nâng cao chất lượng đào tạo làm sao những sinh viên đó khi đã tốt nghiệp phải đạt được chuẩn xã hội yêu cầu.
III. KIÊN TRÌ MỤC TIÊU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO –YẾU TÓ QUAN TRỌNG XÁC LẬP THỰC HIỆN CỦA MỘT TRƯỜNG ĐẠI HỌC
Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, với hướng đào tạo như đã được xác lập, bằng nhiều cố gắng liên tục khác nhau, đang theo đuổi mục tiêu đào tạo để đưa ra cho xã hội những sản phẩm mang tính đặc thù. Tính đặc thù đó được hiểu là đào tạo sinh viên khi ra trường, không chỉ làm chủ được kiến thức chuyên ngành được đào tạo mà còn phải tạo cho sinh viên đủ năng lực, kỹ năng cần thiết như khả năng quan sát, tự quan sát, tự thay đổi, biết làm việc nhóm, biết xử lý tình huống, biết phát huy các mối quan hệ để có thể học tập suốt đời tạo các điều kiện để tất cả những người sử dụng lao động tiếp bước như là một bộ phận nối dài của giáo dục để tạo ra sản phẩm phù hợp nhất. Để đạt được yêu cầu đó, bên cạnh những kiến thức và khả năng nghề nghiệp phát khởi từ sự đam mê hoặc năng khiếu. Để đạt được điều đó, trường mạnh dạn đưa vào chương trình giáo dục những môn học sát thực tế mà xã hội đang cần và sẵn sàng gạt bỏ những môn học xét thấy chưa thật cần thiết. Tóm lại là phải thay đổi một số nội dung trong việc xây dựng chương trình đào tạo, theo hướng chú trọng ứng dụng trong đó có sự cần thiết về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm.
Cùng với việc xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tạo điều kiện học tập suốt đời của người học, trường còn hết sức quan tâm trong cập nhật, phổ cập và bổ sung kiến thức về toán ngoại ngữ, tin học cho sinh viên nhất là những sinh viên năm đầu tăng cường và trang bi kỹ năng mềm cho sinh viên khi ra trường, coi đó là hành trang quan trọng để họ bước vào đời.
Thực hiện các yêu cầu trên trường luôn quan tâm các nội dung chính sau:
1. Đội ngũ cán bộ giảng viên
Câu ngạn ngữ từ lâu của dân tộc ta “ không thầy đố mày làm nên” có ý nghĩa quan trọng trong việc xác lập vị trí của người thầy trong giáo dục và đó là yếu tố quan trọng thứ hai trong nâng cao chất lượng đào tạo. Nhận thức được “ không thể thay thế được” này, trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An ngay từ đầu đã cố gắng xây dựng một đội ngũ cán bộ giảng dạy vừa cơ hữu vừa kiêm nhiệm.
Tuy nhiên, để có được một đội ngũ giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị cao về công tác lâu dài tại trường là vấn đề không dễ dàng, đặc biệt quá trình đó lại diễn ra trong sự cạnh tranh nhằm thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật. Đứng trước bối cảnh này, trường đang có chủ trương mời thỉnh các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, thạc sĩ nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước về cộng tác và đào tạo lớp giáo viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học với chuyên ngành tương ứng thuộc loại khá trở lên để đào tạo sau đai học ở trong nước và nước ngoài. Quá trình hình thành đội ngũ cán bộ giảng dạy như đề cập ở trên, mặc dù là cấp bách nhưng không thể đi tắt, mà phải theo lộ trình được vạch định và chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua những trở ngại để đạt đến đích trong những năm sắp tới.
2. Chất lượng giáo trình và sách giáo khoa
Cùng với các yếu tố trên, chất lượng giáo trình và sách giáo khoa là yếu tố khác quyết định đến chất lượng đào tạo.
Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của nó, ngay từ những ngày đầu mới đi vào hoạt động, nhà trường đã rất chăm lo đến việc tổ chức biên soạn giáo trình và sách giáo khoa, đi theo hướng từng bước hình thành bộ giáo trình và sách giáo khoa của trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, với yêu cầu bắt buộc ở tất cả các môn học (bao gồm khoảng 43 môn học ở bậc đại học và 37 môn học ở bậc cao đẳng) đều phải có tài liệu cho sinh viên, bao gồm giáo trình môn học, đề cương bài giảng thống nhất cho từng môn học. Để có thể làm được điều đó, nhà trường đã hỗ trợ cho giáo viên trong việc cung cấp các học liệu nói trên cho sinh viên, kể cả phần mềm ứng dụng.
Mặc dù đi vào hoạt động mới tròn 5 năm, nhưng đến nay với nhiều cố gắng liên tục, nhà trường đã cho biên soạn và xuất bản nhiều sách giáo khoa thuộc lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, quản trị, tiếng Anh v.v…
Nhà trường đang phấn đấu trong vài ba năm tới, hình thành các bộ sách giáo khoa và giáo trình của riêng mình. Nếu làm được điều đó không chỉ là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định một trường phái khoa học, mà còn xác lập trong thực tế một “thương hiệu” và uy tín của nhà trường đối với xã hội nói chung và trong các trường đại học nói riêng.
3. Về phương pháp giảng dạy
Phương pháp giảng dạy được coi vừa là sản phẩm của các yếu tố nói trên, vừa là kết quả của quá trình đứng trên bục giảng của mỗi một người thầy, là kết quả của công sức, tài năng và trí tuệ của chính họ, quyết định rất lớn đến chất lượng đào tạo và do vậy, chúng tôi coi đây là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Suy nghĩ về câu nói nổi tiếng của nhà giáo dục học Thomas Carruters: “Một người thầy giỏi là người càng lúc càng không cần thiết đối với học trò” chúng tôi cảm nhận được phương pháp giảng dạy có ý nghĩa to lớn đến như thế nào. Cũng giống như sản phẩm của nền kinh tế, bắt nguồn từ mối quan hệ giữa cung và cầu, từ đó kéo theo một yêu cầu khác của phương pháp giảng dạy là hãy truyền đạt những kiến thức mà xã hội đang cần, chứ không phải truyền đạt những kiến thức mà người thầy đang có.
Từ suy nghĩ ấy nhà trường khích lệ giảng dạy theo phương pháp tích cực, kích thích tư duy độc lập và sáng tạo trong học và nghiên cứu khoa học, khuyến khích thầy giáo, cô giáo đánh giá kết quả học tập của sinh viên thông qua thảo luận, phản biện, làm việc nhóm trong đó luôn trân trọng ý kiến cá nhân.
Về phía nhà trường, trong quá trình theo dõi và giám sát sẽ thẩm định chất lượng, xác lập, đánh giá các phương pháp tích cực và phù hợp.
4. Việc bồi dưỡng sinh viên yếu và truyền đạt kỹ năng mềm
Việc bồi dưỡng sinh viên yếu, cá biệt
Đặc thù của trường ngoài công lập như trình bày trên, do vậy còn có một số ít sinh viên còn non yếu, cá biệt. Trường đã đề ra các kế hoạch bồi dưỡng, kèm cập giúp đỡ số sinh viên này ngay từ khi mới vào trường. Các lớp bồi dưỡng toán, tin học, ngoại ngữ…của những tháng đầu giúp cho một bộ phận sinh viên trên đạt chuẩn để theo kịp các bạn đồng khóa. Một số sinh viên chưa đạt thông qua các buổi kiểm tra còn được giáo viên chủ nhiệm tích cực hướng dẫn kèm cập. Tất cả việc bồi dưỡng kèm cặp này được thực hiện hoàn toàn miễn phí cho sinh viên và thời gian có khi kéo dài cả học kỳ I hoặc đôi khi đến gần 6 tháng. Việc làm này đôi lúc lại gây bất mãn một số sinh viên cá biệt không thích học và phản ứng lại nhà trường đôi lúc lại có sự ủng hộ của người than quen, nhất là người thân có ảnh hưởng với xã hội đã phần vào gây khó khăn, phức tạp cho Trường. Nhân đây, nhà trường cũng mong những bậc phụ huynh, các người thân của các học sinh còn yếu, cá biệt cùng cộng tác với nhà trường để giáo dục và giúp đỡ cho các em.
