Biến đổi khí hậu khiến con người nghèo khó hơn


         Một báo cáo vừa được công bố cảnh báo rằng biến đổi khí hậu đang kiến người nghèo trở nên nghèo khó hơn, tiếp tục làm xói mòn an ninh lương thực và tạo ra nhiều bẫy nghèo mới, đặc biệt ở khu vực đô thị và những điểm nóng về nạn đói đang nổi lên.
         Trong báo cáo công bố ngày 24/6, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói rằng biến đổi khí hậu đang khiến người nghèo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương càng nghèo hơn. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đông dân nhất thế giới và với 700 triệu người, chiếm 2/3 dân số thế giới, vẫn sống trong nghèo đói.

Trong suốt thế kỷ 21, tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế
và quá trình xóa đói giảm nghèo, tiếp tục làm xói mòn an ninh lương thực và tạo ra nhiều bẫy nghèo mới,
đặc biệt ở khu vực đô thị và những điểm nóng về nạn đói đang nổi lên.

         Báo cáo cho biết, 1,5 triệu người Philippines đang trở nên nghèo đói hơn và khoảng sáu triệu người mất việc làm vào năm 2013, do cơn bão Haiyan, một trong những cơn bão mạnh nhất trên thế giới. Haiyan, cơn bão đã tàn phá miền Trung Philippines, khiến thêm nhiều người rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn với thu nhập chưa đến 1,25 USD mỗi ngày.

         Ở một quốc gia khác là Indonesia, dân số thành thị có thể tăng lên 65% tổng số dân vào năm 2025 so với 50% hiện nay, gây ra tình trạng quá đông đúc và suy giảm tài nguyên. Điều này sẽ gây sức ép lên dịch vụ công, khiến việc làm bị mất, thu nhập giảm cũng như đặt người nghèo trước những cú sốc môi trường.

         Theo chuyên gia đánh giá Hyun Son của ADB, nếu tình trạng bất bình đẳng và biến đổi khí hậu được hạn chế, tỷ lệ nghèo có thể không tăng từ 3,6% vào năm 2010 lên 11,3% vào năm 2014.

         Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) viết: “Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo ở các nước thu nhập thấp, trung bình thấp và tạo ra các khu vực nghèo mới ở các nước có thu nhập cao do tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng”. Đối với những người sống đang trong nghèo đói, “những hiểm họa liên quan đến biến đổi khí hậu đang tạo ra một gánh nặng nữa”.

         Các nhà khoa học ước tính kinh tế thế giới có thể vẫn tiếp tục phát triển, nhưng một khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm khoảng 1,5 độ C so với mức hiện nay, nó có thể dẫn đến thiệt hại kinh tế từ 0,2 đến 2% tổng thu nhập của toàn thế giới.

         Nạn đói, lũ lụt, hạn hán, chiến tranh và bệnh tật… vốn dẫn đến bi kịch của con người và những thảm họa này có thể còn tồi tệ hơn khi khí hậu thế giới ấm lên.

         Liên quan đến bệnh tật, báo cáo IPCC cho biết đến khoảng năm 2050, “biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và chủ yếu là làm trầm trọng thêm vấn đề sức khỏe đã tồn tại” và sau đó, nó sẽ làm cho vấn đề này trở nên tồi tệ hơn.

         Theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), hiện tổng số người phải di cư vì lý do môi trường là 25 triệu người, còn theo Hội Chữ thập đỏ, con số này cao hơn rất nhiều, lên tới 50 triệu người. Tiến sỹ Norman Myers của Đại học Oxford (Anh) dự báo con số người tị nạn môi trường sẽ tăng tới 200 triệu người trong 20 năm nữa.

         10 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

         Dưới đây là 10 giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được cho là khả thi được Tạp chí Sciencetific America của Mỹ đưa ra:

         Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch: Một trong những giải pháp khả thi nhất là hạn chế đốt than, dầu và khí thiên nhiên. Hiện nay, dầu là nhiên liệu phổ biến và cũng từ dầu người ta sản xuất ra nhiều sản phẩm khác, còn than lại được sử dụng rất phổ biến ở hầu hết các quốc gia, chủ yếu là để sản xuất điện. Theo các chuyên gia Năng lượng Mỹ, cho tới thời điểm hiện nay chưa có một giải pháp hoàn hảo nào để thay thế nhiên liệu hóa thạch mặc dù đây là nguồn gây hiệu ứng nhà kính rất lớn. Bởi vậy, sớm hay muộn con người cũng sẽ phải tìm ra nguồn nhiên liệu khác thay thế như nhiên liệu sinh học, điện nguyên tử hay các nguồn năng lượng khác.

         Cải tạo, nâng cấp hạ tầng: Theo số liệu thống kê, nhà ở chiếm tới gần 1/3 lượng phát tán khí gây hiệu ứng nhà kính trên quy mô toàn cầu (riêng ở Mỹ là 43%). Vì vậy, việc cải tiến trong lĩnh vực xây dựng như tăng cường hệ thống bảo ôn, xây dựng các cầu thang điều chỉnh nhiệt, các loại nhà "môi trường"... sẽ tiết kiệm được rất nhiều nhiên liệu và giảm mức phát tán khí thải. Ngoài ra, các công trình giao thông như cầu đường cũng là yếu tố cần đầu tư thỏa đáng. Đường tốt không chỉ giảm nhiên liệu cho xe cộ mà còn giảm cả lượng khí phát tán độc hại hoặc sử dụng các loại lò đốt trong công nghiệp (như lò khí hóa than, lò dùng trong sản xuất xi măng) cũng sẽ giảm được rất nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

         Làm việc gần nhà: Theo các nhà khoa học, cứ khoảng 1 galon nhiên liệu (tương đương 4,5lít) cho xe chạy sẽ tạo ra khoảng 9 kg CO2 phát tán, vì vậy phương án làm việc gần nhà không dùng xe mà đi bộ hay đi xe đạp vừa có lợi cho sức khỏe lại có lợi về mặt kinh tế môi trường.