Về truyền đạt kỹ năng mềm
Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, việc thành đạt của các em sinh viên khi vào đời ngoài kiến thức chuyên ngành sinh viên còn cần những kỹ năng ứng dụng thực tế vào cuộc sống. Do vậy nhà trường dành những lớp để truyền đạt những kỹ năng mềm cho sinh viên cụ thể:
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng thuyết trình
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng làm việc nhóm, hội họp
- Kỹ năng phán đoán
- Sơ đồ tư duy
- Kỹ năng soạn thảo văn bản v.v…
Việc sử dụng tốt các kỹ năng trên giúp sinh viên phát triển khả năng quan sát, tự thay đổi và phát triển các mối quan hệ từ đó phát triển hoặc khám phá tiềm năng chính mình để góp phần thành công khi vào đời.
5. Về liên kết đào tạo
Sống trong bối cảnh của sự hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện của nước ta với các nước trên thế giới và khu vực, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tham gia vào việc phân công lao động và hợp tác quốc tế…Từ đó cần thiết phải tổ chức một sự liên kết ngày càng chặt chẽ và toàn diện với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ở nước có nền công nghiệp phát triển. Sự liên kết ấy không chỉ là trường với trường, viện với viện mà là sự liên kết đan xen giữa nhà trường với thông tin thông thoáng để thu nhận những kiến thức mới.Đặc vấn đề như vậy, không có nghĩa là sùng bái một cách mù quáng các nước công nghiệp phát triển mà chính là chúng ta coi những thành tựu khoa học và kỹ thuật của các nước nói trên là thành quả của nhân loại, và những nước chậm phát triển như nước ta cần phải nhanh chóng tiếp thu, kế thừa trong sự phát triển.
Theo hướng đó, hiện tại đã ký hợp đồng liên kết với NCU, Rice, Caluniverity, Green River (Hoa kỳ) một số trường đại học ở Singapore, Úc, Canada… và đang nộp hồ sơ ở Bộ giáo dục xin phê duyệt để triển khai trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc bảo đảm và phát triển cơ sở vật chất, bao gồm các giảng đường, các phương tiện dạy học hiện đại, thư viện, nhà ăn, ký túc xá… yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và là cùng một nội dung nhà trường luôn quan tâm cải tiến.
6. Gắn kết giảng dạy với nghiên cứu khoa học và ứng dụng.
Việc gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học coi việc nghiên cứu khoa học trong sinh viên là yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đào tạo vì khoa học và nghiên cứu là hai mặt của một thực thể: Không thể có chất lượng đào tạo nếu không làm tốt công tác nghiên cứu và không có nghiên cứu khoa học tốt nếu chất lượng giảng dạy không đáp ứng được nhu cầu kiến thức của người học. Nhận thức được điều đó trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, mặc dù thành lập chưa được bao lâu nhưng ngay từ những ngày đầu đã rất quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học bằng cách thành lập Hội đồng khoa học nhà trường, các Viện khoa học chuyên ngành. Sắp tới trường sẽ nghiên cứu xây dựng các trung tâm, các vườn ươm doanh nghiệp giúp sinh viên vừa nghiên cứu khoa học, vừa ứng dụng vào thực tế cuộc sống, phát triển các túi tích tụ tri thức từ những kết quả đam mê của chính mỗi con ngưởi. Tất nhiên công việc này đôi lúc lại liên quan đến cấp độ cá nhân với sự hướng dẫn tích cực có khi liên quan đến dạng một thầy một trò…thay cho chế độ đại trà hay phổ cập, và điều này dẫn đến nhiều yếu tố mới mà nhà trường sẽ từng bước chuẩn bị để tạo bước đi mới cho trường.
Kết luận:
Bằng cách hoạt động tích cực nêu trên, chúng tôi xem như là đã cam kết bảo đảm giữ vững chính sách chất lượng của trường đối với các nhà tuyển dụng và xã hội. Đây cũng là yếu tố chính để xác lập thương hiệu của Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An.