         Giảm tiêu thụ: Một trong những phương án kinh tế nhất là tiết kiệm giảm chi tiêu, điều này không chỉ đúng trong cuộc sống hàng ngày mà nó còn có tác dụng làm giảm các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ví dụ như giảm dùng các loại bao gói sẽ giảm được đáng kể chi phí sản xuất lẫn phí tái chế. Một trong những vấn đề bức xúc hiện nay là sử dụng quá nhiều các loại bao gói có nguồn gốc từ nhựa plastic đã gây nên hiệu ứng "ô nhiễm trắng"...

         Ăn uống thông minh, tăng cường rau, hoa quả: Đây là phương án được giới y học khuyến cáo rất nhiều, nhưng đứng về mặt môi trường lại có ý nghĩa khác. Theo đó, người ta đã khuyến khích việc canh tác hữu cơ, gieo trồng các loại rau, hoa quả không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu. Việc lựa chọn thực phẩm để cân bằng dưỡng chất, ngon miệng lại mang tính môi trường quả là không đơn giản, trong khi đó các hãng sản xuất lại thi nhau quảng cáo nên đã làm cho người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn. Ngoài ra việc ăn quá nhiều thịt cũng không tốt cho cơ thể, trong khi đó riêng ngành chăn nuôi cũng là nơi sản xuất ra các loại gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất.

         Chặn đứng nạn phá rừng: Theo số liệu thống kê của Bộ Môi trường Mỹ, mỗi năm bình quân trên thế giới có khoảng 33 triệu ha rừng bị phá, riêng nạn khai thác gỗ đã tạo ra trên 1,5 tỷ tấn CO2 thải vào môi trường, chiếm 20% lượng khí thải nhân tạo gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, chặn đứng nạn phá rừng sẽ có tác dụng lớn trong việc giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu.

         Tiết kiệm điện: Một trong những giải pháp kinh tế khả thi nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường là tiết kiệm điện, đặc biệt là sử dụng các thiết bị dân dụng tiết kiệm điện như bóng đèn compact, các loại pin nạp. Theo các Bộ Môi trường Mỹ, ở quốc gia này mỗi gia đình chỉ cần thay một bóng đèn dây tóc chiếu sáng bằng bóng compact thì cả nước sẽ tiết kiệm được lượng điện dùng cho 3 triệu gia đình khác.

         Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh 1 con: Hiện nay trên thế giới đã có trên 6 tỷ người và theo dự báo của LHQ thì đến giữa thế kỷ 21 sẽ tăng lên 9 tỷ và như vậy nhu cầu về thực phẩm, quần áo, các nhu yếu phẩm khác sẽ tăng lên gấp rưỡi so với hiện nay. Với mức tiêu thụ lớn như vậy sẽ tạo ra nguồn phát tán khí thải gây hiệu ứng nhà kính rất lớn, nhất là ở các nước đang phát triển. Áp dụng phương án mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 con sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được coi là phương án phát triển bền vững và khả thi nhất trong tương lai.

         Khai phá những nguồn năng lượng mới: Việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới để thay thế nhiên liệu hóa thạch là thách thức lớn nhất của con người trong thế kỷ 21. Một số nguồn năng lượng ứng viên sáng giá là ethanol từ cây trồng, hydro từ quá trình thủy phân nước, năng lượng nhiệt, năng lượng sóng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiên liệu sinh học...

         Ứng dụng các công nghệ mới trong việc bảo vệ trái đất: Hiện nay các nhà khoa học đang tiến hành những thử nghiệm mới như quá trình can thiệp kỹ thuật địa chất hay kỹ thuật phong bế mặt trời... nhằm giảm hiệu ứng nhà kính. Ngoài các giải pháp này, các nhà khoa học còn tính đến kỹ thuật phát tán các hạt sulfate vào không khí để nó thực hiện quá trình làm lạnh bầu khí quyển như quá trình phun nhan thạch của núi lửa, hoặc lắp đặt hàng triệu tấm gương nhỏ để làm chệch ánh sáng mặt trời cho tới việc bao phủ vỏ trái đất bằng các màng phản chiếu để khúc xạ trở lại ánh sáng mặt trời, tạo ra các đại dương có chứa sắt và các giải pháp tăng cường dưỡng chất giúp cây trồng hấp thụ nhiều CO2 hơn...

Theo Minh Phúc/moitruong.com.vn

Tin mới nhất - DLA

Xem nhiều nhất

Giáo dục khuyến học - Dân trí

Tin mới nhất - vnexpress

Tin mới nhất - VnExpress RSS

VnExpress RSS Tin nhanh VnExpress - Đọc báo, tin tức online 24h

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP KINH TẾ CÔNG NGHIỆP

Cơ quan chủ quản: Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An - Giấy phép số: 49/GP-TTĐT của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử -  Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21-5-2015
Tên tổ chức thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp: Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp. Giấy phép số: 230/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 19-6-2013
Chịu trách nhiệm chính: LÊ ĐÌNH VIÊN - Tổng Biên tập
Địa chỉ: 938 Quốc lộ 1, Phường Khánh Hậu, Thành phố Tân An, Long An
Điện thoại: 0723 512 826 - Fax: 0723 513 551
Email: le.vien@daihoclongan.edu.vn​.​